Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngành đường sắt thử nghiệm radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang

Nếu được trang bị hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín, có hỗ trợ giám sát, ngành đường sắt (ĐS) sẽ giám được đáng kể số lượng nhân viên gác chắn hiện tại, nhưng quan trọng hơn, việc áp dụng công nghệ sẽ không phụ thuộc vào chủ quan của con người, độ an toàn cao hơn, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông ĐS đang diễn biến rất phức tạp hiện nay…

 Thử nghiệm radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang tại Km 167+ 980

Sáng 20/5, trực tiếp thực nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín có hỗ trợ giám sát tại Km 167+ 980 (địa phận tỉnh Thanh Hóa), ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty (TCty) ĐS Việt Nam (ĐSVN) chia sẻ với phóng viên: “Trong những năm qua, ngành ĐS đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của ngành, tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra còn thấp. Đặc biệt, tại các vị trí đường ngang, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát. Đó là lý do ngành ĐS triển khai đề tài Nghiên cứu lắp đặt thử nghiệm hệ thống”.

Theo báo cáo của TCty ĐSVN, trên tổng chiều dài toàn tuyến 2.619 km có 277 ga 1.517 đường ngang, trong đó có 388 đường ngang có biển báo, 649 đường ngang có người gác, 480 đường ngang cảnh báo tự động.

Riêng tại 649 đường ngang có người gác sử dụng khoảng 3.000 nhân viên gác chắn. Tại các vị trí đường ngang này, ngoài các thiết bị phòng vệ cố định (biển báo, vạch kẻ đường, cọc tiêu, hàng rào cố định) còn có các thiết bị phòng vệ phía đường bộ ĐS được giám sát và điều khiển hoàn toàn bằng con người như cần chắn, tín hiệu ngăn ĐS, thiết bị báo tàu tới gần, đèn tín hiệu và chuông điện.

Các thiết bị phòng vệ tại đường ngang hoạt động độc lập với nhau không có sự liên khóa để tự động đưa ra các tín hiệu phòng vệ nhằm giảm thiểu sự sai sót của con người. Trong khi đây là những vị trí có mật độ giao thông cao và rất phức tạp, lượng xe cơ giới lưu thông qua lại lớn, do đó cần có giải pháp kỹ thuật hỗ trợ để giảm tải lao động cho nhân viên gác chắn…” - Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc CTCP Thông tin tín hiệu ĐS Vinh, Chủ nhiệm đề tài phân tích.

Với hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín có hỗ trợ giám sát lắp đặt thử nghiệm tại Km167+ 980, theo quan sát của phóng viên, có 4 cần chắn chuyên dụng đặt ngoài cùng về 2 phía đường ray, 2 cột tín hiệu ngăn ĐS cách đường bộ 100m về hai phía và 3 hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang.

 Hệ thống radar

Theo nguyên lý hoạt động, khi tàu lẻ qua bộ cảm biến tiếp cận, đèn và chuông trên cột tín hiệu đường bộ tự động cảnh báo đồng thời đèn đếm ngược từ 20 giây về 0 và chuông trong đài thao tác kêu, đèn hướng lẻ sáng để nhắc nhở nhân viên gác chắn biết tàu lẻ đến gần đường ngang.

Nếu nhân viên gác chắn ấn nút “Ghi nhận” trong vòng 20 giây (đèn đếm ngược chưa đếm về 0) hệ thống sẽ hoạt động ở chế độ nhân công, thao tác đóng mở cần chắn hoàn toàn do nhân viên gác chắn. Nếu do nguyên nhân nào đó mà nhân viên gác chắn không ấn nút “Ghi nhận” trong vòng 20 giây, thì hệ thống sẽ hoạt động ở chế độ tự động (không có tác động con người). Sau 20 giây, đồng hồ đếm ngược hiển thị 0, lúc này cần chắn bắt đầu khởi động hạ xuống.

 Cần chắn tự động do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp

Với hệ thống thiết bị này, thay vì vị trí đường ngang này có 4 người gác chắn như hiện nay chỉ cần 1 người có nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn, điều hành giao thông khi có tàu qua, giảm thiểu đáng kể nhân viên gác chắn...” - Phó Tổng Giám đốc TCty ĐSVN, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.

Ông Mạnh cũng cho biết thêm, trong trường hợp có ô tô cố vượt hay chết máy giữa đường tàu, thay vì cảnh báo thủ công, radar phát tín hiệu lên 2 cột tín hiệu ngăn ĐS và khoảng cách đủ để tài xế dừng tàu. Còn trong trường hợp có người qua lại vào thời điểm đã hạ gác chắn, hệ thống phát tín hiệu cảnh báo và người hỗ trợ giám sát sẽ nhắc nhở, điều hành giao thông.

Không chỉ Thanh Hóa, tình hình tai nạn giao thông ĐS trên cả nước đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Chúng tôi lúc nào cũng lo nơm nớp. Chúng tôi mong muốn có đề tài này từ lâu rồi…” - ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc CTCP ĐS Thanh Hóa chia sẻ.

Tham dự buổi thực nghiệm, nhiều ý kiến từ đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Khoa học Công nghệ đã ghi nhận tính ứng dụng cao của đề tài đồng thời đưa ra các góp ý, các tình huốn để TCty ĐSVN tiếp tục hoàn thiện đề tài.

Trao đổi với PLVN, Phó Tổng Giám đốc TCty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh cho biết, với hệ thống cần chắn hiện DN trong nước có thể sản xuất được với tỷ lệ nội địa hóa rất cao, đối với hệ thống radar, TCty ĐSVN đang cân nhắc.

Theo kế hoạch đến tháng 11/2019 phải kết thúc đề án, nhưng sau buổi này chúng tôi sẽ hoàn thiện đề tài để nghiệm thu sớm nhất có thể, báo cáo xin ý kiến Bộ GTVT. Nếu được phê duyệt, việc lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước…” - Ông Mạnh khẳng định.