Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dự án trồng rừng của InnovGreen hiện ra sao?: Nhiều nơi siết chặt, thu hồi đất

Không chỉ ở Nghệ An, InnovGreen còn thuê đất trồng rừng ở nhiều địa phương và qua kiểm tra, không ít nơi đã thu hồi lại đất cho thuê.

 

 Đất ở bản Pù Lau (xã Nậm Nhoóng, H.Quế Phong, Nghệ An), nơi InnovGreen thuê đất trồng rừng rồi bỏ hoang, trong khi người dân địa phương đang thiếu đất để mưu sinh (ẢNH: K.HOAN)

Liên quan đến dự án gần khu vực biên giới Việt - Lào ở tỉnh Nghệ An của Công ty TNHH MTV InnovGreen, như Thanh Niên đã thông tin, sau khi được thuê 978,5 ha đất thời hạn 48 năm tại H.Quế Phong (Nghệ An) để trồng rừng nguyên liệu với giá thuê 500 đồng/m2, Công ty InnovGreen Nghệ An (thuộc Công ty TNHH MTV InnovGreen có chủ là người Trung Quốc) chỉ trồng được 1/3 diện tích rồi bỏ đất gần 10 năm qua và đang bị UBND H.Quế Phong đề nghị thu hồi.

Nhiều ý kiến can ngăn, tỉnh vẫn quyết cho thuê

Ngày 24.5, PV nhiều lần gọi đến số điện thoại của ông Nguyễn Đình Chi, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (người ký quyết định cho thuê đất, đã nghỉ hưu), để tìm hiểu thêm thông tin việc ký cho thuê đất trong khi có rất nhiều ý kiến không đồng tình của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chủ thuê bao không nghe máy.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 30.5.2007, ông Yu Yao Hung (Trung Quốc) nộp hồ sơ đề nghị tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) và thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại tỉnh này.

Ngày 25.6.2007, UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư, tên DN là Công ty InnovGreen Nghệ An. Mục tiêu của công ty là sẽ thuê 70.000 ha đất rừng tại 4 huyện để “xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô lớn và kỹ thuật thâm canh tiên tiến, phục vụ chế biến và xuất khẩu”.

Tuy nhiên, dự án trồng rừng khi đó đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của một số cơ quan chức năng. Tháng 4.2008, Ban Chỉ huy quân sự H.Quế Phong có công văn báo cáo tác động của dự án và thể hiện sự lo ngại vì dự án “không có lợi cho quốc phòng, an ninh”.

Ngày 16.3.2009, đơn vị này lại có công văn kiến nghị “không nên cho Công ty InnovGreen Nghệ An thuê đất trồng rừng tại H.Quế Phong”. Công an tỉnh Nghệ An cũng có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy nêu ý kiến không nên cho triển khai dự án.

Ngày 17.3.2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ra Thông báo 526 về dự án trồng rừng của InnovGreen và “đồng ý chủ trương đầu tư dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH InnovGreen, nhưng với phương thức đầu tư chủ yếu là hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật để người nông dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư”.

Đến ngày 28.5.2009, ông Nguyễn Đình Chi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ký quyết định cho Công ty InnovGreen Nghệ An thuê 978,5 ha đất.

Sau khi InnovGreen Nghệ An được thuê đất, trước sự bức xúc của người dân địa phương, ngày 20.8.2010 Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đến làm việc tại H.Quế Phong về dự án này. Tại buổi làm việc, đại diện người dân, chính quyền địa phương đã bày tỏ nhiều ý kiến không đồng tình với dự án và bức xúc vì đất rừng giao cho DN nước ngoài trong khi dân thiếu đất làm ăn.

Đại diện chính quyền địa phương cũng cho rằng, chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An là InnovGreen hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật để người dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư đã không được thực hiện mà DN này tự trồng rừng để khai thác.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Phát hứa Bộ NN-PTNT và tỉnh Nghệ An sẽ trình Chính phủ để xem xét lại dự án. Tuy nhiên, sau khi trồng keo trên diện tích 294 ha đã thuê vào năm 2010, InnovGreen bỏ cuộc và theo báo cáo của UBND H.Quế Phong, số cây sống sót hiện còn rất ít.

