Ám ảnh phiên tòa xử bị cáo mắc bệnh tâm thần
- 09:17 20-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bức ảnh này đã ám ảnh tôi nhiều năm liền. |
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Cách đây hơn 6 năm, tôi về TP Hải Dương công tác. Tôi vẫn nhớ thời gian hôm đó là một buổi chiều muộn cuối tháng 9/2013. Hôm ấy, tôi đi qua trụ sở Công an TP Hải Dương và vô tình gặp bà Lại Thị Nê (SN 1946, trú tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) khi người phụ nữ này đang ngồi ăn bữa “cơm chiều” bên vỉa hè sát trụ sở công an. Gọi là bữa “cơm chiều” cho sang, chứ thực tế khi đó bà Nê đang cầm nắm cơm chấm với muối trắng mà bà đã cẩn thận gói trong tấm lá chuối mang từ Thanh Hóa ra.
Hình ảnh người phụ nữ già cả, vừa ăn cơm vừa khóc khiến chúng tôi không nỡ dứt bước ra về. Hỏi chuyện mới biết bà Nê vừa từ Thanh Hóa ra để khiếu nại các cơ quan tố tụng địa phương đã bắt tạm giam người con trai tâm thần của mình. Theo đó, con trai bà là anh Nguyễn Đức Nhương (SN 1979) bị Công an TP Hải Dương khởi tố, bắt giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Điều đáng nói, thời điểm bị bắt tạm giam, anh Nhương đang phải điều trị tâm thần, hàng tháng vẫn được cấp phát thuốc miễn phí của ngành Y để chữa bệnh.
Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc trên lá đơn ướt đẫm nước mắt với những câu chuyện không ra đầu, ra đuôi của người phụ nữ ấy khiến trong tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng những chia sẻ đó là sự thật. Khi đó, tôi đã quyết tiếp nhận “hồ sơ” của bà ngay ven đường và báo cáo Ban Biên tập về vụ án này rồi cùng bà ngược về Thanh Hóa thu thập thêm những chứng cứ liên quan đến việc con trai bà là Nguyễn Đức Nhương có phải là tâm thần hay không?
Được cứu sống là một “kỳ tích của ngành y”
Hình ảnh khắc khổ của bà Nê. |
Thời điểm đó, khi làm việc với phóng viên, ông Phạm Hữu Ngũ - Trưởng Công an xã Vĩnh Quang cho biết, đây là một gia đình bất hạnh nhất xã Vĩnh Quang. Bà Nê sinh được 3 người con trai. Người con đầu tử vong vì tai nạn giao thông vào năm 2005. Người con thứ hai là anh Nhương cũng bị tai nạn giao thông, may mắn được cứu sống nhưng bị liệt nửa người trái, lúc tỉnh, lúc mê. Con trai út thì đang nằm chờ chết vì căn bệnh thế kỷ. “Vợ chồng bà Nê đã trên dưới 70 tuổi cả rồi, tất cả đều trông cậy vào người con trai thứ 2 đang bị thần kinh. Nhưng kể từ khi thanh niên này bị bắt khiến gia đình gần như ngã quỵ”, ông Ngũ chia sẻ.
Không úp mở, ông Ngũ cho rằng, anh Nhương được cứu sống sau vụ tai nạn là một sự “thần kì của ngành y”. Ông Ngũ nói: “Gia đình bà Nê là hộ nghèo của xã Vĩnh Quang, năm ngoái Hội Cựu chiến binh xã tập trung giúp những ngày công để gia đình bà sửa lại nhà cho đỡ dột. Do hoàn cảnh khó khăn, Nhương vào Nam làm thuê không may bị tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, các bác sỹ chẩn đoán “mười phần thì chết chín”. Nhương sống được là một kì tích, các bác sỹ đã đòi lại anh ấy lại từ tay tử thần trong gang tấc. Kể từ khi bị tai nạn, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào sự giúp đỡ của bố mẹ. Do chấn thương sọ não, Nhương lên cơn, ăn nói lẩn thẩn, không rõ nghĩa và có nhiều hành động thiếu kiểm soát”.
Trong khi đó, làm việc với phóng viên thời điểm ấy, ông Vi Du Lịch - Trưởng khoa Nam 1 (Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa) khẳng định, bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não, đã mổ não. Sau khi được phẫu thuật xuất hiện những cơn giật, mắt trợn ngược, sùi bọt mép, bệnh nhân không biết gì xảy ra. Mỗi năm bệnh nhân Nhương xuất hiện vài cơn co giật và thường nói nhiều, chủ đề không liên quan, cáu gắt, chửi mắng người thân vô cớ. “Bệnh nhân được kết luận bị rối loạn tâm thần và động kinh. Những trường hợp bệnh nhân như thế này rất khó kiểm soát được cảm xúc, hay cáu gắt, dễ kích động. Sau khi ra viện, bệnh nhân điều trị ngoại trú, hàng tháng lấy thuốc được cấp tại Bệnh viện huyện Vĩnh Lộc”, ông Lịch chia sẻ.
