Áp lực thi vào lớp 10 vẫn không thuyên giảm so với năm trước
- 08:31 26-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bao giờ hết áp lực?
Việc tổ chức ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi căng go vào lớp 10 tại một trường THCS Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Lương Minh) |
Thực tế cho thấy, số lượng đăng ký tuyển sinh lớp 10 hàng năm tăng nhiều hơn giảm. Hiện tượng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước.
Điển hình như TP. Hà Nội, nhiều năm gần đây, tỷ lệ chọi vào các trường công lập chưa bao giờ giảm. Cụ thể như kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm 2015 ở Hà Nội, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 gần 80.000 học sinh, tăng gần 10.000 học sinh so với năm học 2014. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập mặc dù đã điều chỉnh cho phép tuyển vượt 10 - 20% nhưng cũng chỉ đáp ứng được 68%, tương đương khoảng 50.000 học sinh.
Như vậy, khoảng 30.000 học sinh không trúng tuyển vào trường công lập sẽ phải học ở các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề.
Hai năm tiếp theo, bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2017, học sinh toàn TP. Hà Nội vẫn phải đối mặt với tỷ lệ chọi vào trường công lập cao ngất ngưởng. Toàn TP. có hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường này nhưng số lượng đăng ký hiện cao gần gấp 3 lần với 147.500 hồ sơ. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là trên 76.000 học sinh, nguyện vọng 2 là gần 71.500. Như vậy số học sinh không trúng tuyển vào trường công lập cũng xấp xỉ 30.000 học sinh, mặc dù thí sinh đăng ký dự tuyển thấp hơn 2 năm trước.
Và kết quả là, kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2017 có nhiều trường hợp phải cạnh tranh nhau tới nửa điểm để có thể xoay chuyển cả số phận của một học sinh vào trường công lập. Phụ huynh học sinh phát sốt vì nửa điểm đó có thể cứu nguy cho cả nhà với lý do các trường THPT dân lập hầu như học phí rất cao, mà không phải trường nào chất lượng cũng ổn.
Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 năm 2017 cũng phản ánh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa các nhiều trường THPT công lập. Có trường lấy điểm chuẩn tới 55.5 nhưng có trường chỉ lấy ngoài 20 điểm cũng đỗ. Và khi trượt công lập, phụ huynh học sinh tính kế cho con em mình vào trường dân lập thì tỷ lệ chọi giữa các trường dân lập cũng không khác công lập. Có trường phải 48 điểm trở lên mới đỗ, nhưng có trường chỉ cần có điểm thi vào lớp 10, đánh trống ghi tên cũng đỗ.
Do đó, với nhiều phụ huynh, cuộc đua vào lớp 10 căng thẳng hơn cuộc đua vào đại học là đều có lý do thực tế của nó.
Tiếp đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018, Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh dự thi, tăng hơn 22.000 học sinh so với năm 2017 và đây cũng là năm có tỷ lệ thí sinh thi vào lớp 10 được coi là đột biến nhất. Áp lực tiếp tục đè lên vai học sinh và phụ huynh gấp bội phần năm trước với cuộc chạy đua vào trường THPT công lập.
Phổ cập giáo dục: Giảm hay tăng áp lực?
Cho đến thời điểm hiện tại, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 tại Hà Nội vẫn không hề giảm nhiệt với áp lực tỷ lệ chọi mặc dù Việt Nam đang thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục.
Theo thống kê, năm nay toàn TP. Hà Nội có 85.873 học sinh đăng kí dự thi. Mới đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, năm nay, gần 30.000 học sinh phải học hệ ngoài công lập. Sở đã tính toán, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu Hà Nội sẽ được học trong các trường THPT trên địa bàn TP.
Ngoài ra, với chính sách phổ cập giáo dục, năm nay các em có nhiều lựa chọn khác như học nghề, vừa học vừa làm... Tuy nhiên, vì đây là năm đầu tiên áp dụng, nên nhiều phụ huynh vẫn rất dè chừng với phương án này. Hầu hết các phụ huynh vẫn hướng con tiếp tục học bằng cách thi vào lớp 10. Do vậy, tỷ lệ chọi năm nay vẫn không hề thấp so với các năm. Theo đó, hiện tượng tỷ lệ chọi so với các trường vẫn có độ chênh lệch tương đối lớn.
Và như vậy, năm này nối năm khác, cứ đến thời điểm này không khí thi vào lớp 10 từ học sinh đến phụ huynh, đến các trường THPT trên địa bàn Hà Nội vẫn "căng như dây đàn" đối mặt với kỳ thi lớp 10. Đứng trước thực trạng "Trăm ngã rẽ cho một lựa chọn" của hàng nghìn học sinh thi vào lớp 10, Viện Giáo dục IRED đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giáo dục nào cho thời loạn chuẩn?” vào ngày 22/5 mới đây đề cập nhiều đến câu chuyện cải cách giáo dục.
Theo đó, Ông Giản Tư Trung Viện trưởng Viện Giáo dục IRED cho biết chưa bao giờ mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức trong việc dạy con và dạy trò như hiện nay. Đối với học sinh, những thay đổi của thời đại đem lại cho các bạn nhiều cơ hội để học hành, mở mang và hội nhập.
Tuy nhiên, tình trạng trên cũng đặt ra những thách thức chưa từng có khiến học sinh hoang mang với những lựa chọn của mình. Với phổ cập giáo dục trước mắt thì học sinh nên yêu cái gì, theo đuổi con đường nào, điều gì là đúng là sai đang là những câu hỏi lớn.
Cải cách một nền giáo dục mất đến vài chục năm nên việc học sinh chọn giải pháp an toàn là dự thi tuyển sinh vào lớp 10 như mọi năm là điều rất dễ hiểu. Nếu các em lựa chọn hướng đi mới thì ai sẽ là người gánh chịu xác xuất rủi ro cho các em? Đây là vấn đề rất nhiều phụ huynh lo lắng và quan tâm.
Theo đó, tất cả vấn đề trên học sinh vẫn là người gánh áp lực trước tiên khi rất nhiều chính sách phổ cập được đưa ra, nhưng giải pháp chống rủi ro cho nó thì không có, hoặc có nhưng"không có gì là chắc chắn". Do vậy, việc học sinh bị bỏ ngang giữa ngã ba không biết đi về đâu là băn khoăn không ít phụ huynh học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng như phụ huynh học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở trong cả nước.
'Giá xăng tăng' vào đề thi tuyển sinh lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu