Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ tiến sĩ phản đối phát giấy khen và tôn vinh học sinh giỏi

TS Vũ Thu Hương cho rằng 42/43 em một lớp đạt loại giỏi cho thấy cách đánh giá của trường có vấn đề. Bà cũng phản đối việc phát giấy khen hay tôn vinh học sinh giỏi dịp cuối năm.

"Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài".

Tâm sự trên của anh Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) được dẫn lại nhiều lần, thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua. Cuối năm, câu chuyện khen thưởng, tôn vinh học sinh giỏi lại rộ lên. Họp phụ huynh, thay vì quan tâm xem con cần cố gắng ở mặt nào, nhiều người chỉ để ý trẻ đạt loại gì, xếp thứ mấy trong lớp.

Người có con đạt danh hiệu giỏi hào hứng khoe lên mạng xã hội. Trẻ không có kết quả tốt, cha mẹ nhìn thiên hạ khoe khoang rồi trút nỗi bực lên con, ép chúng học nhiều hơn nữa.

Trao đổi với Zing.vn, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng cứ mỗi mùa giấy khen, biểu hiện của bệnh thành tích lại rõ nhất. Bà cho rằng "cả lớp được giấy khen" thì hoạt động khen thưởng và tôn vinh không còn cần thiết.

 Nữ tiến sĩ cho rằng việc 42/43 học sinh trong lớp đạt học lực giỏi cho thấy nhà trường không biết cách đánh giá học sinh. Ảnh: NVCC. Giỏi hàng loạt, giấy khen không có giá trị

- Thưa bà, cứ cuối năm học, phụ huynh lại đua nhau khoe giấy khen, danh hiệu của con lên mạng xã hội. Bà đánh giá thế nào về hành động này?

- Phụ huynh khoe khoang như vậy khiến trẻ cảm thấy không cần phải cố gắng, nỗ lực. Nhiều phụ huynh hiểu sai về mục tiêu giáo dục. Họ thích con có thành tích nhưng chính việc đó dẫn đến những đứa trẻ cảm thấy mọi việc quá dễ, không cần cố gắng. Nếu thất bại, trẻ đổ lỗi cho hoàn cảnh, người xung quanh, không bao giờ nhận lỗi ở mình.

Bệnh thành tích cũng sinh ra môi trường cạnh tranh khiến trẻ mệt mỏi, áp lực. Trong khi đó, thông tư 22 của Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giáo viên đánh giá theo hoàn thành công việc. Tức là, không đề cập thành tích, không cần biết giỏi hay kém, hoàn thành là được.

Nếu không cho trẻ những câu hoàn thành xuất sắc, giỏi toàn diện, phụ huynh lấy gì khoe lên mạng? Vì thế, cuối năm, trường chỉ cần cho trẻ một dấu tích hoàn thành nhiệm vụ học tập.

 TS Vũ Thu Hương.

- Vừa rồi có việc 42/43 học sinh một lớp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đạt loại giỏi, em còn lại đạt loại khá. Việc đánh giá như vậy có ý nghĩa gì không?

- Đánh giá như vậy, học sinh giỏi không còn giá trị nữa. Không ai thấy đó là giỏi giang gì. Nó còn cho thấy trường đánh giá không công bằng, không thể hiện đúng năng lực học sinh. 100% trẻ em đều giỏi có nghĩa chúng ta không biết đánh giá.

Đã đánh giá sẽ có các mức khác nhau, nhưng việc đánh giá giỏi, khá, kém hiện nay rất dở. Mỗi đứa trẻ có năng lực khác nhau, học kém Toán, Văn nhưng chơi tốt thể thao. Do đó, chúng ta không nên đánh giá thiên lệch.

Trường không cần phát giấy khen. Bản thân học sinh chưa có thành tựu gì để khen. Thành tựu ở đây là đóng góp gì cho xã hội, chứ không phải hoàn thành công việc học tập. Học là trách nhiệm và các cháu phải hoàn thành tốt. Nếu không hoàn thành, học sinh phải bị khiển trách phù hợp.

Khen không đúng sẽ dạy trẻ gian dối, hình thức

- Vậy có cần hình thức nào khác để khích lệ những em học tốt không, thưa bà?

- Tôi thấy không cần khích lệ các em học theo cách đó. Trách nhiệm của trẻ là phải học. Chúng ta chỉ cần phê phán, có hình thức phạt phù hợp với những em không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Khi trẻ không làm được, các cô phải đặt các con ở vị trí thích hợp như cho học lớp thấp hơn hoặc có phương pháp để trẻ tiến bộ. Còn nếu các cháu không hoàn thành do lười, không làm bài đầy đủ, đó là trách nhiệm của học sinh và bị phạt.

 TS Vũ Thu Hương cho rằng khen thưởng cuối năm cùng việc phụ huynh khoe giấy khen của con lên mạng ảnh hưởng xấu tới trẻ. Ảnh: FB.

- Không những phát giấy khen, các cơ quan giáo dục còn tổ chức lễ tôn vinh học sinh đạt thành tích tốt. Bà cũng cho rằng việc này ảnh hưởng trẻ?

- Lễ tôn vinh như vậy không cần thiết. Những đứa trẻ đi học chỉ cần hoàn thành trách nhiệm là được. Việc có những lễ tôn vinh chắc chắn khiến các cháu mắc bệnh thành tích. Học sinh đua nhau làm sao có thành tích tốt. Bố mẹ đua nhau đưa lên mạng khoe để chứng tỏ con mình giỏi.

Đây chính là bệnh thành tích, vấn đề đã được nói nhiều lần rồi. Các lễ tôn vinh vẫn tiếp diễn thì bao giờ chúng ta mới chấm dứt được căn bệnh này? Chắc chắn không bao giờ!

Việc tôn vinh còn khiến các cháu chủ quan và thiếu cố gắng vì luôn luôn cho mình đã giỏi. Cái này rất có hại cho trẻ. Bản thân con tôi từng được giải. Về nhà, con không khiêm tốn, không biết cố gắng. Sau đó, con thất bại liên tục vì quá chủ quan.

Nếu người lớn gian dối vì thành tích, trẻ chỉ học được sự giả dối và hình thức. Những việc liên quan trẻ em phải rất cẩn trọng. Và như đã nói ở trên, không có lễ tôn vinh, những đứa trẻ vẫn trưởng thành, thậm chí tốt hơn.