Thanh niên xung phong với con đường Trường Sơn huyền thoại
- 15:59 16-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong 2 cuộc kháng chiến, hàng chục ngàn nam nữ thanh niên xung phong tình nguyện tham gia mở đường, làm cầu, phá bom, vận chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường...Họ đã góp sức làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Ông Cao Ngọc Tành ở tỉnh Quảng Bình kể lại những lần trực tiếp phá bom nổ chậm. |
Tình nguyện ra mặt trận lúc 24 tuổi, ông Cao Ngọc Tành ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã sống qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Bước sang tuổi 73, ông vẫn nhớ như in những lần trực tiếp phá bom nổ chậm, đứng làm cọc tiêu hướng dẫn xe vượt qua trọng điểm ở đường 12A, đoạn qua Cổng Trời Cha Lo, huyện Minh Hoá, Quảng Bình. Tình yêu dành cho những con đường dọc ngang ra trận ăn sâu trong tâm khảm của ông.
Kỷ niệm khó quên nhất với ông Tành là ngày 14/11/1972, tại km 14 + 20 đường 20 Quyết Thắng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày đó, ông chứng kiến máy bay đánh phá, núi lở, tuyến đường bị tắc, 8 đồng đội của ông đã hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ông Cao Ngọc Tành nhớ lại, có hôm địch thả bom dày đặc làm hàng ngàn mét khối đất đá lấp kín mặt đường. Thế mà đơn vị nhận lệnh phải thông xe trong vòng 2 giờ. Lập tức, ông Tành cùng đồng đội ra đường vừa làm vừa hát, quên cả hiểm nguy.
“Trận địa ở Quảng Bình trong thời gian chống Mỹ cứu nước là một biển lửa. Nhưng, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, nên tất cả lực lượng dồn vào để đảm bảo mở được, giữ được đường chi viện chiến trường miền Nam. Lúc đó, tất cả vì tuyến đường, tất cả vì mặt trận. Có những đồng chí khi đã hy sinh nằm dưới lòng đất nhưng tạo điều kiện vết đường để cho tất cả đoàn xe vượt qua”-ông Cao Ngọc Tành kể.
Bà Trần Thị Thanh Hương từng tham gia bảo vệ tuyến đường 128 ở nước bạn Lào. |
Năm 1965, nữ thanh niên xung phong Trần Thị Thanh Hương ở thành phố Đà Nẵng tình nguyện tham gia bảo vệ tuyến đường 128 ở nước bạn Lào thuộc đoàn 559 (Hà Tĩnh). Bà Hương bám trụ 24/24h, đảm bảo thông xe trong mọi tình huống. Có lúc thiếu mìn phá đá làm đường, họ đành “liều” tháo bom chưa nổ lấy thuốc nổ làm bộc phá.
Đến năm 1967, bà Hương trở về nước, tham gia mở đường cho xe đi, chốt giữ, bảo đảm giao thông ở tuyến đường 12 và 15 tuyến đường 20 Quyết Thắng... Bà kể, địch đánh phá ác liệt, không bao giờ có giấc ngủ ngon. Bà Hương từng bị bom vùi, pháo dập, nhưng con đường huyết mạch đó không thể bị tắc.
“Chưa đầy 17 tuổi, chúng tôi đã lên đường, hành quân 1 tháng 15 ngày đến đất bạn. Hồi đó khổ lắm không có ăn. Người đi trước phát cây sau đó mở đường, mở đến đâu ngụy trang đến đó để cho xe đi. Tham gia mở đường, bom đạn đánh suốt ngày đêm như “trứng để đầu gậy” không biết sống chết thế nào. Đến 1967 về nước tham gia mở đường 15 và 20. Không những mở đường mà còn tham gia bắn máy bay, vận chuyển gạo và làm nhiều việc khác. Hồi đó sập hầm, cô bị thương. Hãnh diện là một thời chiến đấu trên tuyến đường 128 Lào và về đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh”- Bà Trần Thị Thanh Hương nhớ lại.
Các cựu thanh niên xung phong tay bắt mặt mừng trong ngày gặp lại. |
Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong phối hợp với Ban liên lạc Ban Xây dựng 67 tổ chức gặp mặt cựu thanh niên xung phong trong cả nước. Những người đã từng tham gia, góp một phần công sức, xương máu của mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại lại có dịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên xung phong đã tình nguyện tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, rà phá bom mìn… phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Hàng chục nghìn cán bộ, thanh niên xung phong đã hy sinh và bị thương; hàng vạn người khác bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người có công với cách mạng, với lực lượng cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến.
Những thanh niên xung phong năm xưa ôn lại truyền thống nhân ngày gặp mặt. |
Tại buổi gặp mặt, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam khẳng định, sự hy sinh dũng cảm của thanh niên xung phong cùng với các lực lượng khác là sự dũng cảm và sự hy sinh rất to lớn của thanh niên xung phong và các lực lượng khác.
“Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh đã tổ chức dâng hương, dâng hoa đến các Nghĩa trang của Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mở đường Trường Sơn. Những việc làm như vậy, làm sao cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được truyền thống và tiếp tục phát huy Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”- ông Vũ Trọng Kim nói.
Hơn 300 cựu thanh niên xung phong trên cả nước đã về tham dự buổi gặp mặt. |
Trở về đời thường, những thanh niên xung phong một thời tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại, lại tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.