Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều vướng mắc trong sáp nhập huyện, xã

Các địa phương đang phải gấp rút chuẩn bị thực hiện sáp nhập 16 huyện và hơn 630 xã, phường bởi thời hạn đặt ra chỉ còn 7 tháng. Thế nhưng, 'sáp' vào mới thấy nhiều vướng mắc.

 

 Nghệ An muốn giữ lại H.Hưng Nguyên vì đây là quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, dù theo tiêu chí huyện này sẽ phải sáp nhập - Ảnh: Phạm Như

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (Nghệ An), cho biết hiện người dân rất xôn xao về chuyện sáp nhập, “uống trà xanh người ta cũng nói, đi làm đồng người ta cũng nói”. Thời gian không còn nhiều, nhưng mâu thuẫn trong việc quy định phải sáp nhập những xã không đủ tiêu chí về diện tích và dân số đồng thời phải được người dân đồng ý, khiến địa phương rất vướng mắc trong tiến hành sáp nhập.

“Một số địa phương người dân không đồng ý, cho rằng xóm chúng tôi như thế là ổn rồi, nhưng xét tiêu chí diện tích, dân số lại không đạt. Nếu không đạt đến 50% cử tri đồng ý sáp nhập thì không biết giải quyết thế nào. Một số địa bàn vận động 4 - 5 lần nhưng cử tri cũng không đồng ý”, bà Trang nói.

Khó từ chọn tên xã mới đến giải quyết cán bộ

Một số địa phương người dân không đồng ý, cho rằng xóm chúng tôi như thế là ổn rồi, nhưng xét tiêu chí diện tích, dân số lại không đạt. Nếu không đạt đến 50% cử tri đồng ý sáp nhập thì không biết giải quyết thế nào. Một số địa bàn vận động 4 - 5 lần nhưng cử tri cũng không đồng ý

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (Nghệ An)

Trả lời PV Thanh Niên, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận thực tế muôn hình vạn trạng. Nếu xét tiêu chí, Nghệ An sẽ phải sáp nhập 2 huyện và 16 xã. Đối với TX.Cửa Lò, Nghệ An đã tính đưa 7 xã của H.Nghi Lộc ghép vào để giữ được thị xã; nhưng với H.Hưng Nguyên thì phương án xử lý khó hơn, vì đây là quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nên có yếu tố đặc thù lịch sử.

“Sáp nhập có quy trình rất chặt chẽ chứ không phải muốn làm là làm được. Phải lấy ý kiến nhân dân, rồi thông qua HĐND cấp xã, huyện, tỉnh và phải ra Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi đã thăm dò ý kiến người dân và để tóm lại thì chỉ có thể nói là “ý kiến rất đa dạng”. Thay đổi đơn vị hành chính là vấn đề lớn, rất lớn rồi”, ông Vinh cho biết.

Theo một vị lãnh đạo xã ở Thanh Hóa, hiện xã ông đang tiến hành sáp nhập, nhưng chuyện chọn cái tên xã nào cũng gây mâu thuẫn, nếu không xử lý khéo, lấy ý kiến người dân sẽ không đạt mức 50% để sáp nhập.

Trả lời PV Thanh Niên bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ngày 31.5 Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét cho ý kiến về đề án sáp nhập của tỉnh. “Chúng tôi thực hiện nghị quyết rất nghiêm túc, nhưng cũng phải có lộ trình và đúng thời điểm. Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân. Quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài tiêu chí diện tích, dân số, cũng phải rà soát yếu tố rất quan trọng là lịch sử, văn hóa, địa lý... Vì chúng ta sáp nhập để tốt hơn, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hơn, đi lại thuận lợi và tạo được đồng thuận của nhân dân”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, khó khăn của Hà Tĩnh là nhiều xã quy mô nhỏ, phải nhập 3 xã thành 1, nên số cán bộ dôi dư khá nhiều. “Chúng tôi có 500 cán bộ dôi dư, đang đề nghị với T.Ư có chính sách chung để giải quyết số cán bộ này. Ngoài cán bộ đăng ký nghỉ hưu trước, Hà Tĩnh có thể sẽ nghiên cứu bồi dưỡng thêm cán bộ cấp xã đủ điều kiện để họ lên công tác ở cấp huyện. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề nghị ngân sách T.Ư có thể hỗ trợ các cán bộ xin về hưu sớm hay không, vì với địa phương sáp nhập nhiều như Hà Tĩnh là có khó khăn cho ngân sách địa phương”, ông Khánh cho hay.

Một điểm nữa theo ông Khánh, là việc giải quyết các cơ sở vật chất dư ra sau khi sáp nhập. Đơn cử Hà Tĩnh đã có gần 70% xã hoàn thành nông thôn mới, nghĩa là các trụ sở, trạm y tế... đều đã khang trang, đẹp đẽ rồi. Giờ sáp nhập 3 xã làm 1, sẽ chỉ sử dụng 1 trụ sở, vậy số còn lại giải quyết ra sao? “Mục tiêu là làm sao để không lãng phí, để hoang hóa người dân thấy sẽ phản cảm. Chúng tôi cũng kiến nghị T.Ư hướng dẫn. Nếu phù hợp có thể bán hoặc chuyển giao, hoặc những nơi có lợi thế có thể đấu giá vì doanh nghiệp họ sẽ quan tâm”, theo ông Khánh.

