Giáo viên xứ Nghệ nhận xét đề Ngữ văn khó có điểm 9
- 14:54 25-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần: Phần đọc hiểu và phần làm văn. Trong đó trong phần làm văn gồm có phần nghị luận văn học và phần nghị luận xã hội.
Nhận xét về đề thi năm nay, cô giáo Đinh Lệ Sâm – Giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, vừa nhẹ nhàng nhưng vừa tinh tế.
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: NPV |
Cũng theo cô giáo Đinh Lệ Sâm, nội dung đề thi nằm trong chương trình Văn học lớp 12. Ở phần đọc hiểu, các câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời khá dễ, thậm chí một số câu hỏi như viết theo thể thơ nào, dùng biện pháp gì học sinh THCS cũng có thể trả lời được và cũng đã được giáo viên ôn tập rất kỹ.
Câu hỏi về ý chí cũng rất có ý nghĩa bởi lẽ con người giai đoạn nào cũng cần ý chí. Và với thanh niên hiện nay bên cạnh trí tuệ thì rất cần ý chí, nghị lực để vượt qua thách thức thời đại.
Kết thúc môn thi đầu tiên khá nhiều thí sinh hài lòng về bài thi của mình. Ảnh: NPV |
Ở phần tập làm văn, cô giáo Đinh Lệ Sâm cho rằng, bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là bài ký rất hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường và có thể là bài ký hay nhất của ký Việt Nam.
Về yêu cầu của đề thi này, còn dễ hơn đề thi minh họa vì đề chỉ yêu cầu thí sinh cảm nhận về bài ký. Trong khi đó, ở đề minh họa thường yêu cầu phân tích 2 vấn đề trong một dẫn chứng.
Cái khó của đề thi này là học sinh cần phải có sự tinh tế, phải đọc kỹ bài văn, phải biết phân tích hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu và phải nói được cái tôi của tác giả.
Hướng dẫn thí sinh điền các thông tin ở môn thi đầu tiên. Ảnh: NPV |
Ngoài ra, trong quá trình phân tích, bên cạnh phân tích nội dung nghệ thuật thì còn phân tích được tác giả ở các góc nhìn khác của một nhà văn, nhà địa lý, nhà văn hóa, nhà khoa học.
Đây cũng là câu hỏi để phân hóa học sinh vì nếu học sinh không đọc kỹ, hiểu kỹ và không có phương pháp làm bài thì chỉ viết được một số đoạn dựa trên ngôn ngữ văn bản mà không thấy được tài hòa của nhà văn.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Tương Dương 1. Ảnh: Đình Tuân |
Cùng chung ý kiến này, cô giáo Nguyễn Khánh Ly - giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho rằng: Đề thi không khó nhưng để được điểm 9 không dễ.
Cụ thể, đề thi có cấu trúc ổn định so với các năm gồm 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Kiến thức trong đề cơ bản, đề cập đến những vấn đề trọng tâm trong chương trình sách giáo khoa, thiết thực với thế hệ trẻ ngày nay như: Sức mạnh của ý chí trong cuộc sống…
Đề thi vừa đảm bảo nội dung và kiến thức cơ bản, nhưng cũng có sự phân hóa sâu sắc. Câu nghị luận văn học đòi hỏi học sinh phải vận dụng nhiều thao tác như phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá mới đạt điểm cao.
Những thí sinh mặc áo lính vui mừng sau khi hoàn thành xong môn thi đầu tiên. Ảnh: NPV |
Về câu nghị luận văn học có cấu trúc hơi khác so với đề thi minh họa nhưng vẫn nằm trong vấn đề trọng tâm trong chương trình ôn tập. Tuy nhiên, học sinh sẽ khó viết được dài, hay với bài nghị luận văn học vì cần kiến thức sâu, chắc chắn và có sự so sánh.