Chuyện chưa kể về lầu nghi môn đẹp bậc nhất xứ Nghệ
- 13:27 19-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Độc đáo trong kiến trúc
Phủ Đàng Cao tọa lạc giữa cánh đồng Am, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ 3 nhân vật lịch sử: Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Cường quận công Nguyễn Cảnh Vạn, Phó nham hầu Nguyễn Cảnh Yên – những danh nhân có công lao to lớn với đất nước thời hậu Lê. Trong khuôn viên rộng gần 2000 m2 có nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau: nghi môn, hạ, trung, thượng điện, hồ sen...
Theo gia phả họ Nguyễn Cảnh, thượng điện và hạ điện là do làng xã khởi lập, còn trung điện và nghi môn là do con cháu họ Nguyễn Cảnh xây dựng. Trong các công trình của phủ, nghi môn được xây dựng cuối cùng (1938 – 1941) nhưng có kiến trúc độc đáo nhất. Nghi môn gồm lầu, trụ biểu, tượng canh, cột đèn… liên kết nhau tạo nên một thể thống nhất, có hình khối uy nghi, vừa có đường nét hoa văn mềm mại, sắc sảo, in đậm dấu ấn kiến trúc giao thoa Âu - Á.
Toàn cảnh phủ Đàng Cao |
Lầu nghi môn có 3 tầng cao hơn 10 m (cao nhất di tích). Tầng 1 có diện tích sàn gần 15 m2, được tạo nên bởi 4 cột trụ lớn. Thân và đỉnh trụ được giật cấp và trang trí các họa tiết hình học. Các trụ được nối với nhau tạo nên 4 cửa thông ra 4 hướng. Trên cửa trước và cửa sau đều đắp tượng nghê chầu. Đặc biệt trên cửa trước có khắc 3 chữ Hán lớn “cao – thiên – phối” với ý nghĩa chỉ sự cao lớn của công trình. Mái được đổ bê tông chụm lại thành hình vòm, có trang trí sao vàng và các hoa dây, từ dưới nhìn lên, trông trần lầu, như mái vòm của một nhà thờ công giáo.
Tầng 2 có diện tích sàn gần 9 m2, cũng được tạo nên từ 4 trụ lớn. Mặt trước và sau tương đối giống nhau. Các trụ giật cấp, liên kết tạo thành 2 cửa hình tròn được trang trí tre, trúc, hoa dây, họa tiết hình học, cuốn thư. Tầng trên cùng mang tính cách điệu.
Các mái ngói của nghi môn đều cuốn đầu đao cong vút với những hình rồng mềm mại, uyển chuyển, đậm chất phương Đông. Tầng 1 gắn với 2 trụ biểu bằng các bức tường xuyên hoa, điểm chữ “thọ”, phía trên đắp nổi 2 con nghê, 2 con rồng đang chầu về chính môn.
Từ 2 trụ phụ này, lại liên kết với 2 bức tượng và 2 cổng phụ rất vững chắc. Những pho tượng hình người, hình “tứ linh”, những bức tranh phong cảnh đắp nổi trên tường (rùa, sen…) là những tác phẩm tuyệt vời, thể hiện tài năng điêu luyện và đầu óc thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân xưa.
Nghi môn phủ Đàng Cao ở xóm 1, xã Thanh Văn (Thanh Chương) |
Hoành tráng, độc đáo trong kiến trúc, cân xứng, hài hòa trong bố cục, thẩm mỹ, mềm mại trong từng chi tiết, nghi môn đã làm nên vẻ đẹp riêng hiếm có cho phủ Đàng Cao. Phủ đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Nghệ thuật cấp tỉnh.
Đặc biệt trong xây dựng
Theo cụ Nguyễn Cảnh Hồng (92 tuổi, hơn 70 năm tuổi Đảng) ở xóm 1, xã Thanh Văn - hậu duệ đời thứ 17 của họ Nguyễn Cảnh – người từng chứng kiến việc xây dựng nghi môn, thì đây là một nỗ lực rất lớn của anh em họ Nguyễn.
