Cuộc sống nhộn nhịp của cặp vợ chồng có 15 người con ở Nghệ An
- 15:21 04-06-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gia đình anh Thịnh cưu mang, chăm sóc 150 người khuyết tật, neo đơn |
Cách đây hai năm, câu chuyện của sản phụ Nguyễn Thị Sâm (SN 1972, trú xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, Nghệ An) vào Sài Gòn du lịch rồi hạ sinh hai cô công chúa ở bệnh viện Từ Dũ khiến nhiều người giật mình. Bởi trong suốt 26 năm làm vợ, chị Sâm đã hạ sinh 15 người con, 9 gái, 6 trai...
Làm bà ngoại, vẫn sinh con
Về xã Đô Thành hỏi thăm nhà anh Hoàng Văn Thịnh (SN 1972, chồng chị Sâm) ai cũng biết, bởi thời đại hiện nay, việc hai vợ chồng sinh tới 15 người con, quả là hiếm có. Trong suốt 28 năm “góp gạo nấu cơm chung”, người phụ nữ ấy đã sinh cho chồng 15 đứa con. Ban đầu, những người nghe nói anh chị sinh đông, tưởng vì khát con trai nên mới sinh nhiều đến thế, nhưng thực tế, trong 15 con của gia đình anh chị, có 9 gái, 6 trai khỏe mạnh.
Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, anh Thịnh chia sẻ, vợ chồng anh theo đạo Thiên chúa, bản thân anh là một người rất yêu thương trẻ con nên được trời “ban” bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. “Mặc dù, đã lên chức ông bà từ lâu, nhưng vợ tôi vẫn sinh thêm con, giờ nếu bà xã tiếp tục mang thai, tôi vẫn vui vẻ đón nhận”, anh Thịnh cười nói.
Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại mà sinh tận 15 đứa con thì làm sao nuôi nổi, nhưng anh Thịnh cho hay, có lẽ do “trời thương”, cứ năm nào sinh con, y rằng năm đó công việc của gia đình lại “thuận buồm xuôi gió”. “Vì thế, mặc dù đông con hơn các cụ ngày xưa nhưng tôi không quá bận tâm vì vẫn đủ điều kiện nuôi các con khôn lớn”, anh Thịnh cho hay.
Anh Thịnh kể, vợ chồng anh về chung một nhà năm 1991 và cũng trong năm đó gia đình đón đứa con trai đầu lòng. Sau đó, vào năm 1993, 1996, 1998 họ lần lượt đón thêm ba cô con gái chào đời. Năm 1999, cậu con trai thứ 5 cũng cất tiếng khóc. Cứ thế, cách 1-2 năm, vợ chồng tôi lại chào đón thêm một thành viên mới. Năm 2017, trong một lần vào thăm chồng và du lịch ở Sài Gòn, chị Sâm hạ sinh thêm một cặp công chúa song Linh (Hà Linh - Thùy Linh) ở Bệnh viện Từ Dũ.
Đại gia đình chị Sâm. (ảnh NCVV) |
Lắc chuông gọi con ăn cơm
Tuy nhiên, anh Thịnh cũng thừa nhận rằng, gia đình đông con rất vất vả hơn trong việc chăm sóc và nuôi dạy. Ngày trước, cuộc sống gia đình cũng khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, vì vậy, để có tiền trang trải mọi chi phí sinh hoạt, học tập cho các con cũng không hề dễ dàng.
Sau đó, anh Thịnh vay vốn ngân hàng bước vào con đường kinh doanh, cuộc sống trở nên khá giả, các con càng được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, do nhà đông con, nên việc chi tiêu kinh tế cho gia đình cũng được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn. Chị Sâm cho hay, riêng tiền ăn uống mỗi ngày đi chợ của gia đình cũng lên đến 400-500 nghìn đồng/ngày; chưa kể tiền học, tiền sách vở, tiền quần áo, đồ chơi...
“Mỗi bữa cơm, tôi phải nấu khoảng gần 2kg gạo, gà mỗi lần ăn ít nhất cũng 2 con, sữa thì mua vài thùng 1 lúc. Thường bọn trẻ phải mặc thừa quần áo hay dùng lại sách giáo khoa của nhau. Do nhà đông con, đứa lớn phải trông đứa bé, phụ bố mẹ việc nhà, đứa bé cũng phải tự lập, từ 8-9 tuổi là phải tắm cho em, trông nom em. Cứ theo nếp nhà như vậy, nên bọn trẻ ngoan và nề nếp”, chị Sâm chia sẻ.
