Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hồi ức Kim Jong Un ở Thụy Sĩ - né tránh bạn gái, không tiệc tùng

Những năm tháng du học Thụy Sĩ khó quên của nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong Un đã được tiết lộ qua cuốn sách mới phát hành của nhà báo Washington Post.

Cuốn sách "Người kế vị vĩ đại: Số phận hoàn hảo tuyệt vời của ông Kim Jong Un" mới xuất bản của nhà báo Anna Fifield hé lộ nhiều điều chưa từng được công bố về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Bà Fifield là trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ The Washington Post.

Cậu học sinh nhút nhát

João Micaelo, con trai của những người nhập cư Bồ Đào Nha, khi đó 14 tuổi là bạn cùng lớp của ông Kim.

João nhớ rõ cậu bé châu Á trong bộ đồ thể thao và giày Nike bước vào lớp 6A năm 1998. Lớp học có 22 học sinh trong một trường công nhỏ ở Bern, Thụy Sĩ. Khi những đứa trẻ ngồi yên vị tại bàn của mình, người bạn mới được dẫn vào và giới thiệu là Pak Un, con trai của các nhà ngoại giao Triều Tiên.

Cạnh João còn dư một chỗ trống nên học sinh mới ngồi vào đó. Pak Un chính là tên của nhà lãnh đạo Triều Tiên tương lai Kim Jong Un. Pak Un khi đó mới 12 tuổi, có mái tóc bát úp ngược và chiếc cằm đôi ngày càng lộ rõ theo thời gian. Đôi bạn nhanh chóng trở nên thân thiết, gắn bó phần vì ngồi cạnh nhau, phần nữa vì không ai có thành tích học tập đặc biệt

 Khi Triều Tiên công bố nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un, hồ sơ CIA của ông
chỉ chứa đúng một bức ảnh thời thơ ấu. Ảnh: Frontline.

Lớp học được chia làm hai nhóm. Cả Pak Un và João Micaelo đều thuộc nhóm học sinh yếu hơn.

Khi được gọi lên trả lời trước lớp, Pak Un không hẳn là không biết câu trả lời, chỉ là cậu học sinh họ Kim không biết cách thể hiện bản thân. Vì vậy, João đã giúp Pak Un làm bài tập về nhà tiếng Đức, còn Pak Un lại giúp cậu giải toán.

João nhớ rằng Un thường im lặng nhưng là người rất quyết đoán và có khả năng trình bày quan điểm của mình.

Theo cuốn sách của Fifield, mãi đến nhiều năm sau João và những người bạn học khác mới nhận ra Pak Un thật ra là nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên.

"Chân trời mới" ở châu Âu

Khi ông Kim được thông báo là người kế vị cha mình (cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il) vào năm 2010, các nhà phân tích đã hy vọng ông sẽ là một nhà lãnh đạo cởi mở hơn. Lý do là 4 năm ông Kim được học ở "trời Tây".

Họ hy vọng ông Kim có thể bắt tay vào cải cách, biến quốc gia thành một nền dân chủ tự do. Vì xét cho cùng, ông Kim đã có một thời niên thiếu "rất Tây" ở Thụy Sĩ. Ông được giáo dục không khác gì một học sinh phương Tây điển hình: thích chơi bóng rổ, học về Mục sư Martin Luther King (nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi) và Nelson Mandela. Ngoài ra, Pak Un cũng có một tủ quần áo đồ thể thao hàng hiệu.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ là một đứa trẻ khi đến Bern vào mùa hè năm 1996 để vào học cùng trường với anh trai Kim Jong Chol.

 Ông Kim Jong Un (khoanh đỏ) tại trường học ở Bern, Thụy Sĩ. Ảnh: Yonhap

Tháng 8/1996, khi cậu học sinh Kim đến Thụy Sĩ, bộ phim Mission Impossible đã được công chiếu ở rạp. Những chiếc máy tính cá nhân đã sử dụng đĩa mềm và chạy hệ điều hành MS-DOS.

"Hoàng tử Triều Tiên" thoát khỏi thời thơ ấu bị kìm kẹp ra với thế giới. Thụy Sĩ không phải quốc gia nước ngoài duy nhất ông Kim đến. Ông từng du lịch châu Âu và Nhật Bản trước đó. Tuy nhiên đây là lần đầu ông sống ngoài cánh cổng của gia đình quyền lực Triều Tiên.

Ông cùng anh trai sống ở Liebefeld, khu vực ngoại ô Bern, trong hai năm với gia đình người dì Ko Yong Suk.

"Chúng tôi sống trong một ngôi nhà bình thường và sinh hoạt như một gia đình bình thường", bà Yong Suk nói với tác giả. "Bạn bè của chúng ghé qua và tôi làm cho chúng đồ ăn nhẹ. Đó là một tuổi thơ rất bình thường với những bữa tiệc sinh nhật và quà tặng".

Gia đình Pak Un nói tiếng mẹ đẻ khi ở nhà và ăn đồ ăn quê nhà. Những người bạn của Pak Chol (tên giả của Kim Jong Chol) và Pak Un khi đó không biết rằng cả hai gọi bà Yong Suk là "Imo", nghĩa là dì trong tiếng Hàn. Họ vẫn nghĩ đó là mẹ ruột của cả hai.

Gia đình Pak Un thích cuộc sống ở châu Âu và có nhiều tiền. Trong album ảnh gia đình, nhà lãnh đạo Triều Tiên tương lai bơi ở Địa Trung Hải trên bờ biển Pháp, dùng bữa tối ở Italy và đi chơi ở công viên Disneyland Paris.

