Vì sao nhiều đại biểu Quốc hội không muốn bỏ mức kỷ luật giáng chức?
- 07:25 25-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự luật lần này điều chỉnh về các hình thức kỷ luật để tương ứng với các hình thức kỷ luật của Đảng. Đáng lưu ý, Chính phủ đề xuất bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có vi phạm.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh tân. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Giáng chức dẫn đến nể nang
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ ủng hộ phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.
Ông Tân cũng cho rằng quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm.
“Hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý”, Bộ trưởng Nội vụ giải thích.
Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, việc bỏ quy định kỷ luật “giáng chức” là để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt của công chức ở vị trí lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn.
Đồng tình, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng đã vi phạm thì phải cách chức, còn nếu giáng chức thì “không khác gì bổ nhiệm lại”.
“Quan điểm của tôi là trong luật không nên vừa có giáng chức vừa cách chức”, ông Lợi nói.
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh lại cho rằng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vẫn là các kiểu cũ, và thực tế cho thấy không hiệu quả.
Bà Khánh dẫn chứng trường hợp ở Thanh Hóa, cán bộ vi phạm, bổ nhiệm “hết người này đến người khác” khiến dư luận ầm ĩ, đến mức Trung ương phải kỷ luật, thế nhưng lánh đi một thời gian, cán bộ đó lại được trở về làm lãnh đạo đơn vị khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó bí thư TP.HCM, phân tích cấp phó hiện nay rất hạn chế, mỗi nơi chỉ có 1 - 2 cấp phó, nếu cấp trưởng bị giáng chức thì không biết bố trí ở đâu.
Trong khi đó, theo tâm lý chung, chỗ này bị kỷ luật mà đưa sang đơn vị khác thì không ổn, vì nơi khác cũng không muốn nhận.
Bà cũng đặt vấn đề có những vi phạm không đến mức cách chức mà cách chức thì không còn gì, như vậy cũng không công bằng. Song nếu giáng chức cũng không biết bố trí vào đâu.
"Vì thế, cần tính toán cụ thể làm sao cho tốt, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng không làm mất động lực sửa khuyết điểm của cán bộ", bà Tâm nói.
Quá nặng
Ở luồng ý kiến trái chiều, không ít người cho rằng việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Hoàng Văn Trà cho rằng hình thức “giáng chức” áp dụng rất ít nhưng lại cần thiết.
Ông phân tích, một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng thì giáng xuống làm cấp phó hoặc trưởng phòng. Nếu cách chức một giám đốc sở xuống hẳn chuyên viên, nhân viên bình thường lại rất phí về phẩm chất chuyên môn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Hoàng Văn Trà. Ảnh: H.V. |
Vì lẽ đó, ông Trà đề nghị nên duy trì hình thức “giáng chức”, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để né cách chức.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cũng không đồng tình với việc bỏ hình thức “giáng chức” trong kỷ luật cán bộ. Theo bà Hoa, công chức dính sai phạm nếu từ cảnh cáo mà chuyển sang ngay hình thức cách chức thì quá nặng.
“Một người đang ở vị trí cấp trưởng, nếu giữ hình thức giáng chức thì khi bị kỷ luật vẫn có thể xuống cấp phòng, và như thế cũng hợp lý. Còn cán bộ đang ở vị trí rất cao mà kỷ luật cách chức đưa xuống luôn lại là rất nặng”, bà Hoa nói, đồng thời đề nghị giữ lại hình thức giáng chức để phù hợp với những vi phạm chưa đến mức bị cách chức.