Ám ảnh phiên tòa
Ông Nguyễn Đức Văn, chồng bà Nê. |
Hôm diễn ra phiên xét xử vào ngày 24/10/2013, trời đổ cơn mưa nặng hạt, trời bắt đầu trở rét, Nhương đã được các chiến sĩ công an lo cho từng mảnh áo ấm và đôi dép để ra hầu tòa. Có quá nhiều hình ảnh thương tâm diễn ra chốn công đường tại phiên tòa ngày hôm đó. Khi phiên xét xử sắp bắt đầu, bị cáo Nhương được các chiến sĩ công an dìu từ trên chiếc xe thùng xuống. Vẻ mặt ngờ nghệch, không nhận thức được hành vi của minh, đôi lúc Nhương lại cười khềnh khệch. Quên sao được khuôn mặt khắc khổ, tiều tụy của bà Nê tại phiên tòa sau bao nhiêu ngày chạy ngược, chạy xuôi “gõ cửa” chốn công quyền tỉnh Hải Dương để kêu oan cho cậu con trai vốn mắc chứng bệnh tâm thần. Càng không thể quên được hình ảnh bà Nê chảy tràn nước mắt khi bón cho đứa con trai tội nghiệp những miếng bánh rán để lót lòng tại phiên xử khi được cơ quan chức năng cho phép.
Theo chia sẻ của một chiến sỹ cảnh sát bảo vệ phiên tòa, biết con không có đồ chống rét, bà Nê từng xin vào trại giam để thăm Nhương. Khi đó bà tay xách nách mang theo một chiếc bọc lớn, bên trong là những chiếc áo, chăn màn đã cũ, rách nát. Nhìn cảnh tượng đó, các cán bộ trại giam cảm thấy xót xa nên đã tình nguyện bỏ tiền mua tặng Nhượng một bộ chăn màn mới.
Trong quá trình xét xử, nhiều lần Nhương ngồi thụp xuống đất một cách vô thức, cảnh sát bảo vệ phải vất vả động viên, thuyết phục bị cáo này ngồi yên một chỗ trên ghế. Hình ảnh hai chiến sỹ công an đỡ bị cáo ngồi lên ghế; mặc giúp bị cáo cái áo ấm hoặc mở giúp bị cáo chai nước lọc khiến nhiều người tham dự phiên tòa cảm động.
Tại tòa, đã nhiều lần Nhương tỏ ra vô thức, cầm một chiếc kính được kết bằng một sợi dây đeo lên mắt. Bị cáo không nhớ tên, tuổi của bố mẹ mình, nhà có mấy anh chị em. Kết thúc phiên tòa, HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo Nhương 36 tháng tù giam.
Rời tòa, chúng tôi ra về trong một tâm trạng chơi vơi. Hình ảnh các chiến sỹ công an đỡ Nhương lên chiếc thùng xe chuyên dụng cứ ám ảnh chúng tôi nhiều ngày sau đó. Đặc biệt, tấm ảnh Nhương được chiến sĩ công an bảo vệ phiên tòa dắt tới bục xét xử trong trạng thái đi lặc lè, tay khuỳnh lên phía trên vẫn ám ảnh tôi cho đến tận ngày hôm nay. Cho đến giờ phút này khi ngồi viết về những câu chuyện tại phiên tòa hôm ấy, trong tôi vẫn còn nguyên nỗi day dứt, xót xa và đầy ám ảnh.
Ngày 6/6/2019, chúng tôi quay lại gia đình bà Nê. Tuy nhiên, do Nhương lên cơn nên gia đình đã đưa đi khám bệnh. Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Đức Văn (chồng bà Nê) chia sẻ, vợ chồng ông rất biết ơn Báo Gia đình & Xã hội đã đồng hành cùng gia đình trong những thời khắc khó khăn nhất. Nhờ những tài liệu của phóng viên thu thập được rồi phản ánh trên báo khiến tòa cũng đã phần nào xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Nhương.
Ông Đức tâm sự: “Ngày Nhương còn ở trong tù, vợ chồng tôi cứ mỗi tuần một lần, đùm bọc cơm áo, đồ cá nhân rồi chạy xe hằng trăm cây số vào thăm. Thế rồi 36 tháng cũng trôi qua, thời gian mãn hạn tù cũng đến, ngày Nhương ra tù, nó khóc… khóc nhiều lắm. Năm 2016, một phụ nữ cùng quê thương cảm cho thân phận bất hạnh của Nhương nên đã đồng ý lấy nó. Sau khi kết hôn, vợ chồng Nhương sinh được một bé gái. Nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ và con Nhương đã về ngoại sinh sống”.