Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên: Âm mưu 'đẩy' bà Thảo ra khỏi Trung Nguyên?

Không chỉ không định giá cổ phần, phần góp vốn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo, vụ án này còn nhiều dấu hiệu cho thấy có một âm mưu 'đẩy' bà Thảo ra khỏi Trung Nguyên.

 Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân

Ngoài những dấu hiệu sai phạm như chúng tôi đã nói ở bài báo trước, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng tố cáo thẩm phán Xuân cố ý sử dụng tài liệu không có giá trị chứng cứ liên quan đến sức khỏe tâm thần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo bà Thảo, “trong quá trình xét xử, thẩm phán Xuân khẳng định anh Vũ hoàn toàn minh mẫn, thông minh. Trong khi những phát ngôn, hành động của anh Vũ trước công chúng thể hiện rõ dấu hiệu anh bị bệnh. Trong bản án, thẩm phán Xuân cố ý sử dụng những tài liệu do người đại diện của anh Vũ cung cấp liên quan đến việc khám sức khỏe tâm thần - không phải là kết luận giám định được thực hiện theo đúng thủ tục luật định...

Thế nhưng, thẩm phán Xuân đã căn cứ các tài liệu có dấu hiệu đó để tuyên bố anh Vũ có đủ năng lực hành vi... Bởi lẽ, nếu không khẳng định anh Vũ đủ năng lực hành vi thì thẩm phán Xuân không thể ra được bản án”..., đơn của bà Thảo viết.

Qua quá trình theo dõi phiên tòa, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tài liệu, chứng cứ do phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra đều được ông thẩm phán Nguyễn Văn Xuân dễ dàng chấp nhận.

Một trong những việc đó là vị thẩm phán này đã chấp nhận yêu cầu do người dại diện của ông Vũ thực hiện khi không đủ chứng cứ và không thực hiện đúng các thủ tục tố tụng.

Cụ thể: phía ông Vũ cho rằng, vợ chồng có số tiền trong tài khoản đứng tên bà Thảo rồi yêu cầu chia theo đơn phản tố ngày 18/7/2016 và văn bản bổ sung ngày 25/7/2016.

Sau đó, đến ngày 14/9/2017, ông Vũ đã có đơn rút đối với yêu cầu phản tố này. Vì ông Vũ đã rút đơn nên Tòa không thực hiện thủ tục liên quan đến yêu cầu này, cụ thể là: Không thu thập chứng cứ xác định thời điểm tạo lập; Không thủ thập chứng cứ xác định căn cứ tạo lập - nguồn gốc số tiền; Không tổ chức hòa giải, đối chất về yêu cầu này của ông Vũ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khai rằng: Số tiền này có được do lợi tức trong kinh doanh.

Ngược lại, phía đại diện của bà Thảo phản bác quan điểm đó và đã đề nghị Tòa yêu cầu các Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên cung cấp tài liệu xác định vợ chồng bà Thảo được chia cổ tức là bao nhiêu tiền (việc này rất rõ và dễ) vì các công ty có sổ sách minh bạch.

Thế nhưng, thẩm phán Xuân đã không thực hiện.

 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng có một mối tình đẹp như cổ tích

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều số liệu do phía ông Vũ đưa ra không có cơ sở vững chắc nào, nhưng vị thẩm phán này vẫn mặc nhiên chấp nhận. Ví dụ như phía ông Vũ nói hai vợ chồng có 10.000 lượng vàng trong tài khoản ngân hàng và đang đứng tên bà Thảo thì thẩm phán Xuân cũng chấp nhận. Nhưng sau đó, tại phiên tòa, chính đại diện Ngân hàng xác định chỉ có 1.000 lượng vàng…

Bên cạnh số liệu về số lượng vàng như đã nói ở trên, số liệu về số tiền trong tài khoản của bà Thảo, số liệu quy đổi tỉ giá… do phía ông Vũ đưa ra, cũng được thẩm phán Xuân chấp nhận.

