Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quỳ Châu, Nghệ An: Hàng chục lò đốt than củi trái phép ngang nhiên nhả khói

Nhiều năm qua, những lò đốt than củi thủ công hoạt động trái phép ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) không những gây ô nhiễm môi trường còn có thể tiếp tay cho nạn phá rừng.

 Hàng chục lò đốt than củi trái phép tại bản Quỳnh 2, xã Châu Bình. Ảnh Tuệ Minh

Lò đốt than củi ngang nhiên nhả khói

Giữa trưa hè tháng Năm trời như thiêu đốt, chúng tôi tìm về bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An.

Từ quốc lộ 48 ở Bản Quỳnh 2 rồi đi theo con đường đất chừng 200m, không khó khăn gì để chúng tôi tiếp cận “đại bản doanh” những lò than đốt củi thủ công trái phép.

Trong ngày 19.05, theo ghi nhận tại khu vực vùng đồi khá bằng phẳng rộng chừng 5ha là nơi tập trung của 30 - 40 lò than thủ công đang ngày đêm nhả khói.

 Những lò đốt than củi ngày đêm vẫn nhả khói. Ảnh Tuệ Minh

Theo lý giải của một trong những chủ lò than ở bản Quỳnh 2, vì không có việc gì làm và biết là ô nhiễm môi trường nhưng gia đình vẫn phải tiếp tục làm nghề để kiếm sống.

Được biết, thực trạng những lò đốt than củi thủ công trái phép trên địa bàn bản Quỳnh 2, xã Châu Bình diễn ra đã nhiều năm nay. Dù chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lí các lò đốt than trái phép nhưng tình trạng người dân đốt gỗ lấy than trái phép ở huyện Quỳ Châu vẫn tiếp tục tái diễn, nhiều lò đốt than ngang nhiên hoạt động.

“Nhiều năm rồi, người dân trong bản chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm từ khói bụi của mấy chục lò đốt than củi thủ công ở trên đồi. Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều nhưng lò than vẫn cứ hoạt động, ông Vi Văn Thái, một người dân địa phương bức xúc.

Tiếp tay cho nạn phá rừng?

Không chỉ vậy, xung quanh những lò than, lẫn trong những ngọn, cành keo tận dụng là hàng chục đống củi từ gỗ rừng không rõ nguồn gốc. Tại đây, không khó khăn gì để phát hiện hàng đống thân cây gỗ rừng thẳng tắp, dài chừng 3 - 4m, có đường kính từ 40 - 50cm được chất đống nằm la liệt, chờ cho vào lò đốt than. Thậm chí, một lò than khuất sâu bên trong, hàng trăm khúc gỗ rừng có đường kính lớn, nhỏ được chất đầy lò, chuẩn bị đem đốt.

 Những đống gỗ rừng không rõ nguồn gốc tập kết la liệt tại những lò đốt than củi ở Bản Quỳnh 2. Ảnh Tuệ Minh

Trước đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày vẫn có những xe tải chở gỗ rừng chạy trên đường 48 theo hướng từ thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) và đích đến cuối cùng là những lò đốt than củi ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình.

Thấy có người quay phim, chụp ảnh, một chủ lò than tỏ ra dè dặt: “Các chú có chụp ảnh thì chụp than và lò than thôi chứ đừng chụp mấy khúc gỗ tạp kia, kẻo rồi đoàn này, đoàn kia về kiểm tra thì chúng tôi khó làm ăn”.

 Những đống gỗ rừng không rõ nguồn gốc tập kết la liệt tại những lò đốt than củi ở Bản Quỳnh 2. Ảnh Tuệ Minh

Khi hỏi về hướng xử lý những lò than thủ công hoạt động trái phép, ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Châu lý giải: “Trước họ đốt dọc ngoài đường, sau chính quyền, cơ quan chức năng mạnh tay xử lý thì họ ngừng một thời gian rồi trốn vào trong khu vực kia.

Phía huyện có xuống kiểm tra định kỳ, chỉ đạo xã đình chỉ, tháo dở nhưng dân vẫn làm lén lút và phía xã họ làm không ăn thua”.

 Một lò than chuẩn bị đốt nguyên liệu chủ yếu là gỗ rừng. Ảnh Tuệ Minh

Trước việc các lò than “thổ phỉ” hoạt động đã nhiều năm nay, dư luận lấy làm khó hiểu. Lời giải thích thỏa đáng chỉ có thể có từ các ban ngành, chính quyền huyện Quỳ Châu.

 Những lò đốt than củi thủ công hoạt động trái phép đã nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường và tiếp tay cho nạn phá rừng nhưng chính quyền vẫn cho tồn tại? Ảnh Tuệ Minh