Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chống 'chạy'

Lâu nay, cử tri và nhân dân vẫn thường xuyên phản ánh đến các ĐBQH và cho rằng, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” tuyển dụng, “chạy” trong thi chuyển ngạch công chức, viên chức... vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.

 

Hậu quả của việc chạy chức, chạy quyền, chạy thi tuyển… khiến cho những người không đủ tiêu chuẩn chất lượng “lọt” vào bộ máy, không những khiến bộ máy hoạt động kém hiệu quả, phát sinh những tiêu cực tham nhũng, lãng phí, đề xuất những chính sách “lợi ích nhóm” từ chính những đối tượng “chạy” mà còn làm nản lòng những người tài muốn cống hiến cho đất nước bị mất cơ hội do việc “chạy” gây nên. Xin được nhấn mạnh rằng, những tâm tư được cử tri mong mỏi kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần ngăn chặn tình trạng trên diễn ra cùng thời điểm mà cả xã hội đang bức xúc, lên án hiện nay đó là “chạy điểm”. Sự gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không những làm mất niềm tin của nhân dân khi hầu hết các trường hợp được nâng điểm đều là con em cán bộ, lãnh đạo tại một số địa phương, thì cũng làm “mất cơ hội” trúng tuyển của các em đúng ra đủ điểm để học nhưng do một số trường hợp “chạy điểm” nên các em lại trở thành trượt.

“Dân mong Đảng chọn người tài đức cho Đại hội XIII”- là sự mong mỏi của cử tri Trần Viết Hoàn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình tại buổi tiếp xúc cử tri của các vị ĐBQH đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 7. Điều được ông Hoàn đau đáu cũng chính là nỗi lo chung của cử tri cả nước. Hiện cả nước đang hướng tới 50 năm thực hiện Di chúc của Bác nhưng việc thực hiện Di chúc của Bác vẫn còn đau đáu một điều đó là công tác tổ chức cán bộ. “Đảng bảo giảm đầu mối nhưng đầu mối lại càng phình to, bảo giảm biên chế nhưng biên chế càng tăng”- ông Hoàn bày tỏ đồng thời kiến nghị Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới, dân mong Đảng tìm được người đủ đức, đủ tài, dân phục dân tin, gánh vác công việc cho nước, cho dân.

Dù bị lên án nhưng tại sao hiện tượng “chạy” vẫn có đất sống, là bởi vẫn còn có người chạy và có người nhận “chạy”. Vì thế mà có lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đã yêu cầu làm rõ: Ai chạy, chạy ai? Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương dịp đầu năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị: “Phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ. Cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền”. Hay như tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhấn mạnh đến thời điểm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương xuống cơ sở phải dè chừng những tiêu cực về “chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu”; phải lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Cán bộ có biểu hiện “chạy” là không dùng; cán bộ nói một đằng, làm một nẻo, “lựa theo chiều gió” cũng không dùng; chấn chỉnh ngay những tổ chức còn “xộc xệch”.

Sự cương quyết của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, tiêu cực, đã “không có vùng cấm” dù bất kể người đó là ai, đương chức, hay đã nghỉ hưu. Thế nhưng để chống chạy chức, chạy quyền, điều quan trọng nhất chính là siết chặt từ đầu vào từ các khâu quy hoạch, tuyển dụng cho đến bổ nhiệm. Bởi vậy từ việc nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật trong thời gian qua, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Bá Cảnh (Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng), Bộ Nội vụ đã đưa ra giải pháp phải thắt chặt, làm nghiêm túc hơn, kiểm soát “đầu vào” tốt hơn. Bởi chỉ có tuyển dụng đúng cán bộ có năng lực, trình độ được đào tạo, có mong muốn cống hiến cho công việc cho bộ máy, tổ chức đoàn thể thì bộ máy mới hiệu quả, vì dân.

Thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã cho thấy quyết tâm phải chống các loại “chạy”. Sự tâm tư của nhân dân trước thềm khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV cũng mong mỏi cương quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy thi tuyển. “Ý Đảng đã gặp lòng dân” cùng mong mỏi phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Chỉ khi nào kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng, chống mọi biểu hiện “chạy” như: Chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn mới phát huy được tính dân chủ và nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.