Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Donald Trump đang 'rất vui': 3 cuộc chiến nhấn chìm thế giới

Thái độ của ông Donald Trump gần đây cho thấy, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ không hề tính toán đơn giản. Cuộc chiến còn kéo dài và Trung Quốc có thể sa lầy vì những tính toán của mình.

Dồn dập 3 cuộc chiến

Tổng thống đời thứ 45 của Mỹ Donald Trump vừa đẩy cuộc chiến Mỹ-Trung lên một mức cao mới với việc quyết định chặn Trung Quốc về mặt công nghệ với một cú đòn nhắm đánh thẳng vào niềm tự hào công nghệ số 1 của Bắc Kinh: Tập đoàn Huawei (Hoa Vĩ) cũng như một cú tấn công trực diện vào mũi nhọn mà Bắc Kinh dự tính sẽ đưa Trung Quốc lên vị thế đứng đầu thế giới về công nghệ: lĩnh vực 5G.

Quyết định ban bố trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ đã mở đường cho Washington cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Ngay lập tức, cả 3 công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel, Qualcomm và Broadcom của Mỹ đã cắt đứt mọi thỏa thuận hợp tác với Huawei sau khi Google tuyên bố dừng cập nhật hệ điều hành Android và hoạt động của các ứng dụng Google trên thiết bị của Huawei. Nhà sản xuất chip Đức Infineon Technologies được cho là cũng đã dừng cung cấp hàng cho Huawei theo lệnh cấm của Mỹ.

Trên thực tế, cuộc chiến công nghệ còn 90 ngày nữa để 2 bên chuẩn bị và có thể bùng nổ và lan rộng ra thế giới, đồng thời có thể ảnh hưởng tới ngành công nghiệp bán dẫn cũng như mạng 5G toàn cầu.

 Donald Trump tấn công vào tập đoàn công nghệ số 1 Trung Quốc Huawei.

Lý do mà Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei và các công ty Mỹ có thêm 3 tháng là để duy trì và hỗ trợ các mạng và thiết bị hiện có. Một sự gián đoạn ngay lập tức có thể làm xáo trộn thế giới, gây ra hậu quả khôn lường tới các doanh nghiệp Mỹ, tới mạng lưới viễn viễn thông nước này và chứng khoán Mỹ cũng như châu Âu.

Tuy nhiên, giấy phép gia hạn có hạn chế với mục đích duy trì và hỗ trợ các mạng và thiết bị hiện có, không áp dụng cho những sản phẩm mới. Đây được xem là một đòn giáng mạnh bởi Huawei đang dùng chip và dịch vụ của các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ. Ngay cả các chip mà Huawei tự thiết kế thì cũng phải dùng các phần mềm của Mỹ để tạo ra các thiết kế như vậy.

Trước đó, hôm 10/5, ông Donald Trump đã tái khởi động và đẩy cuộc chiến thương mại kéo dài trong vòng 1 năm qua lên một mức cao mới với quyết định bất ngờ áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Ông Trump cũng cho triển khai một kịch bản chung kết là áp thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ với thuế suất 25%. Trung Quốc tuyên bố có đòn trả đũa lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ đầu tháng 6.

Cuộc chiến tiền tệ cũng đã bắt đầu. Bắc Kinh có dấu hiệu kích hoạt một thứ vũ khí nguy hiểm, đáng sợ với thế giới nhưng cũng nguy hiểm với chính Trung Quốc: phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT). Ông Trump cũng dự báo, động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là một đợt cắt giảm lãi suất.

Chuẩn bị cho khả năng mới, ông Trump cũng kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có hành động tương tự, kéo đồng USD xuống thông qua việc hạ lãi suất. Theo ông Trump, “nếu Fed hạ lãi suất, Mỹ sẽ thắng Trung Quốc”.

 Donald Trump - Tập Cận Bình.

