Khu công nghiệp Nghệ An vì đâu bỏ hoang?
- 11:11 19-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phía sau cổng chào hoành tráng và đường dẫn vào khu công nghiệp được rải nhựa là cảnh tượng đìu hiu. Đi sâu vào trong, khu nhà điều hành, nhà ở quy mô 2 tầng của chủ đầu tư dự án vắng teo, không một bóng người. Còn lại là những đất mênh mông ngổn ngang các khối bê tông chỏng chơ lẫn giữa bùn đất. Hàng trăm con bò nhởn nhơ gặm cỏ bên dãy đèn điện cao áp trơ trọi.
KCN-đô thị- dịch vụ VSIP với hệ thống hạ tầng hoàn thiện theo hướng hiện đại đang sẵn sàng đón nhà đầu tư. |
Khu công nghiệp “ưu tiên” bị bỏ hoang
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (KCN Hoàng Mai 1) được khởi công năm 2008 với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch là 289,67ha do Công ty CP Đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên định hướng quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và là một trong những khu công nghiệp được ghi vào danh mục các KCN ưu tiên phát triển.
Để triển khai dự án, chính quyền đã cho thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai). Đến năm 2016 dự án cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng.
KCN Hoàng Mai 1 chỉ là một trong những ví dụ điển hình của thực trạng đang diễn ra tại nhiều KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang loay hoay bài toán “lấp đầy” diện tích.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, Tp Vinh, huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành… Trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động gồm: KCN Bắc Vinh (60 ha); KCN Tân Kỳ (600ha); KCN Nghĩa Đàn (200ha); KCN Sông Dinh (300ha); KCN Tri Lễ (200ha); KCN Phủ Quỳ (300ha).
Ngoài ra, Nghệ An còn có 17 cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47ha bao gồm toàn bộ KCN Nam Cấm, KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi, KCN - đô thị - dịch vụ VSIP và KCN - đô thị Hemaraj.
Sàng lọc nhà đầu tư
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư “ảo” đã cố tình “găm” đất, “ôm” đất dự án trong các KCN, CCN suốt thời gian dài nhưng chậm triển khai.
Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến năm 2018, qua kiểm tra 500 lượt dự án với 8 đoàn thanh tra liên ngành được thành lập, cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định thu hồi 151 dự án chậm tiến độ với diện tích sử dụng 36 nghìn ha đất các loại.
Tất cả các dự án bị thu hồi nói trên tập trung chủ yếu ở các đô thị như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, nơi có các KCN, Cụm Công nghiệp đang hình thành và đi vào hoạt động.
Tại nhiều cuộc họp, ông Thái Thanh Quý – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan phải thường xuyên rà soát các dự án đã đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm.
Đặc biệt, với động thái quyết liệt thu hồi dự án treo, dự án chậm tiến độ tại các KCN trên địa bàn, từ cuối năm 2018 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo công tác thanh kiểm tra lại chính cơ quan công quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Đại diện một số doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Nam Cấm cho rằng, do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, nhất về giao thông vận tải chưa xứng tầm nên nhiều doanh nghiệp rất e ngại khi vào đầu tư. Hệ thống vận tải logistics chưa phát triển nên chi phí phát sinh mà nhà đầu tư bỏ ra khá lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lớn chưa thể chọn KCN ở Nghệ An làm nơi dừng chân lâu dài. Có chăng họ cũng chỉ lựa chọn ở quy mô diện tích đất nhỏ (dưới 10.000m2) để hoạt động trong các KCN.
Chính vì vậy, để có thể “lấp đầy” các KCN trên địa bàn, các doanh nghiệp cho rằng, Nghệ An cần phải tiến hành cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng đồng bộ hơn nữa. Ngoài ra, việc thẩm định, đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai trước khi lựa chọn, chấp thuận cho nhà đầu tư cần phải xác thực, tránh triển khai theo kiểu cơ chế “xin-cho”.