Cựu cục trưởng tình báo lập công ty với Vũ 'Nhôm' dù luật đã cấm
- 10:16 11-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 10/6, HĐXX phiên phúc thẩm xét kháng cáo của bốn cựu lãnh đạo Bộ Công an cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm", cựu tình báo viên, chủ tịch công ty xây dựng Bắc Nam 79, Nova Bắc Nam 79) dành hơn hai giờ làm việc hỏi bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu cục trưởng Cục B61, Tổng cục V) và Vũ "Nhôm" về những sai phạm trong việc thành lập, góp vốn, quản lý hai công ty bình phong Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79. Từ đây, Vũ "Nhôm" đã thâu tóm trái luật 7 dự án đất vàng có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng ở hai thành phố Đà Nẵng và TP HCM.
Vũ "Nhôm" thừa nhận nội dung của bản án sơ thẩm về việc được tuyển làm nhân viên tình báo từ ngày 1/10/2009, sử dụng các tên khác là Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ. Để tạo điều kiện cho Vũ thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục V (Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) đã sử dụng hai công ty nói trên làm tổ chức bình phong.
Khi điều hành hai công ty, Vũ "Nhôm" lợi dụng danh nghĩa này để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản trái luật nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho nhà nước.
Bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng B61) trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các bộ, ngành, UBND thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh xin hỗ trợ, tạo điều kiện cho hai công ty trên.
Trả lời hàng loạt câu hỏi của chủ tọa Nguyễn Vĩnh Quang liên quan việc lập hai công ty bình phong nói trên, ông Phan Hữu Tuấn khai năm 2009 được giao nhiệm vụ tuyển dụng Vũ làm tình báo viên theo phương thức tình báo mật, đơn tuyến.
Việc tuyển dụng Vũ vào lực lượng và việc xây dựng công ty Bắc Nam 79 làm bình phong được ông Tuấn tiến hành gần như song song vào nửa cuối năm 2009. Ông yêu cầu Vũ "Nhôm" phải tổ chức kinh doanh tốt, nếu doanh nghiệp lớn mạnh sẽ sử dụng cho công tác nghiệp vụ. Ông Tuấn có tham gia và góp vốn vào hai công ty này dưới tên khác là Hoàng Hữu Thân.
Khi ông Tuấn giải thích vì là hai công ty làm ăn phát đạt nên mới được chọn làm bình phong, chủ tọa lập tức cho biết theo hồ sơ vụ án ở thời điểm đó hai doanh nghiệp trên đều "không có tiền".
"Căn cứ văn bản nào bị cáo lại tham gia vào hai công ty khi đang là sĩ quan công an?", chủ toạ hỏi. Ông Tuấn giải thích vòng vo rằng lĩnh vực tình báo hoạt động phong phú đa dạng, song lập tức bị chủ toạ nhắc nhở rằng "mọi hoạt động tình báo đều phải chấp hành pháp luật Việt Nam... chẳng có gì trèo lên pháp luật". Dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014, chủ toạ cho hay đã có quy định cấm sĩ quan thuộc lực lượng công an thành lập, quản lý doanh nghiệp.
"Vậy bị cáo góp vốn là đúng hay sai?", chủ tọa thẩm vấn cựu lãnh đạo Tổng cục V. Ông Tuấn giải thích: Luật chung thì quy định vậy, nhưng theo quyết định thành lập Cục B61 thì đơn vị này được thành lập tổ chức bình phong.
"Quy định của Cục có đè được lên luật không?", chủ toạ hỏi dồn. Cuối cùng, ông Tuấn thừa nhận việc làm của mình là không đúng với Luật Doanh nghiệp.
Tương tự, việc ông Tuấn góp vốn ảo vào hai công ty này, rồi lại rút ra cũng bị Chủ tọa xác định đã vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Cuối phần trả lời thẩm vấn mình, ông Tuấn thừa nhận bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên mình giúp sức Vũ Nhôm "lợi dụng chức vụ quyền hạn" là không oan.
Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: N.A.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: N.A.
Sau ông Tuấn, Vũ "Nhôm" được đưa từ phòng cách ly vào để xét hỏi. Vũ thừa nhận Công ty Bắc Nam 79 khi thành lập có ba cổ đông là ông ta, Hoàng Hữu Thân (tức Phan Hữu Tuấn), Nguyễn Quang Ngọc (tức Nguyễn Ngọc Hùng, tình báo viên của Công an Đà Nẵng). Sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, số cổ đông trong đăng ký kinh doanh của công ty tăng lên thành 4 và người này vẫn chính là Vũ với tên khác là Lê Văn Sáu. Công ty Nova Bắc Nam 79 cũng do Vũ góp vốn sáng lập và đại diện pháp luật trong một thời gian.
Chủ tọa hỏi bị cáo Vũ câu tương tự với ông Tuấn: "Bị cáo làm vậy đúng hay sai?". Vũ "Nhôm" trước khi trả lời xin được giải thích, song chủ tọa nói sẽ dành cho nửa ngày ở phần tranh luận để trình bày, còn ở phần xét hỏi chỉ cần trả lời "đúng hay sai". Lúc sau, Vũ "Nhôm" lại xin hai phút để giải thích. Khi chủ tọa nói bị cáo có quyền từ chối trả lời, Vũ "Nhôm" đăm chiêu, tay trái nắm chặt bàn tay phải, chậm chạp thừa nhận: "Nếu nói về luật thì sai".
Chủ tọa giải thích, khi thành lập Bắc Nam 79, Nova Bắc Nam 79 hai cổ đông Hoàng Hữu Thân, Nguyễn Quang Ngọc đều là sĩ quan trong lực lượng công an. Vũ khi đó cũng là sĩ quan (trung tá). Việc các sĩ quan trong lực lượng công an thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp là trái quy định của Luật doanh nghiệp 2005 và 2014.
Tại phiên phúc thẩm, Phan Văn Anh Vũ khẳng định vẫn kháng cáo toàn bộ bản án. Khi được tuyển dụng làm tình báo viên theo phương thức bí mật, Vũ được sử dụng bí danh Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ khi thi hành nhiệm vụ. Vũ cùng lúc sử dụng 3 tên và có hai quốc tịch.
Trong việc đăng ký kinh doanh, thay đổi đăng ký kinh doanh hai công ty trên, bị cáo có sử dụng tên Sáu thay cho tên Vũ. Bị cáo còn tự chuyển nhượng cổ phần cho mình trong hai công ty khi có hai tên với hai chứng minh thư khác nhau.
Chủ tọa cho hay trong giao dịch dân sự, Vũ "Nhôm" không được phép tự xác lập giao dịch dân sự với chính mình. Việc sử dụng tên khác nhau để tự bán cổ phần cho chính mình là sai.
Tiếp tục trả lời thẩm vấn, Vũ thừa nhận với tư cách đại diện pháp luật của hai công ty Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 đã ký nhiều văn bản gửi các bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền hai thành phố Đà Nẵng, TP HCM xin cấp, chuyển nhượng, hoặc thuê các bất động sản ở vị trí đắc địa. Khi gửi các văn bản này, Vũ đều lợi dụng vị thế công ty bình phong và lấy lý do hoạt động nghiệp vụ ngành để thâu tóm "đất vàng".
Ngày mai, 11/6, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên ngày 30/1 phạt cựu thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 2, điều 285 Bộ luật Hình sự 1999). Cùng tội danh, cựu thứ trưởng Trần Việt Tân bị phạt 36 tháng tù. Vũ "Nhôm" bị tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với mức án 15 năm tù. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách mỗi người bị phạt 5 năm tù. Năm người trên đều kháng cáo xin hưởng án treo, giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm. |