Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chính phủ làm được, bộ ngành, địa phương cũng sẽ làm được

Quy mô của Hệ thống e-cabinet không phải quá lớn so với các hệ thống mang tầm quốc gia khác, tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo hình mẫu, tạo sự lan toả về quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong ứng dụng CNTT, thể hiện việc Chính phủ làm được, Thủ tướng làm được thì các bộ ngành, địa phương cũng có thể làm được.

Sáng 24/6 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn nút khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

Hệ thống khi chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ vô cùng quan trọng, lan toả mô hình mẫu hiệu quả đến các bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian sớm nhất.

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thử nghiệm Hệ thống e-Cabinet trên thiết bị di động. Ảnh: Hoàng Anh

Thay đổi phương thức làm việc của Chính phủ

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Làm Chính phủ điện tử phải nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có ý nghĩa và hiệu quả lớn”, ngày 27/2/2019, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, VPCP ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của chính phủ e-Cabinet; nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc đi đầu ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế-xã hội.

Đưa vào sử dụng hệ thống e-Cabinet là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019, nhằm mục tiêu thay đổi phương thức làm việc của Chính phủ từ việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy sang phương thức làm việc trên môi trường mạng, sử dụng văn bản điện tử, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch.

Hệ thống e-Cabinet giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ. Thông qua E-Cabinet, VPCP có thể tổ chức lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng. Ngay sau khi VPCP phát hành, các Thành viên Chính phủ sẽ nhận được phiếu lấy ý kiến tức thời và dễ dàng phản hồi ý kiến ngay trên các thiết bị di động. Các ý kiến của Thành viên Chính phủ trả lời sẽ được hệ thống tự động tổng hợp và trả lại kết quả cuối cùng để VPCP thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng thông qua E-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Sau khi nhận được thông báo lịch họp từ hệ thống, các Thành viên Chính phủ có thể xác nhận tham gia hoặc cử người tham gia thay; nghiên cứu trước các tài liệu của phiên họp; cho ý kiến và đăng ký phát biểu trước phiên họp thông qua thiết bị di động IPAD.

Trong cuộc họp, các Thành viên Chính phủ có thể xem và tra cứu tài liệu, cho ý kiến về các nội dung họp, đăng ký phát biểu và thực hiện biểu quyết có ký số.

Sau khi kết thúc phiên họp, VPCP dự thảo Nghị quyết và lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ ngay trên hệ thống thông qua các thiết bị di động. Giúp việc thông qua dự thảo được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn thời gian ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ.

 

 Chiều 21/6, VPCP tổ chức diễn tập, thực hành Hệ thống e-Cabinet trước khi khai trương và đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Hoàng Anh

Lan tỏa mô hình mẫu hiệu quả

Từ tháng 5/2018, VPCP đã tổ chức các đoàn tham quan học hỏi tại các quốc gia đã ứng dụng thành công e-Cabinet như: Estonia – quốc gia được đánh giá số 1 thế giới về Chính phủ điện tử; Pháp – quốc gia đứng thứ 2 thế giới về Chính phủ điện tử hay các quốc gia hàng đầu khác như: Malaysia, Singapore, Liên bang Nga...

Từ tháng 6/2018, tại VPCP đã xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên nền điện tử, phi giấy tờ (trừ văn bản mật), hướng tới điều hành công việc thông minh và hiệu quả trên môi trường điện tử.

Ngay sau khi Đề án e-Cabinet được phê duyệt, VPCP, Viettel và Ban Cơ yếu Chính phủ đã khẩn trương khảo sát, phân tích chi tiết yêu cầu nghiệp vụ, kỹ thuật của Hệ thống, đồng thời có nhiều buổi làm việc cùng đoàn các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Estonia, Ấn Độ về xây dựng hệ thống e-Cabinet thông qua hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và sự tư vấn của các chuyên gia trong nước có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Vì những giá trị và ý nghĩa quan trọng mà e-Cabinet mang lại, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã dành sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình xây dựng hệ thống. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã chủ trì nhiều buổi làm việc với Viettel, Ban Cơ yếu Chính phủ, các chuyên gia trong, ngoài nước và các cơ quan liên quan để đánh giá hiện trạng và đưa ra giải pháp tối ưu nhất, đồng thời trực tiếp trải nghiệm sử dụng hệ thống để hoàn thiện các tính năng.

Tại các buổi làm việc về Hệ thống e-Cabinet, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng luôn nhấn mạnh, đưa Hệ thống e-Cabinet vào triển khai trong thực tế là bước tiến quan trọng hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.

Chính phủ sẽ tiên phong trong xây dựng Chính phủ phi giấy tờ và lan tỏa mô hình mẫu hiệu quả đến các bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Trần Anh Tiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (VPCP), chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng), bằng tinh thần khẩn trương dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, VPCP, Hệ thống e-Cabinet đã nhanh chóng được hoàn thiện và đến nay đã sẵn sàng đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.

Trong quá trình triển khai, VPCP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, Ban, ngành, tổ chức liên tiếp các buổi trải nghiệm người dùng, thử nghiệm hệ thống để lấy ý kiến và hoàn thiện các tính năng cho hệ thống. VPCP cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống cho các Trợ lý, thư ký Thành viên Chính phủ và các cán bộ công chức của VPCP, đặc biệt đã tổ chức hướng dẫn trực tiếp tại nơi làm việc cho Thành viên Chính phủ.

Toàn bộ hệ thống e-Cabinet được Viettel xây dựng đều được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật cao; sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; đảm bảo an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên máy tính bảng.

Ông Trần Anh Tiến cho biết, đối với nội bộ VPCP, VPCP đã làm việc trên môi trường mạng từ lâu, tuy nhiên, đối với công việc của Chính phủ, họp Chính phủ, lấy ý kiến Chính phủ, việc thực hiện Hệ thống e-cabinet sẽ điện tử hoá toàn bộ quy trình làm việc, không sử dụng văn bản giấy và cũng tạo điều kiện cho các thành viên Chính phủ có thể xử lý công việc trên thiết bị di động mọi lúc mọi nơi.

“Ngay cả Estonia đã phát triển Hệ thống e-cabinet của họ từ 20 năm nay nhưng đến nay vẫn tiếp tục hoàn thiện, hàng năm vẫn chỉnh sửa cho phù hợp. Tinh thần là chúng ta không cầu toàn, khi mới đưa vào sử dụng, hệ thống có thể chưa được trơn tru và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình sử dụng”, ông Trần Anh Tiến cho biết.

Theo ông Trần Anh Tiến, quy mô của Hệ thống e-cabinet không phải quá lớn so với các hệ thống mang tầm quốc gia khác, tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo hình mẫu, tạo sự lan toả về quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong ứng dụng CNTT, thể hiện việc Chính phủ làm được, Thủ tướng làm được thì các bộ ngành, địa phương cũng có thể làm được.

Ước tính trong năm 2019, việc đưa vào sử dụng e-Cabinet sẽ giảm 30% thời gian họp trung bình của các phiên họp Chính phủ so với các năm trước; nâng cao chất lượng các cuộc họp của Chính phủ; tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các Thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến, xử lý công việc khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.

Hệ thống giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các cuộc họp, tiết kiệm nhân lực, chi phí in ấn, sao chụp, vận chuyển, phát hành, thu hồi, tiêu hủy văn bản giấy. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).

 Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ?