Lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam: Vấn nạn chưa lối thoát
- 16:41 22-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
hảo (tên nhân vật đã được thay đổi) mới chỉ 13 tuổi khi bị thầy dạy Toán lạm dụng. Sự việc kéo dài suốt 2 năm sau đó.
Nỗi sợ quá lớn khiến cô bé mới chỉ học cấp 2 chỉ biết câm nín chịu đựng, còn kẻ ngược đãi em vẫn sống yên bình, chưa bao giờ phải đứng trước pháp luật vì hành vi sai trái của mình.
“Ông ta thẳng tay đánh đập em. Em từng rất sợ hãi nhưng không dám nói với ai. Ông ta thường xuyên đe dọa giết em nếu dám hé răng nửa lời”, Thảo thừa nhận bị kẻ gọi là “thầy” điều khiển, khiến cô bé luôn cảm thấy bản thân tồi tệ.
Mức độ lạm dụng trầm trọng hơn vào năm Thảo 14 tuổi, khi người thầy suy đồi tấn công tình dục cô bé. Không thể chịu đựng thêm, Thảo quyết định nói với cha mẹ. Nhưng gia đình em lựa chọn im lặng bỏ qua, không tố cáo.
Mới 13 tuổi, Thảo đã bị chính người thầy trực tiếp dạy mình trên lớp dâm ô. Ảnh: The Guardian. |
Cô gái mất nhiều năm để hồi phục tâm lý.
"Những vết thương chi chít trên cơ thể đến mức em không đếm xuể. Em làm tổn thương chính mình còn trái tim cha mẹ thì tan vỡ. 735 ngày chịu đựng sự lạm dụng với em dài như 10 năm”, Thảo nói.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên tờ The Guardian, phản ánh thực tế tính nghiêm trọng của những hành vi tấn công, lạm dụng tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên.
Trước thực tế ấy, Việt Nam đang nỗ lực tìm ra phương án cải thiện tình hình.
Một số hành vi tấn công tình dục không được liệt kê vào tội hình sự và chỉ được coi là vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 300.000 đồng.
Vào tháng 3, người đàn ông có hành vi quấy rối một cô gái trong thang máy chung cư tại Hà Nội chỉ nhận mức phạt 200.000 đồng.
Một tháng sau đó, cựu phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh cũng bị bắt gặp có hành động sàm sỡ một bé gái tại TP.HCM.
Nhiều vụ việc nhức nhối liến tiếp xảy ra như giọt nước tràn ly, gây nên làn sóng phẫn nộ. Từ những cư dân sống tại chung cư xảy ra vụ việc cho đến người dân ở khắp đất nước, mọi người đều bức xúc đệ đơn kiến nghị sửa đổi luật.
Hành lang pháp lý còn lỏng lẻo trong việc bảo vệ những đứa trẻ bị lạm dụng là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân không dám lên tiếng, trong khi những kẻ dâm ô không bị luận tội. Ảnh: Parentcircle. |
Tuy nhiên, sau một số vụ việc gây nhức nhối liên quan đến việc học sinh bị chính những người dạy dỗ giở trò đồi bại, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cải thiện tình hình.
Sáng kiến "Chấm dứt bạo lực về thể chất với trẻ em tại gia đình và trường học" được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm tổ chức, giới thiệu các lớp chống xâm hại tình dục và xuất bản các cuốn sách dạy trẻ em về kiến thức cơ bản như đối phó khi bị tấn công hay những phần nhạy cảm trên cơ thể.
Chiến dịch của chính phủ không nhằm đến đối tượng duy nhất là giáo viên. Lực lượng cảnh sát cũng được đào tạo để nhận dạng những hành động được coi là lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em.
Những cụm từ như “cưỡng ép”, “trói tay chân”, “đánh đập” hay “xé quần áo” không còn là bằng chứng duy nhất có khả năng tố cáo thủ phạm khi các hành vi được coi là lạm dụng đã phức tạp hơn rất nhiều.
Năm 2018, công an Việt Nam ghi nhận hơn 1.500 trường hợp trẻ em bị lạm dụng. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Tâm lý sợ sệt, lo ngại bị đánh giá thường thấy ở người dân khiến nhiều kẻ biến thái vẫn tự do, ung dung, không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Bà Rana Flowers - đại diện của tổ chức UNICEF tại Việt Nam - cho hay con số trong báo cáo chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”.
Bà ủng hộ các sáng kiến của chính phủ trong việc ngăn chặn lạm dụng trẻ em, song nhấn mạnh cần thêm nhiều nỗ lực, nhất là trong phạm vi lạm dụng trên mạng Internet.
“Sự phát triển chóng mặt của Internet tại Việt Nam đi kèm với nguy cơ gia tăng những vụ việc trẻ em bị tấn công và lạm dụng trên mạng xã hội. Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục. Bên cạnh đó, chính sách chăm sóc và hỗ trợ cho các nạn nhân cũng chưa được chú trọng”, bà Rana phân tích.
“Có gì đâu, cứ sống tiếp”
Chiến dịch của chính phủ phần nào chứng minh được hiệu quả khi ý thức của mỗi người về việc lạm dụng trẻ em, trẻ vị thành niên được nâng cao.
Hiện tại, tiếng nói phản đối hành vi sai trái ngày một mạnh mẽ, từ kêu gọi sửa đổi luật đến phổ biến các kiến thức cần biết trên mạng xã hội, thiết kế trò chơi giúp trẻ học cách bảo vệ bản thân.
Tại TP.HCM, trẻ em trong độ tuổi đến trường còn tham gia lớp học tự vệ do một tổ chức từ thiện tiến hành.
Bên trong một lớp học võ tự vệ của tổ chức She will be strong tại TP.HCM, nơi trẻ em ở ngưỡng 6 tuổi được học cách tự vệ và đối phó khi gặp kẻ xấu. Ảnh: The Guardian. |
Tuy nhiên, điều cốt lõi cần thực hiện là dạy cách trẻ em bảo vệ chính mình, chứ không phải là cố sức ngăn chặn những kẻ biến thái.
Queenie (tên nhân vật đã được thay đổi) từng là nạn nhân của nạn quấy rối. Cô bị lạm dụng 2 lần, một lần do người bạn của gia đình gây ra, còn lần khác do người bạn trai của chị họ giở trò.
Như nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự, cô gái chọn im lặng vì quá sợ hãi.
Dư chấn tâm lý sau sự kiện đau lòng là trạng thái lo lắng, e dè, không biết chia sẻ cùng ai vì cô gái sợ nghe mọi người nói “không có điều gì tồi tệ xảy ra đâu, hãy cứ tránh xa những người đàn ông kia và tiếp tục sống”.
“Các nạn nhân chỉ biết cam chịu, sống trong tủi nhục và đau đớn”, Queenie chua chát kết luận.
Còn với những nữ sinh như Thảo, trường học là nơi cần thiết nhất để tiến hành những thay đổi đối với một vấn đề gây hệ quả sâu sắc lên trẻ em như vậy.
Kỳ thi THPT quốc gia: Cảnh báo gian lận thiết bị công nghệ cao