Thái độ Donald Trump ngửa bài: Cuộc chiến còn kéo dài

Cuộc chiến tiền tệ mới chỉ bắt đầu nhưng sự mất giá của đồng NDT ngay lập tức khiến các thị trường tài chính liên tục chao đảo và giới đầu tư đã bắt đầu nghĩ tới bóng ma ám ảnh thị trường tài chính toàn cầu hồi năm 2015.

Nhằm ứng phó với một cuộc chiến tiền tệ Trung - Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những động thái đảo chiều chiền sách tiền tệ, chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng để chuẩn bị cho những diễn biến tồi tệ có thể xảy ra.

Philippines, New Zealand và Malaysia đã giảm lãi suất cơ bản. Trong khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) duy trì lãi suất thấp ở mức rất thấp 1,75% sau cú nâng lãi suất hồi tháng 12 năm ngoái. Các NHTW Nhật và Australia cũng đã nghiêng về nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cuộc chiến trên nhiều mặt trận giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là còn kéo dài khi mà mâu thuẫn chưa hề được giải quyết trong khi đấu khẩu và đối đầu ngày càng tăng cao. Theo CNBC, cả 2 nước dường như đã ngừng đàm phán khi mà kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo liên tục thay đổi và quan trọng là hai bên chưa biết sẽ thảo luận nội dung gì.

Cũng theo CNBC, nguyên nhân là Trung Quốc dường như không sẵn sàng xem xét lại những cam kết mà nước này từ bỏ hồi đầu tháng 5, mà theo phía Mỹ là khoảng 30% bản thỏa thuận thương mại mà Trung Quốc đã cắt bỏ, rút gọn từ 150 trang xuống còn 105 trang. Trong khi đó, SCMP cho biết Trung Quốc không vội vàng để tiếp tục đàm phán.

Trung Quốc đã có những tính toán của riêng mình, trong khi phía Mỹ cũng rất kiên định trong mục tiêu kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.

 3 cuộc chiến đang diễn ra.

Trong vụ Huawei, thái độ phía Trung Quốc cũng rất cứng rắn. Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hãy chờ xem Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào đối với các biện pháp mà Mỹ nhằm vào Huawei.

Còn theo đại sứ Trung Quốc tại EU, Trung Quốc có quyết tâm không thể lay chuyển trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình và nếu Mỹ muốn đấu, thì Trung Quốc sẽ đấu đến cùng.

Ở chiều ngược lại, thái độ của ông Donald Trump ngày càng rõ ràng. Ông Trump không ngần ngại cho biết, dưới tay của ông thì “Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ" và khẳng định ông "rất vui" với cuộc chiến thương mại hiện tại.

Nhiều ý kiến gần đây cho rằng, Huawei có thể là một con bài mặc cả quan trọng của ông Trump bởi đây là một công viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, đứng đầu về 5G và đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại thông minh. Hơn thế, Huawei có tham vọng rất lớn trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới và là một trong số ít công ty sản xuất thiết bị mạng 5G cho các công ty mạng không dây. Kịch bản có thể giống như công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc năm trước sau khi nộp phạt đã tránh được lệnh cấm của Mỹ.

Nhưng những khẳng định mới nhất cho thấy ông Trump không hề vội vã muốn quay trở lại bàn đàm phán với Bắc Kinh. Tính toán của ông Trump có lẽ không đơn giản như nhiều người trước đây đã từng nghĩ.

Điều đáng nói là riêng trong mặt trận chống sự nổi lên của Trung Quốc, người Mỹ khá đồng lòng. Năm 2012, sau cuộc điều tra kéo dài, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy Huawei đặt ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ. Kết luận cho rằng, Huawei và ZTE đã hành động thay mặt chính phủ Trung Quốc.

Nhiều người lo ngại, những động thái giữa Mỹ và Trung gần đây có thể sẽ dẫn đến một cuộc "chiến tranh lạnh" kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong cuộc chiến đầy căng thẳng này, nhiều nước và tập đoàn lớn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng được hưởng lợi như trưởng hợp của Samsung vốn đang đặt nhà máy lớn nhất tại Việt Nam.

 Ông bố Mỹ vướng lao lý vì đi kích dục bằng tiền của con