Hai loài tôm ngoại lai bị cấm tại Việt Nam
- 15:27 27-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, cơ quan chức năng ghi nhận sự xuất hiện của hai loài sinh vật nguy hại tại Việt Nam là tôm càng đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) và tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm nước ngọt (tên khoa học Procambarus clarkii).
Loài tôm nhập lậu nhiều vào Việt Nam thời gian gần đây là tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt, được nhập để nuôi thử nghiệm trong nước năm 2006; còn tôm càng đỏ nuôi thử nghiệm ở Việt Nam năm 2002, từng bị phát hiện nuôi trái phép ở tỉnh Đồng Tháp năm 2017.
"Cả hai loài này (cùng bị cấm tại Việt Nam từ năm 2011) có càng màu đỏ, đặc tính sinh học nguy hiểm gần giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Chúng đều có thể đào hang sâu tới 2 m phá hoại đê điều kênh mương, ăn tạp động vật và thực vật, sinh sản nhanh; chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lây lan dịch bệnh cho tôm bản địa", ông Hùng nói.
Tôm hùm đất nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam bị phát hiện tại Lạng Sơn ngày 25/5. Ảnh: Bình Minh |
Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) thông tin thêm, theo thông tư số 35/2018 về danh mục loài ngoại lai xâm hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôm càng đỏ là loài ngoại lai xâm hại; còn tôm hùm đất là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Theo ông Cường, tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại có một số điểm khác nhau. Cụ thể, loài ngoại lai xâm hại là loài đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam.
Loại ngoại lai xâm hại cũng được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là xâm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam hoặc qua khảo nghiệm, thử nghiệm có biểu hiện xâm hại.
Tôm càng đỏ (Cherax quadricanatus). Ảnh: FAO |
Còn loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại là loài khả năng phát triển và lan rộng nhanh, có biểu hiện cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và khả năng gây hại đến các loài sinh vật bản địa của Việt Nam; được ghi nhận là xâm hại tại khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam; nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.
Nhà chức trách cho hay, hai loài nêu trên có những đặc điểm riêng về ngoại hình, nhận dạng để phân biệt. Theo đó, tôm hùm đất nguồn gốc từ Bắc Mỹ, sau đó được nuôi nhiều ở Trung Quốc và một số nước châu Phi. Đặc điểm nhận dạng là toàn thân màu đỏ và nâu sẫm, kích thước tôm trưởng thành đạt 30-50 gram.
Trong khi đó, tôm càng đỏ xuất xứ từ Australia, vỏ màu xanh rêu điểm vạch đỏ ở càng, lưng, kích thước và trọng lượng của tôm càng đỏ lớn gấp 10 lần tôm hùm đất, con đực trưởng thành có thể nặng tới 500 gram.
Theo một số chuyên gia thủy sản, hai loài tôm này có thể đem đến giá trị kinh tế nhưng lại gây tác hại nặng nề cho hệ sinh thái, thậm chí có thể thành "đại họa" cho nền nông nghiệp Việt Nam. Cả hai loài đều bị cấm nhập khẩu, kinh doanh, nuôi tại Việt Nam theo quy định hiện hành về đa dạng sinh học và thủy sản.