Từng bị xử lý vì chiếm đất rừng, phá rừng

Tại Quảng Ninh, thông tin từ UBND tỉnh ngày 24.5 cho biết InnovGreen có dự án thuê hơn 3.300 ha ở địa bàn các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ và TP.Móng Cái để trồng bạch đàn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hồi cuối năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi khoảng 1.600 ha diện tích rừng tự nhiên nằm xen kẽ đã giao cho InnovGreen quản lý bởi DN này không đủ năng lực thực hiện phần diện tích rừng đã giao.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ninh, vào tháng 3.2015, địa phương nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng về việc kiểm tra một số diện tích rừng giao cho InnovGreen được cho là "nhạy cảm". Từ năm 2015 đến nay, qua kiểm tra địa bàn chưa thấy điều gì bất thường. Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Gần 1.000 ha rừng ở gần khu vực biên giới H.Hải Hà và TP.Móng Cái được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ. Họ trồng bạch đàn, ngoài ra không xây dựng công trình gì khác".

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, năm 2010 InnovGreen từng bị chính quyền H.Tiên Yên xử lý liên quan đến sai phạm trong việc lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng tự nhiên trái phép.

Cụ thể, DN được nhận hơn 800 ha rừng và đất rừng tại xã Điền Xá (H.Tiên Yên) nhưng khi mở đường công vụ đã lấn chiếm hơn 1.000 m2 đất rừng của xã Thanh Sơn (H.Ba Chẽ) liền kề.

Không những thế, trong thời gian này, InnovGreen còn chặt phá rừng tự nhiên trái phép để mở đường, chuyển 2,2 ha đất có mục đích sử dụng từ đất trồng rừng sang đất sử dụng vào mục đích công cộng (đất giao thông) khi chưa được phép. DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng, tịch thu hơn 4 m3 gỗ khai thác trái phép và buộc trồng lại rừng, khôi phục lại tình trạng của đất.

Dừng hoạt động trồng rừng ở biên giới

Theo tìm hiểu của PV, tại Lạng Sơn, InnovGreen Lạng Sơn được tỉnh cấp phép dự án trồng rừng 63.000 ha tại 49 xã thuộc các huyện: Văn Bàn, Tràng Định, Lộc Bình, Chi Lăng, Bắc Sơn và Đình Lập. Thời gian cấp đất ban đầu 50 năm nhưng sau đó đã có sự điều chỉnh rút ngắn.

Tại H.Tràng Định có nhiều xã biên giới triển khai dự án trồng rừng của InnovGreen Lạng Sơn. Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Tràng Định, cho biết nhiều diện tích đã giao cho DN trồng rừng nhưng chưa được cấp sổ. DN chỉ được phép trồng rừng ở phần đất sâu phía trong nội địa, còn khu vực giáp biên giới và các điểm cao trước đây DN từng làm đường lên để phục vụ trồng rừng sản xuất, nhưng sau đó không được cho phép trồng rừng mới và ngừng hoạt động sản xuất, hiện chỉ có một số điểm tại các xã Hùng Việt, Minh Tân còn có bạch đàn. Tuy nhiên, tới đây sau khi thu hoạch xong, địa phương tiến hành thu hồi đất.

Nông sản Việt Nam như 'gái quê danh giá chờ thương lái Trung Quốc' thu mua
Theo ông Khôi, diện tích đất thu hồi từ các dự án của InnovGreen Lạng Sơn được xem xét để giao cho người dân địa phương đầu tư trồng rừng.

Quảng Nam đã dừng, thu hồi dự án từ 2015

Hôm qua 24.5, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết liên quan đến việc Công ty TNHH MTV InnovGreen thuê đất để trồng rừng nguyên liệu tại một số huyện vùng cao trên địa bàn Quảng Nam, từ năm 2015 UBND tỉnh đã thống nhất tạm dừng, thu hồi dự án và thực hiện việc bồi thường cho đơn vị theo quy định của pháp luật.

Trước đó, từ tháng 7.2008, Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH InnovGreen để thành lập Công ty InnovGreen Quảng Nam, thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu tại 9 huyện miền núi và trung du với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, thời hạn 50 năm.

Sau khi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam có ý kiến, UBND tỉnh điều chỉnh thu hồi hơn 1.100 ha tạm giao tại H.Nam Trà My.

Tuy nhiên, ở thời điểm kiểm tra điều chỉnh năm 2015, với hơn 1.331 ha đã tạm giao và cho thuê (chưa kể hơn 19.300 ha được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại 7 huyện nhưng chưa giao đất), tiến độ đầu tư của Công ty InnovGreen Quảng Nam chậm, chỉ trồng được hơn 86 ha thí điểm. Vì vậy, năm 2015 UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất tạm dừng, thu hồi dự án và thu hồi cả diện tích trồng thí điểm.

Mạnh Cường