Cà phê Trung Nguyên lợi nhuận giảm 50%, chuỗi nhà hàng lẹt đẹt liên quan vụ ly hôn?
- 10:05 12-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Báo cáo tài chính năm 2018 mới công bố của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, lợi nhuận năm 2018 đạt thấp nhất trong 5 năm gần đây, chỉ 347 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với năm 2017, con số này giảm tới 50%.
Đáng chú ý, năm 2017, Trung Nguyên thu về 681 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng mức này cũng đã giảm hơn 11% so với 2016.
Ngược dòng quá khứ, có thể nhận ra đây không phải lần đầu lợi nhuận của Trung Nguyên "tuột dốc không phanh" thế này. Năm 2014, lợi nhuận mà thương hiệu cà phê này đem về là 1.300 tỷ nhưng tới năm 2015, con số này chỉ còn 800 tỷ.
Năm 2018, lợi nhuận của cà phê Trung Nguyên giảm sốc tới 50%. |
Lợi nhuận giảm mạnh...
Nguyên nhân lợi nhuận của Trung Nguyên sụt giảm do giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi trong những năm gần đây. Biên lợi nhuận gộp từ mức 37,4% năm 2016, giảm xuống 34% năm 2017 và đến năm 2018 chỉ còn 27,9%.
Ngoài ra, các khoản chi phí của Trung Nguyên đều tăng, đứng đầu là chi phí bán hàng. Số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho biết, Trung Nguyên chi ra gần 725 tỷ đồng cho khoản mục này năm 2018, tăng 19% cùng kỳ và chiếm quá nửa lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù lợi nhuận giảm nhưng số liệu báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu của Trung Nguyên tăng gần 9% so với 2017, đạt hơn 4.842 tỷ đồng. Đây được xem là năm thứ 3 liên tiếp Trung Nguyên ghi nhận doanh thu tăng bất chấp việc lùm xùm vụ ly hôn đình đám của ông Đăng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo "nóng" vùn vụt mỗi ngày.
Tính đến cuối năm 2018, Trung Nguyên có tổng tài sản hơn 6.000 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 1.900 tỷ. Trong khi đó, hai công ty thành viên là Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên và Công ty cà phê Trung Nguyên có tổng tài sản lần lượt là 483 tỷ và 1.002 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 là hơn 600 tỷ đồng.
... Chuỗi nhà hàng cà phê thua xa hàng loạt đối thủ
Trung Nguyên dường như đang tách ra khỏi cuộc đua thị phần. |
Số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, doanh thu của chuỗi nhà hàng cà phê Trung Nguyên giao động ở mức 300-350 tỷ đồng.
So sánh với đối thủ cùng lĩnh vực, doanh thu của Trung Nguyên thua xa Highlands, khi thương hiệu này kiếm về hơn 1.600 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018. Con số này tăng gần 31% so với năm 2017. Và nhờ thành tích xuất sắc này, Công ty cổ phần dịch vụ cà phê Cao Nguyên - chủ sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee - lại một lần nữa xứng danh "anh cả" của các chuỗi cà phê hiện nay ở Việt Nam.
Tiếp sau đó, chuỗi cà phê Trung Nguyên còn phải "ngước nhìn" hàng loạt "người khổng lồ" từ ngoại nhập tới "made in Vietnam" hoàn toàn. The Coffee House đạt 669 tỷ đồng trong năm 2018. Starbucks gần 600 tỷ đồng. Trong khi đó, con số mà Phúc Long đạt được là 473 tỷ doanh thu.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, giữa năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn cà phê Trung Nguyên quyết định thay đổi diện mạo chuỗi cửa hàng cà phê bằng việc đầu tư vào dự án đưa hơn 16.000 cuốn thuộc 12 lĩnh vực của tủ sách nền tảng đổi đời. Cũng tại đây, còn có không gian dành riêng để khách hàng có thể tĩnh tâm đọc sách, thư giãn.
Trước đó 2 năm, Trung Nguyên từng thay đổi diện mạo để cạnh tranh với các hãng cà phê ngoại vào thị trường Việt Nam nhưng sau đó vẫn chưa tạo được sự đột phá ấn tượng.
Vụ ly hôn nhà Trung Nguyên chưa đến hồi kết? Trong đơn kháng cáo gửi tới các cơ quan chức năng, bà Diệp Thảo không đồng tình với toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm chấp nhận việc thuận tình ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên. Về trách nhiệm của hai bên, toà giao quyền nuôi 4 con chung cho bà Thảo; ông Đặng Lê Nguyên Vũ có quyền thăm con, trách nhiệm chu cấp cho 4 con mỗi năm 10 tỷ đồng. Về tài sản, toà quyết định chia tài sản cho hai vợ chồng theo tỷ lệ ông Vũ nhận 60%, bà Thảo nhận 40% khối tài sản đã gây dựng tại Trung Nguyên theo hướng, tất cả cổ phần của ông Vũ, bà Thảo tại các công ty thuộc Trung Nguyên giao cho ông Vũ quản lý. Ông Vũ có trách nhiệm trả lại bằng tiền mặt cho bà Thảo tương đương số cổ phần bà nắm giữ. Tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng đang sở hữu (trừ bất động sản) là 7.502 tỷ đồng, ông Vũ sở hữu 60%, tương đương 4.501 tỷ đồng, bà Thảo sở hữu 40%, tương đương 3.001 tỷ đồng. Ông Vũ được giao các bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng, bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch là 1.233 tỷ đồng. 1.764 tỷ trong tài khoản bà Thảo, theo xác minh hiện chỉ còn hơn 1,3 tỷ được xem là tài sản chung nên được cấn trừ. Tổng cộng bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận từ ông Vũ hơn 1.200 tỷ đồng. |