Tất cả thành viên trong gia đình Pak Un đều có "vỏ bọc hoàn hảo". Ông Ri Gang trong danh nghĩa "bố của Pak Un" làm tài xế cho đại sứ quán Triều Tiên và được biết đến với cái tên Pak Nam Chol. Bà Ko Yong Suk mang tên giả Chong Yong Hye, làm một công việc giấy tờ.

Họ được Liên Hợp Quốc công nhận là phái đoàn của Triều Tiên từ năm 1991 và được phép đi lại tự do ở châu Âu.

Lối sống thượng lưu

Chính quyền Triều Tiên mua 6 căn hộ vừa được xây dựng xong ở Liebefeld với giá hơn 4 triệu USD vào năm 1989. Các căn hộ này dành cho gia đình ông Kim và những quan chức khác của Triều tiên.

Thiếu niên Kim có những đồ vật mà các bạn cùng trang lứa mơ ước: máy nghe nhạc iPod, máy Sony PlayStation và nhiều đĩa phim được phát ở rạp. Một số người bạn thích đến nhà của ông để xem phim hành động, đặc biệt là những bộ phim mới có sự tham gia của Thành Long hay James Bond.

Ông Kim đến trường bằng ôtô có tài xế riêng. Những đứa trẻ con của những nhà ngoại giao khác cũng đến trường theo cách này.

Ngôi trường ông Kim theo học có học sinh quốc tế của khoảng 40 nước, là nơi lý tưởng cho ông che giấu thân phận.

 Những hình ảnh thời thơ ấu của ông Kim Jong Un xuất hiện trong buổi phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên KCTV. Ảnh: EPA.

Mỗi ngày vào lúc 17h, khi tiếng chuông tan học vang lên, ông Kim sẽ chạy đến sân bóng rổ của trường hoặc sân của trường trung học cách đó 10 phút đi bộ để chơi.

Ông luôn mặc chiếc áo của đội bóng rổ Chicago Bulls với số 23 của cầu thủ Michael Jordan, quần short Bulls và đi giày Air Jordan. Quả bóng của ông có nhãn của giải đấu bóng rổ NBA.

Chính bà Ko Yong Hui, mẹ đẻ của ông Kim đã đánh thức niềm yêu thích bóng rổ của con. Theo quan niệm của các bà mẹ Triều Tiên, chơi bóng rổ sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, Pak Un quá nghiện bóng rổ đến nỗi ôm theo bóng khi đi ngủ và ảnh hưởng đến cả việc học. Bà Yong Hui thường xuyên đến Bern để mắng con trai vì chơi quá nhiều và học quá ít.

Bà đến Thụy Sĩ với hộ chiếu phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc và tên giả. Nhưng người Thụy Sĩ biết rõ bà là ai.

Cậu thiếu niên có tính cách khác thường

Quay lại Bern sau khi trở về Triều Tiên nghỉ hè năm 1998, ông Kim đã chuyển trường. Thay vì tiếp tục học tại trường quốc tế tư nhân, ông chuyển đến ngôi trường công nói tiếng Đức trong khu phố của mình. Ngôi trường mang tên Schule Liebefeld Steinhölzli. Bằng cách này, ông sẽ không phải giải thích về cha mẹ của mình.

Trước đó, gia đình dì Ko Yong Suk đã xin chuyển đến Mỹ sau khi hay tin mẹ của ông Kim mắc bệnh ung thư vú. Bà Ko Yong Hui qua đời vào năm 2004 tại Paris, Pháp vì căn bệnh này.

Ngôi trường mới cách căn hộ của Pak Un chưa đầy 400 m, nơi những người Triều Tiên sinh sống.

Ở trường mới, học sinh Pak Un phải học qua lớp "chuyển tiếp" dành cho những đứa trẻ không nói tiếng Đức. Ông dành vài tháng để học tiếng Đức ở cấp độ đơn giản. Sau khi hoàn thành, ông chính thức vào học lớp 6 của trường.

Tuy nhiên, Pak Un vẫn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Đức. Vấn đề này khiến Pak Un bực bội. Thêm nữa, ông luôn mặc đồ thể thao, không bao giờ mặc quần jean - trang phục của thiếu niên trên toàn thế giới. Các bạn học nghĩ ông là một người "kỳ dị".

Theo thời gian, tiếng Đức của ông Kim được cải thiện khiến ông trở nên hòa đồng hơn. Dù vậy, ông vẫn sống rất nội tâm.

 Cựu ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) và các cầu thủ bóng rổ người Mỹ khác chụp ảnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Sân vận động trong nhà Bình Nhưỡng năm 2014. Ảnh: Getty.

Vào cái tuổi mà mọi thiếu niên thường nổi loạn thì ông Kim nói không với tiệc tùng và lối sống ăn chơi. Ông không tham gia cắm trại, tiệc tùng, các buổi khiêu vũ và cũng không động vào rượu.

Pak Un hoàn toàn né tránh tiếp xúc với các bạn gái. Người bạn học cũ nói rằng cô chưa bao giờ có cuộc nói chuyện đáng kể với Pak Un. "Ông ấy là người cô đơn và không chia sẻ bất cứ điều gì về cuộc sống riêng tư".

Điểm thi của Pak Un cũng không cao, nhưng ông vẫn học đến gần hết lớp 9.

Vào một ngày gần lễ Phục sinh 2001, khi chỉ còn vài tháng là kết thúc lớp 9, ông Kim kể với Micaelo rằng cha ông ra lệnh cho ông trở về Triều Tiên và ông sẽ sớm rời đi. Ông không đưa ra lời giải thích cho việc này.

Cậu học sinh không đến lớp vào một ngày gần đấy. Giáo viên của ông Kim cũng không rõ chuyện gì xảy ra. Cứ như vậy, Pak Un đã biến mất.

Các bạn học của ông không gặp ông cho đến một thập kỷ sau, khi ông xuất hiện trong cương vị người kế vị cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng.