Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Áp lực mới bất ngờ đè nặng lên nữ tỷ phú USD Phương Thảo

Chơi tỷ USD ở thượng đỉnh, kiếm ngàn tỷ mỗi quý nhưng nữ tỷ phú USD CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực đặc biệt là cạnh tranh lớn dần trong một ngành hàng hấp dẫn.

Ngay sau khi chấm dứt hợp tác với AirAsia, Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) của ông Trần Trọng Kiên khẳng định sẽ tiếp tục làm hàng không, theo cách phù hợp với điều kiện môi trường và điểm mạnh bản thân.

Thông tin mới nhất cho thấy, CTCP Hàng không Thiên Minh (Thiên Minh Aviation) vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Quảng Nam với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng sau khi đã thành lập Hải Âu Aviation cũng kinh doanh hàng không trước đó.

Nếu thành công, Thiên Minh Aviation có thể sẽ là hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam sau Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên hồi giữa tháng 1/2019. Bốn hãng trước đó gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines và Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO.

Bên cạnh đó, công ty lữ hành Vietravel cũng đang trong quá trình xin giấy phép hoạt động cho hãng hàng không Vietravel Airlines với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại Thừa Thiên Huế.

AirAsia cũng chưa có ý định từ bỏ thị trường hàng không gần 100 triệu dân Việt Nam.

Như vậy, lĩnh vực hàng không đang trở thành một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự đầu tư của nhiều đại gia trong và ngoài nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản cho tới du lịch. Mức độ cạnh tranh bắt đầu lên cao.

 Tình trạng chậm hoãn tại một số hãng hàng không.

Thời gian gần đây, xuất hiện những thông tin về tình trạng thiếu hụt phi công, tranh giành phi công giữa các hãng hàng không và cả hiện tượng một số phi công có thời gian làm việc vượt quá quy định.

Cục Hàng không Việt Nam đã phải lên tiếng giải thích về việc cấp nhiếu nhân nhượng cho phép CTCP Hàng không Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay không vượt quá 200 giờ bay.

Trên các mạng du lịch và vé máy bay, nhân viên nhiều công ty du lịch lo ngại về tình trạng hủy chậm chuyến kéo dài của một hãng hàng không khiến tour du lịch đổ vỡ, đền bù cho khách hết tiền lời.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu hàng không vẫn diễn biến khá tích cực. Cổ phiếu VJC của VietJet của nữ tỷ phú Phương Thảo tăng khá mạnh trong thời gian gần đây và hiện ở đỉnh khoảng 3 tháng. Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) cũng đang ở vùng đỉnh 6 tháng.

Vietjet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo có lợi nhuận quý 1/2019 tăng trưởng khá ấn tượng bất chấp áp lực cạnh tranh bắt đầu gia tăng.

Trong quý 1/2019, doanh thu của VJC tăng gần 9% lên trên 13,6 ngàn tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vận chuyển hành khách đạt hơn 7,2 ngàn tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động phụ trợ hơn 2,6 ngàn tỷ đồng và một mảng mới khá đặc biệt: doanh thu từ chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê tàu bay đạt gần 3,6 ngàn tỷ đồng.

Sở dĩ VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo có được những khoản doanh thu ngoài vận chuyển hành khách lớn như vậy là bởi trước đó, hãng này có những hợp đồng mua buôn với số lượng lớn trước đó với các nhà chế tạo Boeing và Airbus với giá chỉ bằng khoảng 50% so với giá bán lẻ.

Tuy nhiên, VJC đang đối mặt với rủi ro doanh thu tụt giảm. Trong quý 1, lần đầu tiên VietJet có doanh thu từ mảng đặc biệt: nhượng quyền thương mại, quyền sở hữu và thuê tàu bay. Khoản thu hoàn toàn mới này chính là số tiền mà VietJet “ăn trước” vào tương lai và giúp bảo toàn doanh thu của VJC.

 Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

VietJet hiện có 2 hợp đồng mua tổng cộng 200 máy bay từ Boeing. Hồi cuối tháng 2, trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, nữ tỷ phú Phương Thảo ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX với Boeing với giá trị 12,7 tỷ USD. Trước đó là hợp đồng mua 100 tàu bay B737 MAX ký với Boeing vào năm 2016.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội, Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ký hợp đồng mua thêm 10 máy bay Boeing 787s, trị giá khoảng 3 tỷ USD sau khi có thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị niêm yết là 5,6 tỷ USD trước đó. Tổng cộng, Bamboo Airways mua 30 chiếc Boeing 787, chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.

Bamboo Airways còn đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing, với giá trị hợp đồng ước tính 2,5 tỷ USD. Hãng đang chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới Mỹ từ cuối năm nay hoặc đầu 2020.

Hồi cuối tháng 2, Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines tính mua 100 máy bay Boeing 737 Max. Hãng có thể mua thêm một số loại máy bay đường dài để chuẩn bị cho đường bay tới California (Mỹ), dự kiến từ 2022. Tuy nhiên, vấn đề trở nên rất phức tạp sau khi dòng Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn cầu do hai vụ tai nạn thảm khốc tại Indonesia và Etiopia.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu vừa trải qua một phiên tệ hại: đồng loạt giảm mạnh khiến vốn hóa trên thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 2,2 tỷ USD.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng giảm mạnh. Vingroup (VIC) giảm 2.000 đồng (-1,7%) về 114.900 đồng/cp; Vinhomes giảm 1,9%; Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thậm chí giảm 4%. Cổ phiếu khủng long Sabeco (SAB) cũng giảm 10 ngàn đồng (khoảng 3,6%) xuống 272.000 đồng/cp. GAS giảm gần hết biên độ cho phép, giảm 6.700 đồng xuống 98.000 đồng/cp,...

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh chứng khoán châu Á bứt phá sau khi thị trường đón tin vui Mỹ tiến gần hơn đến việc hạ lãi suất và Mỹ - Trung có thể tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại trước thềm hội nghị G20.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.