Chuyện bi hài ở Hải Phòng: Lấy chồng Hàn Quốc vì mê diễn viên đẹp trai, tâm lý
- 08:16 27-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lập Lễ là một trong những xã phát triển, đời sống người dân thuộc diện khá giả ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Ông Đinh Văn Ba - PCT UBND xã Lập Lễ chia sẻ: ‘Người dân Lập Lễ giàu có một phần nhờ vào công việc đi biển, đánh bắt hải sản và các gia đình có con/em sinh sống bên nước ngoài.
Vài năm gần đây, khu công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động, ngành nghề dịch vụ cũng nở rộ hơn, qua đó kéo theo sự phát triển kinh tế của địa phương’.
Ông Đinh Văn Ba - PCT UBND xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) |
Theo vị đại diện UBND, ước tính trong 10 năm trở lại đây, cả xã có khoảng 1000 phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc.
‘Cả xã, gần như nhà nào cũng có một người kết hôn với chồng Hàn Quốc.Thậm chí có nhà sinh được 2, 3 cô con gái cũng nối bước nhau, sang đó lập gia đình.
Nếu việc sinh đủ trai đủ gái được cho là tâm nguyện của nhiều cặp vợ chồng thì ở Lập Lễ lại khác, phần lớn mọi người đều mong sinh được con gái. Vì khoảng 19, 20 tuổi, con gái họ có thể xuất ngoại theo diện hôn thê, cải thiện kinh tế.
'Một thời gian dài, xã vắng bóng các cô gái trẻ trong độ tuổi lao động vì họ ôm mộng đổi đời nơi xứ người. Người đi trước giới thiệu cho người đi sau…
Nhiều cô gái kém sắc, lỡ dở hoặc góa bụa cũng có cơ hội thỏa mãn ước mơ lấy chồng ngoại quốc qua sự dẫn dắt của đội ‘cò’ chuyên nghiệp’, ông Ba nhấn mạnh.
Vẫn lời ông Ba, các cô gái dù quen chồng qua hình thức môi giới hay bạn bè giới thiệu…, nhưng khi làm giấy tờ kết hôn, họ vẫn tìm đến đội ‘cò’ mối. ‘Bởi đội này có kinh nghiệm, thủ tục sẽ được làm nhanh hơn’, ông Ba nói.
Một địa điểm tổ chức môi giới lấy chồng Hàn Quốc ở Thủy Nguyên, thường xuyên được các cô gái trẻ tìm đến |
Chị Trương Thị Nhỏ - cán bộ Hội Phụ nữ xã Lập Lễ cho hay, các trường hợp cô dâu Việt sang Hàn Quốc lấy chồng phải quay lại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ khá lớn.
Theo chị Nhỏ, nguyên nhân khiến họ từ bỏ cuộc hôn nhân xuất phát từ nhiều vấn đề.
Trong đó có cả lý do trái khoáy: Các cô gái hâm mộ phim Hàn, thích cảnh đẹp trong phim hoặc mến mộ các chàng diễn viên Hàn đẹp trai, tâm lý. Nhưng sang đến nơi, họ vỡ mộng vì cuộc sống không như mơ.
Nữ cán bộ xã cho rằng, những cô gái này đều có chung đặc điểm là ‘thần thánh’ hóa cuộc sống bên đó khi xem qua phim, ảnh. Thế nhưng, họ đâu hay, những gì diễn ra trên phim chỉ là bề nổi. Đến khi tiếp cận thực tế, chung sống với chồng vài tháng, họ mới thấy vỡ mộng.
'Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa khác nhau. Nếu các cô dâu Việt không hòa nhập được, lâu ngày họ sẽ sinh tâm lý chán nản, muốn về nước’, cán bộ Hội Phụ nữ xã Lập Lễ nói.
Xã Lập Lễ có nhiều căn nhà khang trang một phần nhờ vào nguồn tiền của các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc |
Chị Nhỏ chia sẻ thêm, nhiều trường hợp, cô gái ở nhà đã có người yêu nhưng vẫn quyết tâm chia tay, đi lấy chồng nước ngoài.
