Đừng để bóng đá nữ Việt Nam mãi sống bằng sự cảm thông
- 16:05 16-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Đội tuyển Việt Nam vừa trở về sau những ngày hưng phấn ở King’s Cup và guồng quay V-League lại tiếp diễn. Sân cỏ quốc tế cũng sôi động trở lại khi Gold Cup và Copa America lần lượt khởi tranh ở châu Mỹ. Giữa nhiều lựa chọn như vậy, rõ ràng người hâm mộ khó mà dành sự chú ý cho giải bóng đá nữ vô địch quốc gia đang diễn ra ở Khánh Hòa.
Giải bóng đá nữ VĐQG- cúp Thái Sơn Bắc 2019. |
Mùa giải bóng đá nữ Việt Nam 2019 đã đi hết một giải đấu cúp, lần đầu tiên được tổ chức để làm dày thêm hệ thống thi đấu đơn sơ vốn có. Lúc này bảy đội bóng đang ở giai đoạn lượt đi của giải vô địch quốc gia theo thể thức vòng tròn hai lượt. Bóng vẫn lăn trong một bầu không khí đìu hiu, vắng lặng thường thấy xung quanh các nữ cầu thủ.
Việc sân vận động 19/8 vắng tanh trong những ngày diễn ra trận đấu không có gì là khó hiểu. Số lượt theo dõi các trận đấu trực tiếp trên kênh YouTube của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn vào khoảng mười mấy, hai mươi ngàn như năm ngoái, bằng khoảng một phần mười so với V-League.
Đội bóng đá nam Sanna Khánh Hòa mùa này cũng chỉ kéo được chừng vài ngàn cổ động viên đến sân (đông nhất là 11 ngàn ở trận gặp CLB Hà Nội với sự xuất hiện của dàn tuyển thủ quốc gia). Địa phương này không có đội bóng đá nữ nên thật khó để tìm ra một lý do đủ sức nặng để đưa các khán giả đến sân ngoài sự tò mò và cảm thông cho các cô gái đá bóng.
Bóng đá nữ Việt Nam sống trong cảnh thiếu thốn sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần là một hiện thực đã kéo dài từ năm này qua năm khác. Sự ủng hộ các nữ cầu thủ của số đông người hâm mộ chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi trên mạng xã hội, thường là sau mỗi dịp đội tuyển Việt Nam giành được một thành tích nào đó. Nhưng các nữ cầu thủ cần sự ủng hộ bằng hành động.
2. Năm nay giải bóng đá nữ vô địch quốc gia tiếp tục gắn tên nhà tài trợ Thái Sơn Bắc, đã là năm thứ tám liên tiếp. Mối duyên kéo dài gần một thập kỷ thật đáng trân trọng, bởi không dễ để tìm ra những người đồng hành với một sân chơi có giá trị thương mại gần như bằng không như thế này.
"Chúng tôi muốn đi vào nơi khó khăn và chưa ai làm, thuần túy vì tình yêu bóng đá. Chúng tôi ngưỡng mộ các cầu thủ nữ vượt qua khó khăn ở một môn thể thao chưa được quan tâm nhiều lắm", ông Bùi Đình Tế, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Thái Sơn Bắc chia sẻ trong buổi họp báo công bố tài trợ giải đấu.
Thái Sơn Bắc đồng hành với giải bóng đá nữ VĐQG trong 8 năm liền. |
Đại diện nhà tài trợ nói rằng sự gắn bó với bóng đá nữ là một việc làm mang tính chất tri ân xã hội của doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là sân chơi chính của các nữ cầu thủ ở Việt Nam đang được nuôi sống bởi tình thương, còn doanh nghiệp thì tài trợ vì sự cảm thông.
Ngôn ngữ lãng mạn nói rằng bóng đá sống bằng tình yêu và đam mê, nhưng hiện thực thì không mộng mơ như thế. Những người làm bóng đá nữ ở Việt Nam có lẽ cũng mong rằng sân chơi này có cái gì đó khiến người ngoài cảm thấy đáng để "lợi dụng", hay nói dễ nghe hơn là đầu tư.
