Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhức nhối chuyện dự án chậm, dự án treo ở Nghệ An

Găm đất, cố tình kéo dài thời gian triển khai xây dựng dự án theo quy định…là vấn đề đang gây nhiều hệ lụy xấu trên địa bàn Nghệ An suốt thời gian qua.

Mặc dù, các cấp ngành địa phương ở đây đã có những động thái chấn chỉnh, thu hồi nhưng xem ra câu chuyện về dự án chậm tiến độ, dự án treo kéo dài vẫn chưa thể chấm dứt.

Bỏ phí 36 nghìn ha đất trong 6 năm

Đây là số liệu được Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2018, qua kiểm tra 500 lượt dự án với 8 đoàn thanh tra liên ngành được thành lập, cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định thu hồi 151 dự án chậm tiến độ với diện tích sử dụng 36 nghìn ha đất các loại. Số dự án bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các đô thị như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, nơi có các KCN, Cụm Công nghiệp đang hình thành và đi vào hoạt động.

Đáng quan tâm là trên địa bàn có không ít dự án “ôm” hàng nghìn m2 đất nhưng tiến độ thi công lại theo kiểu “rùa bò” hoặc cắm mốc phân định ranh giới rồi bỏ phí suốt hàng chục năm trời. Và, không ít dự án cố tình “găm” đất rồi âm thầm trao tay bán lại nhưng kết quả cuối cũng không thực hiện như tiến độ đã cam kết ban đầu.

 Thực trạng nhà đầu tư cố tình găm đất, giữ đất và thậm chí mua đi – bán lại dự án vẫn còn tồn tại trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua 

Trong khi đó, để có mặt bằng phục vụ các dự án, các cấp chính quyền đã vận động người dân nhường hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp để nhà đầu tư vào xây dựng. Không có tư liệu sản xuất, trong khi đất đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thực hiện nhưng bỏ hoang khiến người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Với hàng trăm dự án bị tỉnh Nghệ An thu hồi trong thời gian qua đều được nhà đầu tư trước đó đã vẽ ra “viễn cảnh” rất hoành tráng. Tuy nhiên, thực tế những dự án này chỉ nằm trên giấy và các mô phỏng khi nhà đầu tư thuyết trình với tỉnh Nghệ An.

Đơn cử như dự án BMC Cửa Lò Plaza với tổng diện tích đất hơn 5ha và được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 cho công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống vì chủ đầu tư không triển khai xây dựng bất kỳ hạng mục nào.

Cũng tại địa bàn thị xã Cửa Lò, từ năm 2018, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định thu hồi 3 dự án trên địa bàn gồm: Dự án Trường Trung cấp du lịch tư thục miền Trung và Khu dịch vụ khách sạn nhà nghỉ chất lượng của Công ty Cổ phần Phượng Hồng ở phường Nghi Hương - Nghi Hòa; Dự án Trạm cập bờ tuyến cáp quang biển Bắc Trung Nam của dự án Tập đoàn Bưu chính Viễn thông phường Nghi Hải; Dự án Trung tâm Nghỉ dưỡng thủy điện Quế Phong ở phường Nghi Hương…

Bao giờ mới hết dự án treo?

Thực tế, câu chuyện về dự án chậm tiến độ, dự án treo tồn tại trên địa bàn Nghệ An luôn làm nóng dư luận tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri trong thời gian qua.

Dự án treo, dự án chậm tiến độ đã khiến không ít người dân phải rơi vào cảnh “ly nông, ly hương” vì chủ đầu tư không tiến hành xây dựng công trình do mình đã thỏa thuận, ký kết đầu tư như ban đầu.

Bởi trước đó, người dân đã chấp nhận nhường đất, di chuyển nhà cửa, vườn tược…cho nhà đầu tư thực hiện dự án để hy vọng có việc làm mới ngay chính mảnh đất của mình đã gắn bó bao đời. Thế nhưng, hy vọng của người dân sau bao nhiêu năm chờ đợi đã rơi vào cảnh thất vọng.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân khiến dự án treo, dự án chậm tiến độ kéo dài trên địa bàn Nghệ An đang tồn tại trong suốt thời gian qua.

Đó là công tác thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án đối với các nhà đầu tư của cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa được chặt chẽ. Mặt khác, cơ chế thu hút dự án của địa phương nhiều lúc còn nóng vội hoặc cả nể nên nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng “đi tắt” để qua mặt.

 Câu chuyện về dự án chậm tiến độ, dự án treo tồn tại trên địa bàn Nghệ An luôn làm nóng dư luận tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri trong thời gian qua

Mặt khác, nhiều nhà đầu tư còn “mập mờ” về quy hoạch, chưa tính toán kỹ đầu ra – đầu vào vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ nên khi đã lỡ đầu tư dự án nhưng không hiệu quả rồi “bỏ của chạy lấy người”. Lý do họ nghĩ rằng, nếu có đầu tư tiếp thì cũng không hiệu quả nên khi xây dựng giang dở thì bỏ hoang không triển khai nữa.

Để chấn chỉnh tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An đã tốn không ít thời gian để tổ chức các cuộc họp bàn nhằm tháo gỡ vấn đề này. Thậm chí, báo chí cũng tốn không ít giấy mực để phản ánh về thực trạng này trên các phương tiện thông tin, đại chúng.

Mới đây, sáng 20/5, tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ, ông Thái Thanh Quý – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phát biểu, chỉ đạo các Sở, ban, ngành cần rà soát, kiểm tra các dự án chậm tiến độ, dự án treo trên địa bàn.

Ông Thái Thanh Quý cho rằng, trên cơ sở rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu doanh nghiệp không triển khai thì trước mắt địa phương sẽ cảnh báo. Nếu nhà đầu tư không chấp hành thì UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật để tránh lãng phí quỹ đất.

Động thái chỉ đạo của lãnh đạo địa phương phát đi là vậy nhưng để câu chuyện Nghệ An giảm nhiệt được tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án treo tồn tại thì nhiều vấn đề vẫn phải được công khai, làm rõ. Đó là vấn đề về năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động của nhà đầu tư cần phải được xác tín đầy đủ, tránh tình trạng cơ chế “xin-cho” tồn tại rồi găm đất, giữ đất dự án như trong thời gian qua.