Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó chủ tịch Hà Tĩnh nói về các giải pháp chữa cháy rừng

Ngày 1.7, tại hiện trường vụ cháy rừng thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc áp dụng các phương án chữa cháy rừng.

 Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với phóng viên bên cạnh hiện trường vụ cháy rừng ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ vào trưa 1.7 - Ảnh: Quang Cường

Trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ cháy trên núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân rất dữ dội, kéo dài suốt 3 ngày đã thiêu rụi hơn 60ha rừng.

Dư luận thắc mắc rằng, trong khi các công cụ thô sơ và phương tiện cơ giới sẵn có không phát huy hiệu quả cao trong việc chữa cháy nhưng tỉnh Hà Tĩnh lại không đề xuất Chính phủ điều động máy bay trực thăng hỗ trợ dập lửa.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho hay: “Qua chỉ đạo tại hiện trường cháy rừng trong chuyến công tác của ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban tổ chức Trung ương (vào sáng 30.6 - PV), đã có đề cập đến vấn đề này. Nhưng tại thời điểm đó, phạm vi cháy quá lớn và gió lào mạnh. Nếu chúng ta điều động phương tiện thì cũng chưa đánh giá được hiệu quả, bởi Hà Tĩnh chưa có thực tiễn thực hiện việc này. Theo tôi được biết thì các tỉnh khác cũng chưa có”.

Theo ông Sơn, muốn điều động máy bay trực thăng chữa cháy thì cần phải có quá trình thử nghiệm, đánh giá. Bởi những vụ cháy rừng xảy ra vừa qua hầu hết ở địa hình núi cao và gió Tây Nam thổi mạnh.

“Đặc biệt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt thì chúng ta phải đánh giá nghiêm túc, nếu không có quá trình này thì sẽ không hiệu quả”, ông Sơn nói.

 Cháy rừng ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân ngày 28.6 - Ảnh: Q.C

Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đánh giá trong các vụ cháy rừng vừa qua, các lực lượng tham gia chữa cháy còn thiếu phương tiện, máy móc để dập lửa hiệu quả. Bởi phương tiện chữa cháy như máy thổi, cưa xăng chủ yếu trang bị cho các đơn vị chính quy gồm kiểm lâm, quân đội, công an. Khi vụ cháy lớn xảy ra, phải huy động hàng nghìn người đến hiện trường nên không thể đủ phương tiện để sử dụng.

Lúc cao điểm cháy rừng, phương tiện máy móc chữa cháy phải dàn đều ra toàn các huyện cho nên tình trạng thiếu phương tiện là không thể tránh khỏi.

“Đối với địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao như Hà Tĩnh thì phương tiện, máy móc hiện có chưa thể nói là đủ được, do đó càng trang bị nhiều máy móc thiết bị càng tốt”, ông Sơn nói thêm.

 Hà Tĩnh còn thiếu phương tiện, máy móc chữa cháy rừng - Ảnh: Q.C

Ông Sơn cũng thừa nhận việc chữa cháy trước mắt tại Hà Tĩnh đang gặp khó khăn. “Với phạm vi cháy rộng và gió lào mạnh như thế thì đã vượt ra hỏi khả năng khống chế của chúng ta. Cho nên chúng ta dành lại lực lượng và điều kiện của mình ở những điểm xung yếu nhất, ví dụ cắt đường băng cản lửa để hạn chế vệc lây lan. Thực tế chúng ta đã làm khá tốt việc này”.

Về các giải pháp phòng chống cháy rừng công nghệ cao như sử dụng hóa chất, ông Sơn cho rằng địa phương và các cơ quan chuyên môn phải có thời gian nghiên cứu.