Xu hướng làm album USB nở rộ, có dễ xâm hại bản quyền?
- 13:55 04-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thanh Thảo theo xu hướng làm album dạng USB hình móc khóa |
Trăm bản nhạc “gói” trong USB
Trong thời buổi các album nhạc CD, DVD gặp nhiều khó khăn, ế ẩm vì khó bán, nhiều nghệ sĩ chọn cách phát hành album trực tuyến để dễ thu lợi nhuận. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ sĩ tìm cách tiếp cận công chúng bằng album vật lý và album dưới dạng USB là một trong số đó. Mới đây nhất, ca sĩ Đan Trường đã “gom” cả thanh xuân của mình trong album “The Best of Dan Truong’s song”. Album của Đan Trường chứa 165 bài hát, là những ca khúc anh hát từ năm 1997 tới nay. Album này của nam ca sĩ có thể coi là sản phẩm âm nhạc có nhiều bài hát nhất từ trước tới nay, được thiết kế dưới dạng USB có dung lượng 16GB.
Được biết, sản phẩm được Đan Trường ấp ủ suốt 1 năm. Anh cùng ê-kíp đã mất hơn 3 tháng thực hiện. Thay vì chọn phát hành online không đạt nhiều hiệu quả về doanh thu, giọng ca của “Tình khúc vàng” chọn cách làm abum dưới dạng USB, để khán giả có thể nghe nhạc một cách tiện lợi nhất. Anh cũng giữ nguyên định dạng không nén (lossless) để âm thanh vẫn nghe như trong CD.
“Chiếc USB chỉ cần gắn vào loa, máy tính, hay máy nghe nhạc trên xe… đều có thể dễ dàng nghe. Trường mong rằng chính sự tiện dụng và lòng chân thành của mình sẽ giúp tiếng hát Đan Trường một lần nữa đến với mọi người một cách đầy đủ nhất”, nam ca sĩ tâm sự.
Trước Đan Trường, nhiều nghệ sĩ đã lựa chọn phương pháp thiết kế album USB như: Sơn Tùng M-TP, Trịnh Thăng Bình, Phạm Quỳnh Anh, nghệ sĩ violon Hoàng Rob, Tiên Tiên… Tháng 3 vừa qua, ca sĩ Thanh Thảo cũng “gói” tuổi trẻ của mình với 35 bản hit trong album USB “Thanh Thảo” được thiết kế dưới hình móc khóa với hai phiên bản màu đỏ và đen. Bản thân Thanh Thảo cũng từng suy nghĩ rất nhiều mới quyết định làm album USB hình móc chìa khoá, để lúc nào khán giả cũng mang theo nhạc của cô bên cạnh và khi cần nghe, dễ dàng cắm vào các phương tiện.
Dễ thấy ngày nay, khi nhiều người ngại cầm theo đĩa CD bên mình và những phương tiện hỗ trợ cho việc nghe CD cũng không còn nhiều nên việc chuyển hướng sang sản xuất album định dạng USB là một phương pháp thông minh để sản phẩm của nghệ sĩ dễ tới được với người dùng hơn, có thể nghe nhạc ở mọi nơi. Chính nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Lưu Thiên Hương cũng thừa nhận, hiện nay, laptop đời mới cũng không còn ổ CD, còn trên ôtô luôn có chỗ để cắm USB nên rất thuận tiện. Dù chất lượng âm từ chuẩn master đồ ra CD hay USB không chênh lệch nhiều, nếu tai bình thường nghe hầu như không phân biệt được nên chọn thiết kế album USB là một phương án chiếm ưu thế hơn làm CD truyền thống.
Khó bảo vệ bản quyền, chống hàng lậu tốt hơn
Đan Trường thu cả thanh xuân trong một chiếc USB |
Có thể nói, sự tiện lợi của USB cũng đi kèm nhiều vấn đề liên quan khác. USB thường chứa dung lượng lớn và các album thường được thiết kế để người dùng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Do đó, sản xuất một album USB tốn kém hơn nhiều so với làm album CD.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng - đại diện hãng ghi âm Katana Record, chi phí thực hiện một USB thường gấp khoảng 20 lần so với in một đĩa CD. Cũng vì điều này, album USB có mặt lợi là sẽ ít bị làm lậu hơn. “Bạn sao một CD chỉ mất khoảng 3.000 đồng, cộng chi phí in ấn, túi bọc có thể khoảng 5.000 đồng, rồi bán ra ngoài khoảng 20.000 đồng. Nhưng USB giống đĩa than, không đơn giản như thế. Chi phí làm một USB, gồm cả tiền sản xuất, mã hóa… thường rơi vào khoảng 100.000-120.000 đồng. Những người làm lậu thường khó có đủ vốn để làm và USB lại là một mảng thị phần hoàn toàn khác”, ông Hùng phân tích.
Cũng vì chi phí sản xuất đắt đỏ, giá thành cho một sản phẩm dạng này cũng đắt hơn CD truyền thống. Tuy nhiên, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho rằng, album định dạng USB có vẻ dễ bán hơn nhiều so với CD hay DVD. “USB khiến người mua có cảm giác được lãi hơn vì có thể sử dụng thêm vào mục đích khác nữa. Ra một sản phẩm dưới định dạng USB trông xịn xò hơn, như một món quà lưu niệm vậy. Về hình thức cũng như chất lượng, việc thuận tiện cho người nghe có thể khiến các nghệ sĩ Việt Nam về sau sẽ đi theo hướng sản xuất này”, nữ nhạc sĩ nhận định.
Đặc biệt, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng được nhiều người trong nghề đặt ra khi thực hiện sản phẩm của mình. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương tiết lộ, mỗi khi làm sản phẩm USB hay CD, chị phải làm việc rất kỹ với Cục Bản quyền tác giả với tất cả các tác phẩm trong album. Thậm chí, các bản phối cũng được chị cẩn thận gửi email cho bên Cục để bảo vệ bản quyền các tác phẩm của mình.
Trong khi đó, đại diện của Katana Record cũng cho rằng, tại thời điểm này, USB có tính bảo mật tương đương CD. Theo ông Hùng, đa số album USB hiện nay mới chỉ dừng ở mức ngăn chặn người khác copy hoặc lấy file từ USB ra chứ chưa thực sự khai thác được thế mạnh tiềm ẩn của USB. Theo đó, USB có mặt trội hơn trong vấn đề bản quyền là có thể mã hóa. “Khi USB được mã hóa, ngoài tăng cường tính bảo mật, tránh bị lấy cắp bản quyền còn nâng cao chất lượng âm thanh, giúp người nghe được trải nghiệm nhiều điều mà CD không thể có được như MV chất lượng cao, artbook…
Dẫu vậy, ông Hùng vẫn thở dài: “Việc xâm phạm bản quyền dựa vào ý thức của người nghe, còn các biện pháp bảo mật dù tối tân tới đâu cũng chỉ mang tính tương đối”.