'Xã hội chưa thể công nhận bằng chính quy và tại chức ngang nhau'
- 16:39 04-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ tháng 7/2019, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực. Bằng đại học sẽ không ghi hình thức đào tạo chính quy hay không chính quy (tại chức, liên thông, đào tạo từ xa). Điều này đồng nghĩa bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau.
Câu chuyện này một lần nữa được đem ra mổ xẻ khi chất lượng đào tạo tại chức, liên thông, từ xa - vốn là "nồi cơm" của nhiều trường đại học - chưa đảm bảo chất lượng.
Năng lực là mấu chốt
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho rằng việc chỉ có một loại văn bằng, không phân biệt chính quy hay tại chức, là quy định phổ biến trên thế giới. Ông đánh giá điểm sửa đổi này phù hợp và có thể khuyến khích xã hội học tập.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng bằng chính quy và tại chức có giá trị tương đương là quy định hay nhưng vấn đề cần đảm bảo chất lượng ngang nhau. Ảnh: Quang Đức. |
Ông cho rằng người lao động hay bất cứ ai cũng cần học chứ không giới hạn ở độ tuổi nhất định. Quan niệm người ngoài tuổi đến trường sẽ học không tốt, không đảm bảo chất lượng, đã lạc hậu. Thế nhưng, xã hội vẫn có sự phân biệt đáng kể. Thậm chí, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tuyển lao động có bằng đại học chính quy. Quan điểm này trái với tinh thần xã hội học tập, thể hiện tư duy không tiên tiến.
Vì thế, Luật Giáo dục Đại học thừa nhận sự tương đương giữa các loại hình giáo dục khác nhau, không có sự phân biệt giữa chính quy và không chính quy, có thể xem là bước tiến về tư duy. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra mới là mấu chốt, chứ không phải phân biệt giá trị văn bằng hay hình thức đào tạo.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cũng cho rằng quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là chính sách tiến bộ, tạo nền giáo dục mở, mang lại cơ hội cho người có động cơ học tập đúng đắn.
Tuy nhiên, xã hội vẫn nghi ngại giá trị văn bằng của hình thức đào tạo không chính quy. Bằng tại chức, liên thông, đào tạo từ xa chưa được xem trọng do thái độ người học, khâu kiểm soát chất lượng lỏng lẻo.
Ông Vinh cho rằng luật thông qua rồi nhưng thực tế còn nhiều thách thức. Thứ nhất là thái độ, động cơ của người học, học để làm việc khác với vì mảnh bằng. Thứ hai, nó còn tùy thuộc giáo viên và nhà trường.
"Một số trường thiếu tài chính, chấp nhận giảm chất lượng, hạ thang bậc đánh giá để thu hút sinh viên. Đào tạo như vậy mà ra trường, bằng có giá trị như nhau là làm méo chính sách", ông Vinh nêu quan điểm.
Còn nhiều thách thức
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, quy định mới còn đặt ra một số thách thức. Khi hai hình thức được công nhận bằng tương đương, người học từ xa có được bảo lưu kết quả khi chuyển sang học chính quy không? Nếu được, các trường cần có quy định để khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, điểm đầu vào? Quy định “mềm dẻo” hơn cần lường trước việc áp dụng như thế nào cho các trường hợp học hệ tại chức chuyển sang chính quy.
Một số trường thiếu tài chính, chấp nhận giảm chất lượng, hạ thang bậc đánh giá để thu hút sinh viên. Đào tạo như vậy mà ra trường, bằng có giá trị như nhau là làm méo chính sách TS Hoàng Ngọc Vinh |
“Đây là câu chuyện dài tập. Chính quy và tại chức tương đương hay không do nhà tuyển dụng quyết định. Họ chê nghĩa là chính sách thất bại”, ông Vinh nói.
Chuyên gia này cho rằng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, công khai. Điều quan trọng là người học, giảng viên xác định đúng mục đích, tránh gian lận, lười học, muốn có bằng nhưng học không đàng hoàng.
Đây cũng là lo ngại mà ông Lê Viết Khuyến nêu ra. Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung đưa vào quy định khung trình độ quốc gia, các khái niệm chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, thực tế, các trường vẫn quen thiết kế chương trình không thống nhất, hoặc có giống nhau thì cách đánh giá, tổ chức đào tạo, mức độ chặt chẽ, nghiêm túc cũng khác nhau.
“Với tình hình hiện tại, học riêng, thi cử riêng, đánh giá riêng, tất nhiên, xã hội chưa thể công nhận hai văn bằng tương đương”, ông Khuyến nói.
Tại chức có thể học 6-8 năm
TS Lê Viết Khuyến thừa nhận bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là cái đích xã hội mong muốn hàng chục năm nay, nhưng còn vướng trong quá trình triển khai. Nhiều trường rút bớt chương trình, hạ chuẩn đánh giá với hệ đào tạo không chính quy.
Ở nước ngoài, sinh viên hệ đào tạo trực tuyến, bán thời gian có thời gian học kéo dài nhiều năm hơn hệ chính quy. Ảnh: Peterson. |
Theo ông, các trường có thể giải quyết bằng cách chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ nghiêm túc. Tiến độ học tập phụ thuộc khối lượng kiến thức, năng lực tiếp thu của mỗi người. Nhà trường và sinh viên không câu nệ thời gian học nhanh hay chậm. Tiến độ học phụ thuộc khối lượng đăng ký mỗi học kỳ. Nếu có thời gian, năng lực tiếp thu tốt, sinh viên có thể đăng ký học nhiều, kết thúc sớm.
Nếu không đủ điều kiện, phải vừa học vừa làm, năng lực học tập hạn chế, sinh viên đăng ký vừa sức mình. Với chương trình tương đương, họ có thể mất 6-8 năm để hoàn thành. Đây cũng là cách nhiều nước trên thế giới áp dụng.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết ở các nền giáo dục đại học tiên tiến, đào tạo bán thời gian (tại chức, học từ xa) phổ biến và có thời gian học kéo dài.
Ví dụ, ở Mỹ, thời gian cho khóa học theo hình thức đào tạo không tập trung thường kéo dài 6 năm, nhưng chỉ mấy chục phần trăm học viên tốt nghiệp đúng hạn. Nhiều người học đến 8-9 năm mới tốt nghiệp và chỉ nhận bằng khi đảm bảo chất lượng đầu ra.
Trong khi đó, ở nước ta, thời gian đào tạo tại chức tương đương chính quy. Điều này dẫn tới đào tạo không đảm bảo nguyên tắc sư phạm.