Để Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ
- 16:00 05-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiềm năng và kết quả bước đầu
Nghệ An nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái động, thực vật, hang động, thác nước phong phú, vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, hùng vĩ. Ở đây có Khu dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới; có bờ biển dài 82 km với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập và các đảo ven bờ có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đảo chè Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh tư liệu |
Nghệ An còn được biết đến là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh còn lưu giữ được 1.395 di tích lịch sử, trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt, 127 cấp quốc gia, 24 lễ hội văn hóa truyền thống cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể nhiều về số lượng, đa dạng về tính chất, phong phú về hình thức.
Đặc biệt là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, hấp dẫn và là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nghệ An có tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt đi qua, có cảng biển quốc tế Cửa Lò, sân bay quốc tế Vinh, là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua Quốc lộ 7, Quốc lộ 48. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế, văn hóa và du lịch với các nước trong khu vực.
Đua thuyền tại Lễ hội sông nước Cửa Lò. Ảnh tư liệu |
Với tiềm năng và lợi thế đó, Nghệ An được xác định là một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011-2020, và gần đây là Chương trình hành động số 55-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020 cũng đã được phê duyệt tại Quyết định 2737/QĐ-UBND ngày 12/6/2009 của UBND tỉnh cùng nhiều chương trình, đề án về phát triển du lịch trên địa bàn.
Nhờ vậy, hoạt động du lịch Nghệ An những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực, không gian phát triển được mở rộng, không chỉ còn bó hẹp ở khu vực ven biển mà ngày càng lan tỏa đến các huyện miền Tây với loại hình sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn: du lịch văn hóa gắn với tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn...
Quê Bác - một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh tư liệu Thành Cường |
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh, toàn tỉnh hiện có 839 cơ sở lưu trú với 20.054 buồng, có nhiều khách sạn 3-5 sao; có 42 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành như Khu du lịch sinh thái Mường Thanh - Diễn Lâm, Tổ hợp Khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội.
Hợp tác liên kết phát triển du lịch không ngừng mở rộng, Nghệ An đã ký kết chương trình hợp tác và thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn trong nước đến đầu tư, kinh doanh như: Saigontourist, Vietravel, Vingroup, Mường Thanh...
Riêng 2 năm 2017, 2018, sau sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung, du lịch Nghệ An đã có bước phục hồi nhanh, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 15,5%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 32,9%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 40,4% /năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành du lịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 8,5% về lượng khách lưu trú và 20% về doanh thu các dịch vụ du lịch.
Hướng đi trong chặng đường tiếp theo
Tuy nhiên, so với yêu cầu và thế mạnh tài nguyên, phát triển du lịch Nghệ An đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách quốc tế còn chiếm tỷ trọng rất thấp, mức chi tiêu của du khách còn thấp; sản phẩm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đặc thù, hiệu quả hợp tác, liên kết phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức, vai trò trung tâm du lịch của vùng chưa thể hiện rõ...
Đền Quang Trung, TP Vinh. Ảnh tư liệu Sách Nguyễn |
Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030: “Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An, có môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng”, thời gian tới cần phải giải quyết tốt 3 vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với định vị thị trường khách. Nhất là các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật như: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên - Nam Đàn, Vườn quốc gia Pù Mát; Di sản Dân ca Ví, Giặm; các bãi biển Cửa Lò, Nghi Lộc, Hoàng Mai... Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng.
Năm nay thị xã biển Cửa Lò được đầu tư trang hoàng. Ảnh: tư liệu |
Thứ hai, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại, đồng bộ, bao gồm: Hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không kết nối trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Hệ thống điểm tham quan, du lịch, cơ sở dịch vụ lưu trú, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, vận chuyển khách, viễn thông, y tế, ngân hàng, điểm dừng nghỉ, nhà vệ sinh công cộng... có chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách, qua đó kéo dài ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu.
Thứ ba, xây dựng nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ và cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Những tháng còn lại của năm 2019, ngành du lịch cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 62/KH-UBND của UBND tỉnh, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 55-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trọng tâm là xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Nghệ An đến năm 2025, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ. Ảnh tư liệu Thành Cường |
2. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn có liên quan đến kết nối du lịch cũng như các dự án đầu tư du lịch trọng điểm: Tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II; Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc);... Triển khai các bước thủ tục chuẩn bị tiếp nhận "Dự án phát triển hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng - Giai đoạn II" do ADB tài trợ, tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án phi chính phủ hỗ trợ cho phát triển các mô hình du lịch cộng đồng khu vực miền Tây.
3. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh, trọng tâm là các tỉnh, thành phố vùng động lực phát triển du lịch, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong đó tập trung triển khai có hiệu quả Biên bản hợp tác chiến lược đã ký kết với các Tổng Công ty, Tập đoàn kinh doanh du lịch; tiếp tục triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh của Lào, Thái Lan và các nước khác trong ASEAN, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để thúc đẩy tăng nhanh lượng khách quốc tế.
4. Đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó tập trung triển khai các nội dung thỏa thuận với tỉnh Ulyanovsk (LB Nga), chuẩn bị tham gia một số hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh Nghệ An và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên (Saigontourist) ký kết hợp tác chiến lược giai đoạn 2019 - 2025. Ảnh tư liệu Đức Anh |
5. Tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho lãnh đạo quản lý, đội ngũ hướng dẫn viên, công nhân kỹ thuật chế biến món ăn, nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng và người dân làm du lịch cộng đồng…;
6. Tăng cường quản lý chất lượng các điểm đến du lịch, làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch nhằm hướng tới xây dựng môi trường du lịch Nghệ An thật sự an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng để thu hút khách.
Việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng du lịch năm 2019 sẽ góp phần tích cực cùng toàn tỉnh đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và những năm tiếp theo./.
Tác giả: Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An