Dự án đường hơn 600 tỷ ở Tương Dương, Nghệ An: Nhiều nhà thầu điêu đứng “đòi nợ” chính quyền
- 09:36 01-07-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 4 năm |
“Siêu” dự án đường hơn 600 tỷ
Báo nhận được phản ánh của liên danh 4 nhà thầu trong Dự án đường giao thông Yên Tĩnh – Hữu Khuông, huyện Tương Dương về việc đã hoàn thành, bàn giao đường đưa vào sử dụng 4 năm nhưng vẫn chưa được phê duyệt quyết toán.
Theo đó, ngày 07/3/2008, UBND huyện Tương Dương có tờ trình xin chủ trương lập Dự án. Ngày 18/4/2008, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1344 về việc cho phép lập Dự án, giao cho UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư tuyến đường từ bản Cặp Chăng (trung tâm xã Yên Tĩnh), điểm cuối bản Tủng, xã Hữu Khuông.
Nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách huyện cùng với huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án có chiều dài hơn 41k. Ngày 24/9/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đầu tư dự án với tổng mức hơn 426 tỷ đồng.
Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh là hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh |
Ngày 21/12/2010, UBND huyện Tương Dương phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 1 do liên danh 5 nhà thầu thực hiện gồm Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Miền Trung, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 475, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Đức, Công ty cổ phần Thi công cơ giới và xây lắp 171 và Công ty cổ phần Xây dựng Trung Anh. Giá trúng thầu xây lắp là h=['ơn 121 tỷ đồng, thời gian thi công 23 tháng, phương thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Quyết định phê duyệt kết quả đấu nêu rõ, trong quá trình nguồn vốn chưa được bố trí đủ, nhà thầu tự bỏ vốn để thực hiện hoàn thành gói thầu, khi có kinh phí nhà nước đầu tư, chủ đầu tư sẽ thanh toán cho nhà thầu theo quy định. Ngày 23/12/2010, chủ đầu tư đã ký hợp đồng kinh tế với liên danh các nhà thầu để thực hiện gói thầu số 1.
Quá trình triển khai Dự án, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần điều chỉnh tăng và giảm tổng mức đầu tư. Đến khi Dự án hoàn thành, tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 681 tỷ đồng, tăng 131 tỷ đồng (bao gồm cả gói thầu số 1 và số 2).
Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đúng chủ trương. Nhưng sau 4 năm, 4 trong số 5 nhà thầu gói thầu số 1 vẫn chưa được phê duyệt quyết toán số tiền điều chỉnh tăng thêm là 47,5 tỷ đồng.
Theo các nhà thầu này, suốt thời gian trên, họ đã nhiều lần có tờ trình xin phê duyệt quyết toán. Đến nay, họ mới nhận số tiền theo hợp đồng ban đầu, còn số tiền theo điều chỉnh trượt giá thì chưa. Chỉ tiêng Cty Trung Đức đã được quyết toán, thanh toán.
Vướng mắc “tỉnh nói, huyện lắc đầu”
Quá trình giải quyết, UBND tỉnh Nghệ An có nhiều văn bản hướng dẫn, mới nhất là Công văn 3748 ngày 30/05/2018 về việc ủy quyền cho UBND huyện Tương Dương phê duyệt điều chỉnh dự toán và thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành. Trong đó nêu rõ, với chi phí tăng thêm, chủ đầu tư huy động nguồn vốn ngân sách của huyện và các nguồn hợp pháp khác để thanh toán theo quy định.
Nhưng UBND huyện Tương Dương có các văn bản trả lời nhà thầu và các sở ngành tỉnh Nghệ An cho rằng: Dự án có quy mô lớn, thời gian thi công dài, vốn phân bổ qua nhiều năm, giá cả vật liệu, nhiên liệu tăng cao. Vì vậy, dự toán điều chỉnh dự án bị đội vốn vượt quá tổng mức đầu tư với giá trị lớn. Ủy ban nhân dân huyện không xác định được nguồn vốn và là huyện nghèo, không có khả năng ngân sách để thanh toán giá trị tăng thêm.
Các nhà thầu đã rất nhiều lần đề nghị được phê duyệt quyết toán dự án theo đơn giá điều chỉnh nhưng bất thành |
Huyện Tương Dương cũng có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính về việc xin thẩm định vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với dự án. Qua đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn, điều chỉnh mức đầu tư dự án.
Trả lời huyện Tương Dương, các Sở trên cũng có nhiều văn bản nêu rõ việc xử lý thanh toán cho liên danh các nhà thầu là của UBND huyện Tương Dương.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng Trung Anh chia sẻ: “Trong liên danh 5 nhà thầu thì có 1 nhà thầu đã được thanh toán, quyết toán theo hợp đồng điều chỉnh, còn lại 4 đơn vị khác thì không được. Như vậy là thiếu công bằng và thiệt thòi. Quá trình thi công, đơn vị cũng gắng vận động các nguồn vốn để đưa vào thi công cho kịp tiến độ. Bây giờ chúng tôi mong muốn được phê duyệt quyết toán theo hợp đồng điều chỉnh lại không được”.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bắc Miền Trung cũng cho biết: “Các nhà thầu làm đúng theo những gì hợp đồng đã ký kết. Giờ chỉ yêu cầu phê duyệt quyết toán theo hợp đồng điều chỉnh nhưng cũng không được”.
Sự việc kéo dài nhiều năm chưa có hướng giải quyết dứt điểm, đang lâm vào thế bế tắc. Các cơ quan chính quyền và sở ngành của Nghệ An có giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề trên?
Báo sẽ tiếp tục thông tin.