Huyền thoại thời chiến, huyết mạch thời bình
- 13:50 17-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng Bí thư Lê Duẩn (người thứ 3 từ phải sang) thăm Bộ đội Trường Sơn năm 1973 (bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên). Nguồn: TTXVN |
Từ con đường “ra trận mùa xuân”…
Những dòng trên chính là lưu bút mà Tổng Bí thư Lê Duẩn ghi lại trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh khi ông đích thân đến Quảng Bình thăm Bộ Tư lệnh Trường Sơn tháng 2/1973. Tổng Bí thư khẳng định: "Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại...”.
Ngoài Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong kháng chiến, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã trực tiếp đến với con đường huyền thoại này, chứng kiến sức sống kỳ diệu của đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, chia sẻ khó khăn và động viên tinh thần đoàn kết, dũng cảm chiến đấu của quân và dân ta.
Tiêu biểu như Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh vào thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nghe báo cáo của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và động viên, khen ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm bảo vệ tuyến đường chiến lược Trường Sơn của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đặc biệt, ngày 7/3/1973, sau khi vào chiến trường dự Đại hội mừng công của đơn vị, Đại tướng đã cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính đi thị sát các trọng điểm ác liệt của chiến trường Trường Sơn.
Tháng 4/1973, đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Ban Thống nhất Trung ương, gồm các đồng chí Tố Hữu, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Thọ Chấn vào đường Trường Sơn nắm tình hình chiến trường.
Xúc động trước những việc làm quả cảm của bộ đội, thanh niên xung phong và con đường chiến lược hùng vĩ, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Trường Sơn đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình (Nước non ngàn dặm, 1973). Còn trước đó, trong “Theo chân Bác” (1970), Tố Hữu cũng đã viết dòng thơ về Trường Sơn với cảm xúc lãng mạn về con đường mở hướng tương lai: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 31, Binh trạm 30 tại trọng điểm Lùm Bùm, đường 128, Tây Trường Sơn tháng 3/1973. Nguồn: quangbinh.gov.vn |
Trường Sơn và con đường huyền thoại ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho các chiến sĩ-thi sĩ-nhạc sĩ viết hàng trăm bài thơ, bản nhạc.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi là còn chiến sĩ Trường Sơn đã viết tuyệt phẩm “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (1969) với những câu thơ thật lãng mạn mà vẫn hào hùng: Cùng mắc võng trên đường Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...”. Và với Phạm Tiến Duật cũng như lớp thanh niên vượt Trường Sơn đánh Mỹ thì con đường ấy không chỉ là đường ra trận mà còn là con đường “tình yêu nối lời vô tận”. Tình yêu ấy là tình yêu đồng chí, đồng đội, tình yêu đất nước.
Trong “Bài ca Trường Sơn” (1968, thơ Gia Dũng và phổ nhạc Trần Chung) thì những khó khăn thường nhật ở Trường Sơn trở nên thi vị:“Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người/Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng ở lưng đèo nghe suối hát/Ngắt đoá hoa rừng gài lên mũ, ta đi”… Nhạc sĩ Trần Chung cũng đã phổ nhạc một bài thơ của Nguyễn Trung Thu và để đời ca khúc “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (bài thơ sáng tác năm 1972, được phổ nhạc năm 1974)…
Đó là còn không thể kể hết được những ca khúc còn mãi với thời gian nói về Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh, như “Bước chân trên dải Trường Sơn” (1966) và “Đường tôi đi dài theo đất nước” (1966) của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, hay ca khúc “Cô gái mở đường” (1966) của Xuân Giao...
Khi đất nước thống nhất, vào thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cựu chiến binh Thái Vũ viết những dòng thơ xúc động tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh: “Trong trái tim hồng có bao điều muốn nói/Với những liệt sĩ anh hùng nằm lại nơi đây/Hàng vạn nấm mồ hoa thắm, khói hương bay…”.
Năm tháng qua đi, nhưng những bài thơ, bản nhạc ca ngợi Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẫn ngân vang trong tâm hồn người dân yêu nước Việt Nam trong đời sống sôi động hôm nay.
… đến huyết mạch cho tương lai Tổ quốc
Đất nước thống nhất (năm 1975), Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh bắt đầu một sứ mệnh mới khi Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng Đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến đường quốc gia xuyên Bắc-Nam thứ 2 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; gắn kết miền núi với đồng bằng, thông thương Việt Nam với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Theo quy hoạch tổng thể, Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km. Điểm đầu tuyến tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, Cà Mau.
Đường Hồ Chí Minh thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và đường ô tô thông thường. Riêng những đoạn qua thị trấn, thị tứ, thị xã và thành phố được thiết kế phù hợp với từng địa phương. Theo kế hoạch, Đường Hồ Chí Minh thi công qua 3 giai đoạn và hoàn thành vào năm 2020.
Ngày 5/4/2000, dự án xây dựng Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được khởi công tại cầu Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ đây mở ra một huyền thoại mới cho Đường Trường Sơn lịch sử.
Ngày 30/4/2008, sau gần 3.000 ngày đêm, hàng vạn công nhân, trong đó có nhiều anh chị em là con, cháu của những chiến sĩ, thương binh, liệt sĩ từng mở đường, bảo vệ Đường Hồ Chí Minh năm xưa đã không quản nắng mưa, khí hậu khắc nghiệt phá đá, xuyên rừng, bắc cầu, làm nên con đường dài gần 1.300 km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum).
Sự kiện xây dựng thành công Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 do Việt Nam thiết kế, xây dựng bằng nguồn nội lực, là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân cầu đường Việt Nam, trong đó có đông đảo cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 11 và Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng). Hơn nữa, chuyển đổi con đường mòn năm xưa thành con đường xuyên Việt hiện nay còn là việc làm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ.
Đường Hồ Chí Minh đi qua vùng phía tây Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Báo Quảng Bình |
Đường Hồ Chí Minh hôm nay vẫn đi qua những địa danh oai hùng trong chiến tranh chống Mỹ; qua nhiều làng mạc, thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp được quy hoạch dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng lao động, đất đai, góp phần nâng cao dân trí và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa sẽ phát huy các nguồn lực ở phía tây đất nước, nơi có 10 triệu ha đất trồng cây công nghiệp và 28 triệu dân cùng các khu công nghiệp, đô thị được hình thành sẽ góp phần xóa đói nghèo cho 200 xã ở vùng sâu, vùng xa; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, miền xuôi, miền núi...
Như vậy, con đường chiến lược năm xưa giờ trở thành huyết mạch giao thông, đưa đất nước phát triển trong công cuộc hiện đại hóa và hội nhập. Tới năm 2020, khi Đường Hồ Chí Minh hoàn thành, con đường sẽ là mạch máu nối liền đất nước từ Pác Bó đến Cà Mau.
Năm tháng qua đi, màu xanh cuộc sống trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử tiếp tục hồi sinh mạnh mẽ. Sự tích về con đường vĩ đại, thiêng liêng như một huyền thoại ấy còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.