Vơ vét trong siêu thị và sự xấu hổ của người Việt
- 07:51 25-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuỗi siêu thị Auchan (Pháp) sau một thời gian kinh doanh kém hiệu quả tại Việt Nam đã quyết định mở đợt giảm giá mạnh trước khi đóng cửa. Đó cũng là điều hết sức bình thường trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường hàng hóa bán lẻ tại Việt Nam. Nhưng cái không bình thường lại nằm ở chỗ, người Việt đổ xô vào chuỗi siêu thị này để “vơ vét” hàng hóa gây nên cảnh hỗn loạn, tan hoang.
Cảnh tan hoang ở 1 siêu thị thuộc Auchan tại TP.HCM sau khi bị người mua hàng "càn quét". Ảnh: KT |
Thực phẩm, hàng hóa nằm rơi vãi trên sàn nhà, thậm chí bị bóc ra ăn thử... những chai dầu gội, sữa tắm bị mở nắp, chảy tràn ra kệ... Dù nhân viên siêu thị đã nhắc nhở và dọn dẹp nhưng cũng không xuể. Trong lúc nhập nhoạng, kẻ gian lợi dụng để móc túi hoặc lấy đồ đạc trong siêu thị mà không tính tiền…Chứng kiến cảnh tượng đó, đại diện Auchan Việt Nam không chỉ buồn mà còn phải thốt lên: 'Chúng tôi quá xấu hổ'.
Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn chưa phải lần cuối cùng, người Việt thể hiện sự “xấu xí” ở nơi công cộng. Tâm lý tranh cướp, hôi của dường như chỉ được dịp là “bùng” lên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Đến những chậu hoa làm đẹp cho thành phố, sau khi úa tàn cũng được thiên hạ ầm ầm “khuôn” đi. Thậm chí, có người đi ô tô cũng dừng lại để tranh thủ “vơ vét”.
Mình không nhanh thì người khác sẽ giành lấy, chả cần thể diện, chả cần sĩ diện. Miễn là được việc mình, còn thiên hạ thì kệ. Suy nghĩ ấy thể hiện rõ nhất khi nhìn vào bức tranh giao thông ở Việt Nam. Không ai nhường ai bởi “nhường thì thiệt”. Mạnh ai lấy đi, mạnh ai lấy vượt, nên cảnh tắc đường xảy ra như cơm bữa. Đến cả những chiếc xe buýt cũng sẵn sàng lao lên vỉa hè để giành giật lối đi.
Mỗi dịp lễ hội đầu năm, cảnh “chen, cướp” cứ đều đặn tái diễn ở chốn tâm linh. Ai cũng thấy như thế là lố, là không đẹp mắt, là thứ văn hóa mông muội nhưng dù có lên án thế nào thì những hình ảnh phản cảm đó cũng không có dấu hiệu giảm bớt.
Quay trở lại với vụ “hôi” hàng giảm giá ở chuỗi siêu thị Auchan, rõ ràng, doanh nghiệp gặp khó khăn thì mới rút khỏi thị trường, không phải khuyến mại, giảm giá để kích cầu mua sắm hay tri ân khách hàng. Người tiêu dùng dường như không mảy may nghĩ đến việc "chia sẻ khó khăn” với doanh nghiệp, cứ “hồn nhiên” vừa mua hàng, vừa “phá” hàng vì “đằng nào siêu thị cũng đóng cửa”. Hình ảnh méo mó ấy chắc chắn cũng ảnh hưởng đến tâm lý của không ít doanh nghiệp bán lẻ muốn tìm cơ hội ở Việt Nam. Điều đó càng không có lợi cho người tiêu dùng. Ngay chuỗi siêu thị này lẽ ra sẽ giảm giá nhiều hơn nữa nhưng họ đành từ bỏ ý định đó.
Cực chẳng đã, siêu thị này phải dán thông báo để hạn chế người mua. Ảnh: KT |
Tại một hội thảo đầu năm về chuẩn mực văn hóa ứng xử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thừa nhận, nhiều hành xử thiếu văn hóa của người Việt như chen lấn, lãng phí, xả rác bừa bãi đang có chiều hướng lan rộng.
Mọi sự tuyên truyền đều rất khó để thay đổi hành vi nếu như mỗi người Việt không tự ý thức rằng, nếu mình làm thế, người khác cũng sẽ làm thế và sẽ không là thiệt thòi nếu trong đám đông, chỉ mình dừng lại. Chí ít thì những đứa con của mình có thể nhìn vào đó mà làm theo. Chỉ như thế thôi, những thói quen xấu xí của người Việt ở chốn đông người mới hy vọng có thuốc chữa. Dù không thể nhanh nhưng chắc chắn vẫn tốt hơn là không làm gì cả./.