Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Chậm thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp

Tại các khu công nghiệp ở Nghệ An vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Thậm chí, nhiều diện tích tại các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang.

 Nghệ An thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Do đó, bên cạnh viêc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư trên địa bàn hoạt động thì Nghệ An đang tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư khu công nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Thời điểm này Nhà máy Emtech Vinh với số vốn đầu tư 11,82 triệu USD đang khẩn trương hoàn thành để sớm đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Hoàng Mai I cũng đang khởi động xúc tiến đầu tư dự án thu hút Nhà máy Misubishi sản xuất và lắp ráp ô tô; nhà đầu tư Hoàng Thịnh Đạt cũng đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II.

Ông Trần Ngọc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt cho biết, công ty chú trọng thu hút các ngành nghề như sản xuất lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí lắp ráp… Hiện tại, công ty đang phối hợp với đơn vị tư vấn và Trung tâm xúc tiến đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An xúc tiến thu hút các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai. Dự kiến đến năm 2020 sẽ lấp đầy 80% diện tích khu công nghiệp.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 khu công nghiệp lớn đã được quy hoạch xây dựng; trong đó, có 6 khu công nghiệp đã, đang xây dựng, và đi vào hoạt động gồm: Khu công nghiệp Bắc Vinh (60 ha); Khu công nghiệp Tân Kỳ (600 ha); Khu công nghiệp Nghĩa Đàn (200 ha); Khu công nghiệp Sông Dinh (300 ha); Khu công nghiệp Tri Lễ (200 ha); Khu công nghiệp Phủ Quỳ (300 ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các Khu công nghiệp ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An còn có 17 cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47 ha bao gồm: toàn bộ Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Đông Hồi, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP và Khu công nghiệp - đô thị Hemaraj. Nhìn chung cơ bản, các Khu kinh tế, Khu công nghiệp sau khi đi vào hoạt động đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.

Tuy nhiên hiện nay, tại các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp thì việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động lại diễn ra một cách chậm rãi. Thậm chí, nhiều diện tích tại các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí tư liệu sản xuất mà người dân trước đó đã nhường đất để giải phóng mặt bằng nhường đất cho xây dựng khu công nghiệp.

Nguyên nhân là do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo; quá trình thi công xây dựng gặp phải vướng mắc do việc điều chỉnh các văn bản chính sách. Mặt khác, các doanh nghiệp lại cho rằng hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều khu công nghiệp ở Nghệ An vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, giao thông, nước sinh hoạt, cơ chế chính sách thay đổi liên tục.

Để lấp đầy các khu công nghiệp trọng điểm hiện nay, Nghệ An cần phải nỗ lực tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư. Hiện tỉnh Nghệ An đang thay đổi cách làm thu hút đầu tư truyền thống là thông qua các hội nghị hội thảo, thay vào đó là tìm đến tận nơi các nhà đầu tư có tiềm lực, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hình thành các khu công nghiệp phụ trợ vùng vệ tinh để tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Theo đó, tỉnh Nghệ An cần áp dụng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh các huyện, các sở ban ngành để đưa nỗ lực cải cách về cơ sở để cho người dân và doanh nghiệp đánh giá chất lượng công vụ của đội ngũ cán bộ các cấp sở ban ngành.

Trung tâm hành chính công đang là mục tiêu và cũng là hướng đi quan trọng để cho người dân và doanh nghiệp có thể giải quyết các thủ tục hành chính công một cách nhanh gọn nhất và minh bạch nhất, đỡ phiền hà và tiêu cực. Song song đó, xây dựng các khu công nghiệp hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng chính là điều kiện tốt để nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Ông Phan Xuân Hóa, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay, với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, Ban đã tham mưu với UBND tỉnh nhiều giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu kinh tế. Đối với chính sách, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam trong giai đoạn sắp tới.

Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết thêm, về công tác cải cách hành chính, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 72/2017 về trình thủ tục dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng đơn giản thủ tục, cắt giảm thời gian và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và Khu Kinh tế Đông Nam nói riêng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình giao thương, thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác ở thị trường nước ngoài. Hy vọng thời gian tới, Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp khác thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng và nhiều nhà đầu tư hạ tầng hơn nữa để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh./.