Chẳng ngờ sang Hàn vài tháng, hôn nhân nảy sinh nhiều bất đồng, cô gái lại nhớ về người yêu cũ nên nhanh chóng làm thủ tục ly hôn, quay về đoàn tụ với người yêu.
Trong số các cô dâu quay lại Việt Nam, có lẽ chị Nhỏ nhớ nhất là trường hợp cô dâu Hà. Hà trở lại quê hương trong hộp tro tàn, chỉ sau 1 thời gian ngắn lấy chồng nước ngoài.
Giọng xúc động, chị Nhỏ kể, Hà lấy được người chồng tốt, gia đình chồng yêu thương. Ngày đi, cô vẫn còn khỏe mạnh, mang theo bao khát vọng về cuộc đời mới. Nhưng khi sinh con đầu lòng, Hà đột ngột qua đời vì ca sinh khó. Gia đình không có tiền vận chuyển thi hài nên chồng Hà phải hỏa táng vợ, đưa tro cốt về Việt Nam.
Hay trường hợp khác, cô dâu người Lập Lễ sang Hàn Quốc làm vợ, chẳng may mắc bệnh nặng, ngày trở về, gia đình lặng lẽ ôm lọ đựng di hài con gái trong nước mắt.
Ông Đinh Văn Ba cũng xác nhận 2 câu chuyện này. Ông cho biết, đó là 2 trường hợp đáng buồn nhất ở gia đình có con lấy chồng nước ngoài. Ngoài ra trong số rất nhiều cô dâu Lập Lễ lấy chồng xứ Hàn, may mắn, chưa có trường hợp nào bị bạo hành đến mức phải nghĩ quẩn, hoặc bị gia đình chồng đối xử tệ bạc như nhiều trường hợp đã đăng tải trên báo đài.
Tuy nhiên, ông phải thừa nhận trong số các cô dâu xuất ngoại, cũng có không ít trường hợp bỏ về nước. Ông Đinh Văn Ba cho hay, nguyên nhân lớn nhất vẫn là bất đồng ngôn ngữ, xung đột văn hóa, lối sống và chênh lệch tuổi tác.
Phần đông các chú rể Hàn sang Việt Nam tuyển vợ đều thuộc diện lớn tuổi, trẻ nhất là 38 tuổi, còn đâu đều trong độ tuổi 40 - 50.
Cá biệt, có trường hợp gần 60 tuổi, vợ mất sớm, các con muốn bố có người bầu bạn nên thông qua các công ty mai mối, lựa chọn cho bố một người vợ mới ở độ tuổi trung niên.
Nguyên nhân thứ hai là mâu thuẫn với gia đình chồng của các cô dâu Việt. Nhiều cô dâu cố gắng bám trụ được đến khi sinh con.
Tuy vậy, gánh nặng và áp lực tâm lý ngày một lớn khiến những người phụ nữ này quyết định bỏ trốn khỏi nhà chồng. Họ lặng lẽ thu xếp hành lý, ôm con ra sân bay mua vé, về nước.
‘Đây là vấn đề nổi cộm, khó giải quyết ở địa phương vài năm nay. Cô dâu bỏ trốn về nước trong khi chưa ly hôn nên chúng tôi không đủ cơ sở làm khai sinh cho con của họ. Hiện tại, vài cháu bé sắp đến tuổi học lớp một vẫn chưa có giấy khai sinh vì vướng mắc về mặt pháp lý.
Trình bày với chính quyền xã, những phụ nữ này còn thừa nhận không nhớ nổi địa chỉ nhà chồng ở đâu để liên lạc làm thủ tục ly hôn.
Tuy nhiên, để gỡ rối và tạo điều kiện cho các cháu được hưởng quyền lợi như bao đứa trẻ khác, chúng tôi sẽ xác nhận để các cháu được đến trường’, ông Ba nói.
Cũng theo ông Ba, một số phụ nữ quay về lại tiếp tục làm giấy tờ sang các nước Úc, Canada, Đức… lấy chồng hoặc lao động.
Một số khác, may mắn lấy chồng ở địa phương, nay đã có cuộc sống ổn định. Thời gian ly hương, làm dâu xứ người trở thành bài học xương máu để họ biết trân trọng, yêu thương gia đình hơn.
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.