Vì sao 4 năm xử lý chưa xong cao ốc 8B Lê Trực?
- 07:48 20-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tháng 10-2016, cơ quan chức năng “cắt ngọn” phần sai phạm (phá dỡ tum và tầng 19) của cao ốc 8B Lê Trực và từ đó đến nay chưa có tiến triển gì trong việc xử lý công trình sai phạm này.
Công trình này cũng được các đại biểu (ĐB) nêu ra ít nhất hai lần tại Quốc hội (QH), Bộ Xây dựng đã phải giải trình, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhiều lần hứa trước cử tri nhưng đến nay phần sai phạm của công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Chưa phá dỡ vì không an toàn
Hiện các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm phương án phá dỡ giai đoạn 2 (phần công trình không xây giật cấp và tầng 17, 18) vì các phương án phá dỡ đưa ra đều được các cơ quan chuyên môn đánh giá là không đảm bảo an toàn, việc phá dỡ giai đoạn 2 chưa triển khai được.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 19-6, cổng vào cao ốc 8B Lê Trực bị khóa trái, xung quanh quây rào tôn, có lực lượng bảo vệ do chính quyền phường Điện Biên thuê trông giữ. Một công trình sai phạm “khủng” tồn tại sát trung tâm chính trị Ba Đình suốt bốn năm không xử lý được khiến người dân bức xúc, cử tri nhiều địa phương không ít lần đề nghị các ĐBQH yêu cầu cơ quan chức năng phải trả lời dứt điểm “bao giờ xử lý xong sai phạm của cao ốc 8B Lê Trực”. Bản thân những người mua nhà tại dự án này cũng bức xúc vì gần năm năm trời trở thành nạn nhân của một dự án sai phạm. Nhiều người mua nhà đã bỏ tiền hoàn thiện nội thất, làm thủ tục nhập trạch, lập bàn thờ gia tiên rồi nhưng không được ở.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, người bỏ khoảng 7 tỉ đồng mua căn hộ tại tầng 10, tòa nhà 8B Lê Trực, cho hay từ năm 2014 gia đình bà đã phải bán căn nhà mặt đất tại khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa) để có tiền mua căn hộ tại 8B Lê Trực. “Cuối năm 2015, dự án hoàn thiện, gia đình tôi cũng làm xong nội thất, làm lễ nhập trạch, chỉ chờ về ở thì sai phạm của tòa nhà bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào xử lý. Từ đó đến nay chúng tôi phải đi thuê nhà để ở” - bà Xuân nói.
Theo bà Xuân, dự án có khoảng 200 căn hộ, nhiều chủ hộ cùng cảnh ngộ như bà suốt bốn năm nay đã làm đơn gửi tới chủ đầu tư, các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng việc xử lý tòa nhà vẫn giậm chân tại chỗ. “Đến giờ chúng tôi cũng rất mệt mỏi. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án này để chúng tôi có nhà để ở” - bà Xuân nói.
Công trình 8B Lê Trực vi phạm bốn năm qua vẫn chưa xử lý xong. Ảnh: TR.PHÚ |
Vì sao chậm xử lý 8B Lê Trực?
Chiều 18-6, trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm về việc xử lý cao ốc 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã cưỡng chế phá dỡ xong giai đoạn 1, đồng thời tiến hành xử lý cán bộ liên quan.
Về việc xử lý tiếp theo đối với cao ốc này, ông Chung cho hay phương án phá dỡ tầng 17-18 đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định và kết luận không an toàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của TP trưng cầu giám định phương án này, từ đó mới có các bước xử lý dứt điểm.
“Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè… Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng” - ông Chung nói.
Trao đổi với PV, ông Đàm Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện phá dỡ hạng mục vi phạm giai đoạn 1 ở tòa nhà 8B Lê Trực), cho hay: “Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, để phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Do vậy, từ tháng 10-2016, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc đã có công văn đề nghị TP giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 vì chỉ có đơn vị này mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc và kết cấu lõi của tòa nhà”. Theo ông Long, sau đó Tập đoàn Phương Bắc đã tháo dỡ máy móc, không tham gia phá dỡ giai đoạn 2 đối với cao ốc 8B Lê Trực vì không đảm bảo an toàn.
Trao đổi với PV về vướng mắc trong xử lý hạng mục vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết bản chất của việc chậm tiến độ là do yếu tố kỹ thuật trong quá trình phá dỡ. “Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực. Hiện nay các đơn vị tư vấn đang đánh giá thận trọng phương án để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn tuyệt đối với công trình” - ông Lê Quang Hùng nói.
2 phương án xử lý Cuối tháng 3-2019, UBND quận Ba Đình đã có báo cáo kết quả khảo sát, kiểm định phục vụ thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 với cao ốc 8B Lê Trực. UBND quận Ba Đình cho biết: Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng (IBST - cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng) đã khảo sát, kiểm định và kiến nghị hai phương án. Phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng, xây bịt tầng các căn hộ tầng 17 và 18, không cho sử dụng. Phương án này đảm bảo an toàn nhất cho công trình hiện hữu cũng như cho con người sử dụng sau này nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phần công trình sai phạm không được sử dụng. Phương án 2 là chống đỡ dầm chuyển ở tầng ba, tiếp theo phải thi công dầm treo ở sàn tầng 17 để đảm bảo an toàn chịu lực. Sau khi phá dỡ xong tầng 17 và 18, phải gia cường dầm chuyền ở tầng ba và dầm biên của các tầng phía trên để đảm bảo an toàn cho công trình. Hiện các cơ quan của Hà Nội đang tiếp tục xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn để ra một phương án xử lý tiếp theo. |