"Trên sân không có khán giả, truyền hình không có người xem thì khó mà thương mại hóa được", đại diện Thái Sơn Bắc chia sẻ với VTC News. "Cái mà các nhà tài trợ quan tâm nhất là tính lan tỏa của giải đấu. Phải có được sự chú ý của cộng đồng thì bóng đá nữ mới có tính thương mại được, mà chỉ có cách là làm sao tăng tính hấp dẫn của giải lên".
Lý thuyết có vẻ đơn giản nhưng đó hóa ra lại là một bài toán rất khó, ngay cả với bóng đá nam. Các ông bầu ở V-League có thể không kiếm được nhiều tiền từ sân cỏ một cách trực tiếp, nhưng họ thu về những lợi ích khác ở phía hậu trường. Bóng đá nữ thì không được như vậy.
Bóng đá nữ Việt Nam sẽ thế nào nếu một ngày nhà tài trợ duy nhất không còn muốn hoặc không đủ sức tri ân xã hội theo cách này nữa? Đây là câu hỏi mà Phó Tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu cũng chỉ có thể trả lời bằng niềm hi vọng rằng Thái Sơn Bắc sẽ tiếp tục và có thêm những doanh nghiệp khác tham gia cuộc chơi. Cách để giữ chân người cũ và thu hút người mới thì không được nhắc đến.
Các đội tuyển nữ Việt Nam đạt thành tích tốt nhưng chưa đủ để nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn cho giải VĐQG. |
3. Có một sân chơi khác dành cho các nữ cầu thủ, tầm cỡ lớn hơn rất nhiều đang diễn ra ở Pháp trong những ngày tháng Sáu này. Đó là World Cup nữ. Đội tuyển Mỹ, đứng đầu bảng xếp hạng FIFA và cũng là đương kim vô địch giải đấu, vừa tạo nên một kỷ lục khi đánh bại Thái Lan với tỉ số 13-0. Nhưng chiến dịch lớn nhất mà họ đang tham gia không phải là bảo vệ ngôi hậu thế giới.
Ba đội trưởng Alex Morgan, Megan Rapinoe và Carli Lloyd cũng là ba nhân vật đi đầu trong phong trào đòi bình đẳng giới cho đội tuyển bóng đá nữ Mỹ. Họ thậm chí còn gửi đơn kiện LĐBĐ Mỹ vì chia thu nhập không công bằng giữa hai đội tuyển quốc gia nam và nữ. Không hẳn là số tiền, các nữ cầu thủ muốn được trả công theo một cấu trúc phân chia giống như các đồng nghiệp nam.
Tuyển Mỹ ăn mừng chiến thắng kỷ lục 13-0 trước Thái Lan ở trận mở màn World Cup nữ 2019. |
Năm 2015 đội tuyển nữ Mỹ kiếm được 17,7 triệu USD nhờ vào chức vô địch World Cup mà trong đó chỉ có 2 triệu USD là tiền thưởng từ FIFA, còn lại là các hợp đồng thương mại. Đó là điều đáng mơ ước đối với các nữ cầu thủ Việt Nam, giành được thành tích và có giá trị thương mại đủ lớn để ở vào một vị thế có thể đấu tranh đòi quyền lợi. Nhưng bóng đá nữ Mỹ cũng phải đi lên từ những năm tháng bị ghẻ lạnh, khi các cầu thủ chỉ được trả 15 USD mỗi ngày.
Bóng đá nữ Việt Nam, không chỉ cầu thủ mà cả những nhà tổ chức, nhà tài trợ, cũng có thể tìm ra hướng đi từ câu chuyện của đội tuyển Mỹ. Họ đã sống quen với cảnh khó khăn đến mức chấp nhận thực tại đó và có lẽ việc "cất tiếng nói" là một ý tưởng đáng để thử.
Tất nhiên việc đó phải trở thành một phong trào và vẫn phải đi kèm với thành tích trên sân bóng, điều mà các nữ cầu thủ Việt Nam vẫn đang làm tốt bằng đam mê của mình, bất chấp những khó khăn.