Ông chủ Asanzo bị tố dùng hàng Trung Quốc 'đội lốt' Việt Nam là người thế nào?
- 10:54 24-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chia sẻ với Pv. VietNamNet về lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra tháng ngày 7/9/2018, ông Tam khẳng định Asanzo đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018.
Trước đây, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao, do vậy Asanzo đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước. Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng này nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là TV và điều hòa không khí.
Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho biết công ty đã ngừng sản xuất các mặt hàng điện gia dụng và chỉ còn lắp ráp các sản phẩm TV và điều hòa mang nhãn hiệu Asanzo.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
Từ một doanh nghiệp "vô danh tiểu tốt", Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam. Có được điều này là nhờ công lao của ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo.
Ông Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi học xong THPT, ông đã bươn trải khắp nơi kiếm tiền mà không đi học đại học. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ít ai biết rằng ông Tam đã trải qua nhiều công việc như chụp ảnh, bưng phở, áp tải hàng, buôn linh kiện...
"Thời niên thiếu tôi có thể không học cao. Với tôi, kinh nghiệm trường đời là người thầy duy nhất" - ông Tam từng bộc bạch.
Chân dung ông Lê Văn Tam. Ảnh: Internet |
Trước đây, ông chủ Asanzo đi buôn và thấy việc kiếm tiền rất dễ, khá nhàn hạ. Tuy nhiên, trong đầu ông luôn nung nấu ý định xây dựng một thương hiệu để tạo ra giá trị để người khá nhìn vào thấy trân trọng, chứ không nhìn bằng con mắt đối với 1 kẻ đi buôn.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Chủ tịch Asanzo cho rằng nếu quá cầu toàn, chờ đợi đến khi kiếm đủ tiền mới bắt đầu startup thì ý tưởng đã lạc hậu. Quan trọng là có đam mê, xác định đúng mục tiêu và tạo được uy tín.
"Có thể bạn nghĩ rằng bây giờ tôi thành công thì nói chuyện này rất dễ nhưng thực tế là tôi đã khởi nghiệp vài chục lần mà có lúc không có đồng nào trong tay", ông Tam nói.
Nêu ví dụ cụ thể về việc tìm nguồn vốn đầu tư, ông Tam cho biết số tiền ban đầu có được từ vay mượn người thân, bạn bè. Cho dù lúc chuẩn bị ra dự án làm tivi, mọi người xung quanh đều ngăn cản nhưng ông quyết chí làm cho bằng được bởi tin tưởng thế mạnh của mình là ngành điện tử. Dù không hoàn toàn ủng hộ về mặt ý tưởng nhưng họ vẫn quyết định hậu thuẫn một phần về mặt tài chính vì tin tưởng vào uy tín mà ông Tam đã gây dựng trong thời gian dài, từ đó tạo nên những bước khởi đầu của Asanzo.
"Tôi cũng thuyết phục đại lý cho ứng trước, đảm bảo tivi của mình là khác biệt để tạo khả năng cạnh tranh cho họ. Tất nhiên, việc có thể được cho mượn nợ phụ thuộc vào uy tín mà bạn xây dựng với đối tác của mình, nó đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên trì", ông Tam nhấn mạnh.
Khi mới bắt đầu, khách hàng khó đặt niềm tin vào startup, nhất là trong ngành hàng điện tử. Người tiêu dùng thường nghe theo tư vấn từ đại lý vốn có kinh nghiệm bán hàng nhiều năm chứ ít để ý đến một hãng hay thương hiệu hoàn toàn mới. Vì thế khởi nghiệp có thể đặt mục tiêu lớn nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mà trước tiên là giữ uy tín với đối tác của mình. Nếu đã tạo dựng được uy tín, trong tương lai sẽ có cơ hội phát triển.
"Đừng bao giờ chờ đợi đến khi đủ tiền mới thực hiện vì bạn sẽ không bao giờ chờ nổi hoặc ý tưởng sẽ trở nên lỗi thời theo thời gian. Thay vào đó, hãy tìm ra đam mê và mục đích khởi nghiệp thật sự của mình là gì. Chính sự đam mê và nhiệt huyết ấy có thể dẫn lối các nhà đầu tư đến với bạn. Việc kêu gọi vốn không phải là dễ dàng nhưng đam mê và sự kiên trì với niềm tin của mình có thể mang đến một khoản đầu tư mà bạn đang cần", CEO Asanzo đưa ra lời khuyên.
Bàn về cái tên của doanh nghiệp, ông Tam cho biết, đây chỉ là cái tên đặt ngẫu nhiên, ngoài ra, ông cũng nhấn thêm chút yếu tố nước ngoài vào để làm "mồi nhử" cho những người sính ngoại.
"Nhà tôi trước đây sống ở Móng Cái, giáp biên giới Trung Quốc. Tên Tam của tôi xuất phát từ tiếng Trung Quốc, đọc là "san" và mọi người thường gọi là "A San" (A Tam). Khi vào Sài Gòn, người ta hay nói là làm ăn "vô mánh", nên tôi lấy tôi lấy từ "vô" (phát âm giống "zo") và ghép thành Asanzo.
Trước đó, tôi đã nghĩ tới nhiều cái tên. Nhưng tôi đặt tên này bởi vì theo tập quán của người Việt, khi lấy tên thuần Việt quá cho một sản phẩm điện tử, chưa chắc anh đã thắng. Với tâm lý sính ngoại của người Việt, bắt buộc phải lấy cái tên có chút yếu tố nước ngoài", ông chia sẻ.