Lúc đó, chi họ chưa đầy 3 chục hộ gia đình, nhưng vẫn quyết tâm góp công, của để xây nghi môn. Quá trình chuẩn bị nguyên liệu kéo dài cả năm trời. Con cháu trong họ thay phiên nhau gánh cát, chở cát bằng xe cút kít từ sông Lam về phủ, tự đóng gạch, nấu gạch, gánh đá, nấu vôi…
Riêng chuyện nấu vôi là phức tạp nhất vì phải đi lấy đá ở xa.
Những đường nét hoa văn, tạo tác trên nghi môn thể hiện tài năng điêu luyện và đầu óc thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân xưa. |
“Ngày ấy, cứ đêm nào trăng sáng, họ Nguyễn lại nổi trống, phát động con cháu “khoai đùm, cơm nắm” vượt hàng chục km về xã Mỹ Sơn, Đô Lương để gánh đá. Đêm đi, ngày về, mỗi người cũng chỉ gánh được 2 hòn đá, do đó công việc lấy đá nấu vôi tốn khá nhiều công sức", cụ Hồng nói |
Trước lúc xây dựng công trình, họ Nguyễn đã kêu gọi thợ giỏi khắp nơi về lập bản thiết kế, đấu thấu. Trong 17 bản vẽ nộp cho họ tộc, bản vẽ của ông đồ Huềng (xã Ngọc Sơn – Thanh Chương) đã xuất sắc được lựa chọn. Ông đồ Huềng vui mừng tập hợp hơn 15 người thợ trong xã về ăn ở tại phủ để thi công.
Họ Nguyễn Cảnh có 1 chi ở xã Cát Văn thuộc vùng đồi núi được giao trách nhiệm thu gom “chạc chìu” – một loại cây leo, dai, bền, để làm dây cột dàn giáo. Ngày đó, xi - măng không sẵn như bây giờ, “xin phép hàng tổng” ra tận Hải Phòng, “mới mua được mấy tấn”, nên vữa xây dựng chủ yếu làm từ vôi, cát, nhựa cây bời lời và mật mía. Họ Nguyễn đã huy động con cháu vào “thung”, chặt rất nhiều cây bời lời về để ngâm lấy nước. Cụ Hồng ngày đó mới 13 tuổi cũng hăng hái đi chặt cây này với anh em.
“Nhìn công trình đồ sộ thế, nhưng dưới móng nghi môn chủ yếu đóng bằng cọc tre già, ngày ấy thép hiếm lắm, cọc móng và giàn giáo đều làm bằng tre hết”, cụ Hồng khẳng định |
Cụ Hồng kể, lúc mới xây nghi môn, họ tộc định làm thêm tượng “voi chầu, ngựa đứng” cho phần uy nghi, nhưng vì kinh tế eo hẹp nên đành gác lại. Ngày khánh thành nghi môn, cả họ ăn mừng. Lúc “tất công” hết 1.300 quan tiền, do xây dựng kéo dài mấy năm, tốn nhiều công sức, tổ thợ “bị lỗ” nên “xin thêm tiền”, nhưng họ tộc lại không có để cho, nên sinh ra bất hòa. Mấy ông thợ chính vào phủ đánh trống ngũ liên phản đối.
Làng thấy thế bèn báo lên trên. Đồn trưởng đồn Rạng lúc bấy giờ cho rằng “thợ làm loạn”, nên đã phái 5 người lính về bắt hết tốp thợ giải lên đồn, mấy ngày sau mới thả ra. Gần 80 năm trôi qua, những người thợ năm xưa đã thành người thiên cổ, nhưng nghi môn thì vẫn uy nghi, sừng sững giữa cánh đồng làng.
Nghi môn phủ Đàng Cao có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Vô băng – Pháp với kiến trúc cổ truyền phương Đông |
Nghi môn phủ Đàng Cao có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Vô băng – Pháp với kiến trúc cổ truyền phương Đông là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được đánh giá là nghi môn đẹp bậc nhất trong hệ thống các di tích ở xứ Nghệ.
Nằm giữa một vùng địa linh, non nước hữu tình với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, phủ Đàng Cao đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương.