Gian lận thi cử thời Lê mạt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
- 09:05 24-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại Việt sử ký toàn thư (tục biên, quyển 19), chép về đời Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 2 (1664) như sau:
"Mùa hạ, tháng 4, sai Phó tướng Thiếu phó Tông quận công Trịnh Hoành và Bồi tụng Lễ bộ Tả thị lang Phong Lộc tử Ngô Tuấn thi lại sinh đồ các xứ ở bãi cái sông Nhị (tức sông Hồng). Trước đây, phép thi sơ lược, còn cho mang sách vào trường thi. Từ năm Canh Tý (1660) đến nay, tuy đã cấm thi, nhưng chưa được chu đáo nghiêm cẩn, nên người đỗ có nhiều người học dốt mượn làm hộ, khiến dư luận xôn xao.
Đến đây, sai quan cho thi lại các sinh đồ ba khoa Đinh Dậu (1557), Canh Tý (1660), Quý Mão (1663). Đề thi là một bài thơ Đường luật và một bài ám tả chính văn kiêm đại chú trong tứ thư. Người nào đỗ vẫn được công nhận là sinh đồ. Người nào hỏng phải ở lại ba năm để học tập, vẫn được miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về hạng dân, chịu lao dịch như dân thường".
Phép thi thời Lê trung hưng không còn nghiêm cẩn như thời Lê sơ nữa. Ảnh minh họa. |
Tháng 11, năm 1726, sử cũng ghi một vụ thi lại những người đã đỗ hương cống ở lầu Ngũ Long. Lúc ấy, việc thi cử phần nhiều nhũng lạm, con em nhà quyền thế được đỗ hương cống, ít người có tài thực học. Duy có Nguyễn Công Cơ mạnh dạn tâu trình về việc này, nên có lệnh phải thi lại, kết quả đánh hỏng 28 người, trong số ấy có cả con trai Tham tụng (Tể tướng) Lê Anh Tuấn, con trai Huân quận công Đặng Đình Gián, con nuôi Nội giám Thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm cùng cống sĩ ở các xứ. Những người này phải giao xuống pháp đình xét hỏi để trị tội nặng. Triều đình nhận thấy Công Cơ là người nói thẳng, nên cho thăng ông lên chức Thiếu bảo.
Theo bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1741, chúa Trịnh Doanh cũng phải cho thi phúc khảo cống sĩ. Lúc ấy phép thi buông lỏng, người ít học mà là họ ngoại của nhà quyền thế, phần nhiều trúng tuyển nhũng lạm. Trịnh Doanh biết chuyện, hạ lệnh cho thi khảo lại ở Trung Sa. Các quan bàn luận, lấy cớ rằng, gặp lúc binh lửa, học trò bị thất học, nên lựa chọn một cách khoan hồng, Trịnh Doanh đành theo lời, mười phần cống sĩ chỉ thải đi hai, ba phần thôi.
Việc thi lại cũng diễn ra một lần nữa vào năm 1751, đời Lê Hiển Tông. Khi đó, chúa Trịnh Doanh đi đánh dẹp ở miền Tây về, thấy các viên đề điệu, giám thí, giám khảo, khảo thí ở các trường đều coi thường pháp luật, công nhiên nhờ cậy lẫn nhau lấy đỗ, dư luận xôn xao. Chúa Trịnh Doanh giận lắm, mới sai Trần Danh Ninh làm Điển cử, cho thi lại các cống sĩ. Khóa đó, Ngô Đình Oánh và Trần Huy Mật làm hầu đề (quan ra đề), hỏi nhiều câu thâm thúy khó khăn, khiến các cống sĩ bị hỏng đến quá nửa. Các viên đề điệu, giám thí, giám khảo đều bị giáng cấp và bãi chức.
Theo Cương mục, thì khoa thi năm đó, các cống sĩ bị đánh hỏng hơn 200 người; quan trường đều bị biếm chức hoặc bãi chức, duy có Vũ Công Trấn, giữ chức Đề điệu trường thi Kinh Bắc, là được miễn nghị.
Năm 1774, lại một lần nữa học trò các xứ phải thi lại, do có cuộc phúc khảo của triều đình, thấy có việc lấy đỗ, đánh hỏng lộn xộn, nên giáng chức Phủ doãn và hai ty Thừa hiến, Chính đường là bọn Lê Doãn Bưu.
Từ đời Lê Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 14 (1694), triều đình đã xuống lệnh đem việc thi cử trở lại như thời Hồng Đức (thời thịnh trị về văn học và chính trị của vua Lê Thánh Tông), bởi từ thời nhà Lê trung hưng, việc thi cử chỉ theo kiểu nắn nót từng câu, sĩ tử đi thi chỉ cần học thuộc lòng rồi theo đúng sách viết ra, không có ý kiến gì khác.
Sang đến đời Lê Dụ Tông, năm 1711, triều đình lại phải định lại văn thể thi hương. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Khoa mục chí, do trước đó đầu đề thường đặt sẵn, nên bọn học giả phần nhiều làm bài sẵn đem bán. Học trò đi thi, trước hết hỏi mua lấy những bài văn mẫu ấy học thuộc lòng, hoặc giấu đem vào trường thi, cứ theo thế mà viết. Quan trường cứ theo văn đó mà lấy đỗ, bài làm trùng nhau cũng mặc, cho nên việc mang sách vào trường hay mượn người làm hộ bài dẫu có bị nghiêm cấm, mà người đỗ vẫn không có thực tài.
Đời vua Lê Hiển Tông, năm 1750, vì ngân sách triều đình thiếu thốn, nên thự phủ Đỗ Thế Giai bàn cho mỗi người nộp 3 quan tiền thì không phải khảo hạch, đều được vào thi, gọi là tiền thông kinh. Do đó, Khoa mục chí viết: “Người làm ruộng, người đi buôn, cho đến người hàng thịt, người bán vặt, cũng đều làm đơn nộp tiền xin đi thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi tha, công nhiên làm bậy, không còn biết phép thi là gì. Những người thực tài, mười phần không đậu một”.
Sử nhà Nguyễn, bộ Cương mục, phê phán những kỳ thi như thế rằng: “Quan trường cùng người gian trá làm như họp chợ. Phép thi như thế, thối nát quá chừng”.
Sử cũ cũng viết về một vụ chấm bài sai lệch kết quả ở trường thi Nghệ An. Đó là khoa thi Hương năm 1765, có người tố cáo trường thi Nghệ An lấy tên Nguyễn Ky đỗ là quá lạm. Triều đình hạ lệnh thi lại, quả nhiên tên Ky không làm nổi bài, bỏ quyển giấy trắng. Bọn Dương Sử và Nguyễn Duy Thức giữ chức chấm thi ở trường thi này, đều vì cớ lấy đỗ hoặc đánh hỏng không tinh tường, phải tội giáng chức.
Thời tiết mát mẻ ủng hộ các sĩ tử tham gia kỳ thi THPT quốc gia