Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Giá nâng điểm 1 tỷ': ai che chắn để họ ‘múa gậy vườn hoang’?

Không truy đến tận cùng hang ổ của gian lận thì khó mà triệt tiêu được đại nạn tiêu cực đang làm băng hoại nền giáo dục đất nước này.

Dư luận ngày một thêm sốc khi những thông tin về vụ gian lận thi thế kỉ cứ hé lộ dần.

Gần một năm trước sau khi kỳ thi kết thúc, từ lãnh đạo bộ cho đến lãnh đạo các sở đều hân hoan trước thành công mỹ mãn của kỳ thi theo điệp khúc quen thuộc, “năm sau tốt hơn năm trước”.

Chiều 2/7/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo: "Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp".

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng đánh giá kì thi an toàn, nghiêm túc và kết quả tin cậy hơn.

Còn ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - một trong ba địa phương nổi đình đám vì vụ gian lận thi 2018, khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại cụm Sơn La được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. “Kết quả, điểm thi cao nổi bật của thí sinh so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô giáo, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả nêu trên bản thân tôi rất vui mừng” – ông Đức không giấu được sự “sung sướng”.

Bây giờ ngẫm lại, những lời có cánh phát đi một cách chủ quan, vội vã của các vị mới bi hài làm sao!

 Phải trả lại sự tôn nghiêm cho kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa

Sự thật về vụ gian lận thi cử dần được phơi bày. Sự thật đó khiến người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung nổi.

Từ mấy năm trước, dư luận đã từng râm ran chuyện chạy thi vào các trường tốp trên (đặc biệt là các trường bao cấp học phí, ra trường có việc làm ngay), giá bèo không dưới vài ba trăm triệu. Bây giờ nghe tin, giá này ở Sơn La xấp xỉ 1 tỷ, trời đất cứ như sụp cả xuống trước “cơn địa chấn” có một không hai này.

Ai dám bỏ ra 1 tỷ để chạy trường cho con? Tiền đó dứt khoát không thể là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính, không thể là đồng lương chắt chiu chỉ vừa đủ sống.

Sức hút của 1 tỷ mạnh đến mức nó cuốn phăng tất cả, dù là chuyên viên, trưởng phòng, trung tá công an hay giám đốc sở giáo dục-đào tạo.

Sức hút ấy cộng với quyền uy “chủ nhân” của nó, không một ai “đủ lực” dám cản đường.

Bởi thế họ mới thoải mái rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa theo đáp án của Bộ. Làm xong rồi mà cảm thấy điểm số chưa đạt như “đặt hàng” lại rút bài ra tẩy xóa, nâng sửa tiếp.

Hành vi của họ, thật đúng với câu ngạn ngữ “Múa gậy vườn hoang”. Vâng, chỉ có vườn hoang thì lũ ma quỷ mới dám múa may quay cuồng đến thế.

Bởi thế, ông phó sở mới khai ra sếp của mình cũng có bản danh sách “nhờ cậy” đến 8 thí sinh.

Bởi thế bà chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng mới chơi trò “tàu hỏa” kéo những 16 “toa” thí sinh.

Kỳ lạ thay nơi đặt “đại bản doanh” của hội đồng chấm thi có bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, có sĩ quan công an canh cửa ngày đêm, có tầng tầng, lớp lớp khóa, mã. Vậy mà tất cả đều bị vô hiệu hóa.

Nhưng gốc của vấn đề không nằm ở bà chuyên viên, ông phó sở hay ông giám đốc. Ai là người đã che chắn để họ “múa gậy vườn hoang”?

Dư luận còn muốn biết thêm, tại sao những học sinh “bị” nâng điểm, năng lực học tập hầu hết là yếu kém, vậy mà vào các trường đại học lớn vẫn tồn tại, vẫn tốt nghiệp ra trường có khi là loại giỏi?

Những câu hỏi ấy dư luận mong chờ ở sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Không truy đến tận cùng hang ổ của gian lận thì khó mà triệt tiêu được đại nạn tiêu cực đang làm băng hoại nền giáo dục đất nước này.

 Học sinh 'tẩu hỏa' vì tham gia quá nhiều kỳ thi