Nhờ công việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi, cuộc sống trở nên khấm khá nên các con của anh Thịnh, chị Sâm được ăn uống đầy đủ hơn. Bởi vậy, những bé sau cao lớn và thông minh hơn các anh chị của chúng. Hiện 4 người con đầu của anh chị đều đã học xong đại học, có người lấy chồng, định cư ở nước ngoài, có người đang du học. Tất cả những người con còn lại đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.
Thấy ba nói vậy, em Hoàng Tuyết (SN 2001, con gái thứ 6 của anh Thịnh) cười cho biết, nhà cháu đông anh chị em nên cuộc sống cũng khác biệt so với gia đình khác. Hàng ngày, mẹ thường dùng chiếc chuông nhỏ để đánh thức cả nhà dậy. Nó cũng dùng để mẹ lắc mỗi khi đến bữa ăn. Chỉ cần nghe tiếng chuông, chúng con liền chạy vào nhà bếp, ngồi xuống chiếu để ăn, sau đó, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi tới trường.
Tuyết kể, vì nhà đông anh chị em, nên cuộc sống của gia đình cũng có phần khác biệt so với những nhà khác. Cứ 4h sáng, chúng em đều được ba mẹ gọi dậy đi lễ nhà thờ, trừ những em bé thì được ngủ tiếp. Sau đó, em và anh chị về nhà dọn dẹp, ăn sáng rồi chuẩn bị đến trường.
“Mỗi tối, em sẽ cùng chị gái và anh trai kiểm tra bài vở và kèm các em học bài. Những em còn nhỏ sẽ được chơi rồi ngủ cùng ba mẹ. Còn lại chị em gái sẽ ngủ chung một phòng và anh em trai cũng vậy. Nhà đông anh em nên ai cũng có ý thức tự lập và biết chăm sóc lẫn nhau”, Tuyết chia sẻ.
Cưu mang 150 người khuyết tật, neo đơn
Chị Sâm tâm sự, dẫu cuộc sống phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng mình chưa bao giờ hối hận vì sinh đông con. Bởi, với anh chị, con cái chính là lộc trời cho và đông con thì lắm của. “Giờ đây, vợ chồng mình chỉ mong ước có thật nhiều sức khỏe để làm việc, nuôi dưỡng các con khôn lớn trưởng thành”, chị Sâm nói.
“Các cháu nhà tôi đều có ý thức và rất ngoan. Các cháu lớn thể tự chăm sóc và dạy dỗ cho các em. Vì vậy, tôi cũng không quá vất vả trong việc chăm con nên có nhiều thời gian cho làm từ thiện”, chị Sâm nói.
Anh Thịnh tận tình chăm sóc những người kém may mắn |
Anh Thịnh cho biết thêm, cách đây 6 năm, trong một lần vào Sài Gòn, anh bắt gặp những đứa trẻ tật nguyền, người già neo đơn lê lết trên những con phố bán vé số, hàng rong, xin ăn qua ngày. Từ đó, anh động lòng thương cảm với những hoàn cảnh éo le, neo đơn sống côi cút trên vỉa hè. Trở về nhà sau chuyến công tác dài ngày ở Sài Gòn, anh quyết định mở một trung tâm rồi gom, nhặt những người kém may mắn, neo đơn về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Thời gian đầu mới đi vào hoạt động khá vất vả, bởi nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi phải xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm kiếm người chăm sóc, rồi lo cho họ ăn uống hàng ngày. Thế nhưng, nhờ sự đồng lòng và quyết tâm cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Thịnh đã thực hiện được ước mơ, xây dựng 2 cơ sở khang trang, cưu mang 150 người neo đơn, khuyết tật ở khắp các tỉnh về sống chung dưới mái nhà “thiện tâm”.
Tại cơ sở “Mái ấm thiện tâm” ở huyện Diễn Châu, Cao Đăng Hải (SN 1990, trú xã Diễn an, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang vui đùa cùng bạn bè. Hải bị khuyết tật, sức khoẻ yếu, ở với người mẹ cũng già yếu lại hay bệnh tật, nên Hải không được chăm sóc, học hành tốt. Năm 2018, Hải được “Mái ấm thiện tâm” cưu mang và chăm sóc. Hải cho biết, em rất vui khi được sống ở “Mái ấm thiện tâm”, hiện sức khỏe của em rất tốt, và em đang cố gắng học nghề để sau này có thể mưu sinh.