Kẻ mổ lợn giết người hàng loạt đối mặt hình phạt nào?
- 21:55 19-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa bắt Đỗ Văn Bình (37 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) để điều tra về hàng loạt vụ án mạng mà người đàn ông làm nghề mổ lợn này vừa gây ra.
Kết quả điều tra cho thấy chiều 15/5, Bình va chạm giao thông với xe máy do anh Hà Văn Hưng cầm lái, chở theo anh Đoàn Văn Tùng tại xã Vạn Yên, huyện Mê Linh (Hà Nội). Sau đó, Bình bị 2 người này đánh, bắt phải xin lỗi.
Tối hôm đó, Bình hẹn gặp Hưng và Tùng để mâu thuẫn. Tuy nhiên, nghi phạm đã ra tay sát hại 2 người này bằng dao nhọn.
Nghi phạm Đỗ Văn Bình. Ảnh: T.C. |
Sau đó, Bình tiếp tục tới nhà chị Nguyễn Thị Thảo (36 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và dùng dao chém nạn nhân trọng thương.
Bị người dân chặn đường khi lái xe tải bỏ chạy, Bình đã lao thẳng vào ôtô của người dân địa phương. Tên này sau đó đã khống một tài xế taxi cướp ôtô và điện thoại di động.
Đến chiều 17/5, Bình đến huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) sát hại chị Trần Thị Thảo (39 tuổi). Nghi phạm khai lý do giết hai phụ nữ này là vì có mẫu thuẫn từ trước.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết hành vi của Bình là đặc biệt nghiêm trọng, không những tước đi quyền được sống của người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
“Trong thời gian ngắn, nghi phạm đã liên tiếp phạm nhiều tội với tính chất, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nghi phạm đã tước đoạt tính mạng của 3 người, khiến 1 người trọng thương và chiếm đoạt tài sản của người khác”, luật sư Thơm nói và cho rằng hành vi của Bình đã cấu thành tội giết người và cướp tài sản.
Với diễn biến vụ án đã được cảnh sát xác định, ông Thơm nhìn nhận Bình sẽ bị khởi tố tội giết người theo điểm a, e, n khoản 1 Điều 123 có hình phạt cao nhất là tử hình. Còn điều khoản của tội cướp tài sản phụ thuộc kết quả định giá tài sản chiếm đoạt là chiếc xe taxi và điện thoại di động.
Theo luật sư, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nếu đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nghi phạm phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội cao nhất là tử hình.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; n) Có tính chất côn đồ Điều 168. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng... Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Còn chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. |