Vậy nhưng, khi các Ngân hàng cung cấp tài liệu thể hiện số dư tài khoản của bà Thảo thời điểm xét xử sơ thẩm bằng 0 đồng, thì thẩm phán Xuân không cần xác định dòng tiền mà vẫn mặc định coi như bà Thảo là người đang nắm giữ số tài sản đó – là tài sản chung của vợ chồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Đại diện Viện KSND TP HCM đã nhiều lần nêu rõ và nhấn mạnh về việc phía ông Vũ yêu cầu phân chia tài sản đang đứng tên bà Thảo tại các ngân hàng là: “Không có cơ sở, căn cứ để giải quyết yêu cầu này của bị đơn trong vụ án này”, thế nhưng thẩm phán Xuân vẫn bất chấp để quyết định.

Khi bà Thảo đề nghị cho thời gian để giải trình cụ thể, vì số tiền có trong tài khoản vào năm 2015 không phải là tài sản của bà, mà là do bà Thảo thực hiện giao dịch với người thứ ba; đặc biệt là xin giải trình về số tiền đã chuyển gần 1.000 tỷ đồng cho mẹ ông Vũ (bà Ước), nhưng lại không được vị thẩm phán này chấp nhận.

Cũng theo đơn tố cáo của bà Thảo, “Để bảo vệ cho phía anh Vũ, cách duy nhất phải làm là tước đoạt cổ phần/phần vốn góp của tôi đang đứng tên sở hữu để đẩy tôi ra khỏi Trung Nguyên. Để đạt được mục đích này, thẩm phán Xuân cố ý áp dụng và đưa ra nhận định trái pháp luật, cụ thể:

Về công sức đóng góp, pháp luật qui định rất rõ và cụ thể: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. (Điểm b, khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLUT- TANDTC-VKSNDTC-BTP).

Với qui định này, khi cho rằng anh Vũ có công sức nhiều hơn về số cổ phần/phần vốn góp thì phải làm rõ: (1) Anh Vũ có đóng góp bằng tài sản riêng vào số cô phần/phần vốn góp hay không?

Vấn đề này, tại Tòa anh Vũ khẳng định: “Trước khi kết hôn không có tài sản riêng; trong thời kỳ hôn nhân không được tặng cho tài sản; Số tiền góp vốn là lợi nhuận kinh doanh của các công ty thành lập trước”.

Đặc biệt, số cổ phần đứng tên bố mẹ anh Vũ cũng được làm rõ là do tôi đóng góp, ông bà chỉ đứng tên ghi danh.

(2) Thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng? Thế nhưng, thẩm phán Xuân bất chấp qui định này, sử dụng cả lời khai gian dối trắng trợn của đại diện anh Vũ để quyết định. Nghiêm trọng hơn, trước Tòa anh Vũ nhiều lần đã khẳng định không có tài sản riêng trước hôn nhân, không được tặng cho tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Sự thật này đã phủ định tuyệt đối lời khai giả mạo rằng “bố mẹ anh Vũ bán hai căn nhà để cho anh Vũ làm ăn”.

Thế nhưng, thẩm phán Xuân vẫn cố ý chấp nhận lời khai gian dối này”...

Ngoài ra, một điểm nữa cho thấy HĐXX đã vi phạm Điều 64, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về “Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh”. Điều luật này quy định: “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

Với qui định này, số cổ phần và phần vốn góp bà Thải đang đứng tên sở hữu thì đương nhiên bà Thảo được nhận. Thế nhưng, HĐXX đã cố ý làm trái, tước đoạt quyền luật định của bà Thảo để đẩy bà ra khỏi các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

“Hành vi của thẩm phán Xuân thể hiện chủ đích từ trước và cố ý đến cùng nhằm thực hiện việc tước đoạt cổ phần và phần vốn góp tôi đang đứng tên sở hữu. Biểu hiện cụ thể, những lời khuyên tôi giao hết cổ phần cho anh Vũ để về trông con đã được thẩm phán Xuân tự hiện thực hóa thành quyết định buộc tôi giao hết cổ phần cho anh Vũ”, bà Thảo nói.