Lắng nghe thật kỹ

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, địa phương rất quyết tâm làm, nhưng phải cân nhắc là sáp nhập xong tốt hơn, đoàn kết hơn, chứ không để người dân thiếu hài lòng. “Chủ trương chung là một việc tốt, giúp giảm chi ngân sách, giảm cán bộ, và không phải chỗ nào cũng vướng. Có những chỗ thực sự địa giới hành chính không phải tối ưu, nhập vào sẽ tốt hơn và nhân dân rất đồng thuận. Những công việc về tổ chức này không phải mình cứ nói là làm ào ào được, phải có trình tự, tiêu chí. Với người dân thì chỗ này địa danh lịch sử hay truyền thống văn hóa của người ta là quan trọng, không gì có thể thay đổi được; nhưng có những chỗ về vị trí địa lý, hay huyện biệt lập cũng không thể nào sắp một cách cơ học vào được. Trong một khung chủ trương chung như thế, chỗ nào đảm bảo, chỗ nào thuận lợi, tìm được phương án tối ưu thì làm, còn chỗ nào phức tạp khó khăn hơn thì phải từ từ”, theo ông Vinh.

Đơn cử việc đặt tên xã, theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, sẽ đơn giản nếu lại nhập những xã ngày xưa vốn là một xã tách ra, nhưng nếu không, cũng là chuyện khó mà không có một công thức chung nào.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, cho biết công việc tỉnh này phải hoàn thiện trong năm nay là rất khổng lồ: sắp xếp 88 xã. Riêng TX.Hồng Lĩnh, tuy thuộc diện phải sáp nhập, nhưng Hà Tĩnh có “tiếc” là như vậy tỉnh sẽ “mất” 1 thị xã. “Hồng Lĩnh đang phấn đấu lên đô thị loại 3, gần đến đích rồi. Chúng tôi kiến nghị T.Ư cho chậm lại, tích tụ một số yếu tố để sau 2021 nhập H.Nghi Xuân với Hồng Lĩnh thành thị xã”, theo ông Sơn.

“Chúng tôi đã ra làm việc với Bộ Nội vụ, cũng đã tham khảo ý kiến nhân dân và nhân dân cơ bản đồng tình thôi. Với Hà Tĩnh thì sắp xếp cũng là một nhu cầu, vì nhiều xã nhỏ bé quá, có 2.000 - 3.000 dân. Nhưng nhập như thế nào là vấn đề, cân đối giữa văn hóa, truyền thống và quan trọng là tạo được sự đồng thuận. Chỉ có 7 tháng để làm rất nhiều việc, nên phải đặt vấn đề một cách rất sâu sắc, dân chủ. Việc ai làm chủ tịch xã chẳng hạn, cũng phải để cán bộ các xã đó người ta xem xét, suy tôn. Rồi việc giải quyết cán bộ dôi dư. Xử lý khó khăn phải có sự hỗ trợ của các bộ và Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ”, ông Sơn nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, vướng mắc không phải là ít, nhưng giải pháp bây giờ là lắng nghe thật kỹ. “Khi người dân không đồng thuận thì họ sẽ có lý do. Nếu do người ta chưa hiểu thì sẽ giải thích, thuyết phục cho đến lúc được thì thôi. Nhưng nếu ý kiến của người dân rất chính đáng, thì phải tôn trọng”, ông Vinh bày tỏ.

Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ

Trao đổi với PV Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hiện chưa có địa phương nào gửi đề án lên Bộ để thẩm định vì mới đang trong giai đoạn triển khai các công việc ở địa phương; mới có Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên làm việc với Bộ về đề án sáp nhập này. “Với những địa phương sáp nhập nhiều, Bộ Nội vụ sẽ gửi trực tiếp tổ công tác xuống cùng với địa phương làm, ví dụ Hà Tĩnh”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Về việc có e ngại hay không các địa phương vin vào “đặc thù” để trì hoãn việc sáp nhập, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết việc sáp nhập phải “rất thận trọng, không vội vã”. “Phải đảm bảo được sự thống nhất trong nội bộ, sự đồng thuận của nhân dân và phù hợp đặc điểm vùng miền”, Bộ trưởng nói.

Theo đề án của Bộ Nội vụ, những tỉnh phải sáp nhập nhiều còn có Bắc Kạn (khoảng trên 20 xã, thị trấn), Thanh Hóa giảm 76 xã, Lạng Sơn khoảng 28 xã, Hòa Bình giảm 1 huyện và 59 xã... Riêng Hà Nội có 1 xã Phú Mãn thuộc H.Quốc Oai và 14 phường thuộc Q.Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, số phường trên có thể không thuộc diện phải sáp nhập nếu đã tồn tại trước năm 1945.

 Nghệ An: Chuẩn bị kiểm tra, đánh giá công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn