Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lặng lẽ tình yêu với gió núi, mây ngàn Sa Pa

Với họa sĩ Tô Ngọc Thành, niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời ông chính là đã tìm được một miền đất, một chốn di dưỡng tâm hồn cho riêng mình để sáng tác. Đó là mảnh đất Sa Pa (Lào Cai), nơi có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nếp sống mộc mạc, đơn sơ của đồng bào dân tộc.

 Gần 20 năm nay, họa sĩ Tô Ngọc Thành vẫn lặng lẽ đi, về giữa Hà Nội và Sa Pa để tìm cảm hứng vẽ tranh. Hàng ngàn bức vẽ về đất và người Sa Pa là minh chứng cho sức sáng tạo không biết mệt mỏi của họa sĩ với xứ sở gió núi, mây ngàn nơi vùng cao Tây Bắc này.

 Tranh “Người Xa Phó, Sa Pa giã gạo” của họa sĩ Tô Ngọc Thành. Ảnh: Thanh Thuận

Tôi gặp lại họa sĩ Tô Ngọc Thành tại triển lãm cá nhân “Khát khao trên sự sống” của ông đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm với 81 bức tranh sơn dầu chủ yếu được ông sáng tác trong năm 2018 và đầu năm 2019, dẫn người xem đến với không gian vùng cao. Những tác phẩm về Sa Pa với nhiều tông màu khác nhau, trong đó, màu đỏ và xanh được ông sử dụng như màu chủ đạo kết hợp với màu vàng nâu của đất, sắc đỏ của váy áo các chị, các mẹ, các cô gái, em nhỏ người Mông, người Dao... hòa quyện trên khung tranh, tạo nên vẻ đẹp tinh tế, đầy sức sống.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành nói rằng, mình có tình yêu đặc biệt với Sa Pa. Tình yêu ấy đến từ ngày còn nhỏ, khi ông mới 4 tuổi, theo cha là danh họa Tô Ngọc Vân lên chiến khu Việt Bắc. Ảnh hưởng từ người cha đã nhen nhóm tình yêu hội họa trong Tô Ngọc Thành từ những ngày thơ bé. Quãng thời gian tuổi thơ sống ở miền núi, gần gũi với thiên nhiên, đắm chìm trong không gian bao la của đại ngàn, cùng lối sống bình dị của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... nơi đây đã trở thành những tình cảm tự nhiên, đi vào sáng tác hội họa của ông.

Năm 11 tuổi, Tô Ngọc Thành đã có tranh được Giải thưởng tranh thiếu nhi tại Thủ đô Vienna (Áo). Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam, ông trở thành họa sĩ của Xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực chuyên môn chính đó, ông còn vẽ rất nhiều tranh về thiên nhiên và con người vùng cao, nổi bật như: "Hai cô gái người Tày", "Năm cô gái người Dao đỏ", "Buổi sáng ở Mai Châu", "Đường đi Mường Khương"... Tuy nhiên, đến khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian dành trọn tâm hồn cho Sa Pa, đưa mảnh đất này vào tranh bằng màu sắc của riêng mình.

Tô Ngọc Thành đã đi nhiều nơi, nhưng với ông, không nơi đâu đẹp và mát mẻ bằng Sa Pa. Ông cũng thích người dân tộc ở Sa Pa từ bản tính chân chất đến trang phục truyền thống, những phong tục, nghi lễ được lưu truyền qua các thế hệ. Ông đã đến ăn, ngủ cùng đồng bào dân tộc ở Sa Pa nhiều lần. Hỏi chuyện về Sa Pa, Tô Ngọc Thành có thể kể vanh vách từng tên bản, tên người. Ông được nhiều người dân thị trấn Sa Pa và người yêu tranh gọi bằng cái tên thân mật: "Thành Sa Pa".

20 năm nay, Tô Ngọc Thành gắn bó với Sa Pa và lên đó cũng vài trăm lần. Chỉ mấy tháng đầu năm 2019, ông đã lên Sa Pa hàng chục lần để vẽ. Có thời gian, họa sĩ Tô Ngọc Thành còn ở Sa Pa nhiều hơn Hà Nội. Với hàng trăm chuyến lặng lẽ đi, về Sa Pa, cho đến bây giờ, họa sĩ Tô Ngọc Thành vẫn không thể nhớ hết ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh về vùng đất này. Nhưng chắc chắn, trong kho sáng tác của mình, số lượng tác phẩm lên tới cả nghìn bức tranh.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm, Tô Ngọc Thành vẽ hàng trăm bức tranh về Sa Pa. Tuy vẽ nhiều về Sa Pa, nhưng tranh Tô Ngọc Thành không bị trùng lặp đề tài. Đến bây giờ, ông “thuộc” Sa Pa đến mức không cần đi cũng có thể vẽ về Sa Pa. Tuy nhiên, ông không thích ngồi ở Hà Nội để vẽ về Sa Pa, chỉ có khoảng thời gian phải điều trị hóa chất vì mắc bệnh ung thư thì ông mới vẽ Sa Pa ở Hà Nội. Còn lại, ông luôn vác giá vẽ đến Sa Pa, ở đó cả chục ngày để vẽ.

Khi tôi đề cập đến vấn đề Sa Pa đang bị mất dần, bị “xẻ thịt” bởi các công trình cáp treo, nhà ga, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên tua tủa, họa sĩ Tô Ngọc Thành lắc đầu ngán ngẩm bảo rằng, Sa Pa thay đổi nhanh chóng, nhiều chỗ không còn đậm chất núi rừng Tây Bắc, nét văn hóa nguyên sơ cũng đang dần bị mai một. Chợ tình vào các tối thứ bảy không còn giữ được nét đẹp đặc trưng của nó mà xô bồ, trẻ em và phụ nữ dân tộc đã nói tiếng Anh "bồi" để chèo kéo khách mua hàng và kiếm tiền từ các vị khách ngoại quốc, những chiếc máy may cũng thay thế bàn tay thủ công may vá của người phụ nữ dân tộc...

Tất cả sự thay đổi của Sa Pa, Tô Ngọc Thành đều biết, nhưng với ông, Sa Pa vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Tình yêu với Sa Pa của ông sẽ không thay đổi, dù Sa Pa có thế nào đi chăng nữa. Nếu tốc độ đô thị hóa ở thị trấn Sa Pa hoặc những bản gần thị trấn làm hỏng giấc mơ về miền cổ tích hoang sơ của người họa sĩ thì ông tìm đến những bản xa xôi, đường đi lại khó khăn, gian khổ, ít người đặt chân đến. Bởi ông luôn muốn tìm những gì tươi đẹp nhất, tuyệt vời nhất về Sa Pa, vẽ lên tranh để người xem tranh thấy yêu đời và thấy tin vào cuộc sống này.

Dù cho đâu đó, cuộc sống xã hội còn bộn bề lo toan, ưu phiền, nhưng khi ngắm những bức vẽ trong trẻo về khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, những người dân tộc Dao đỏ, Mông, Xa Phó... trong tranh của Tô Ngọc Thành, người ta sẽ thấy yêu đời hơn, thấy cuộc sống đáng trân quý hơn.