Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Nên bỏ!

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường

Sau 10 năm thành lập, vấn đề giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) lại tiếp tục được đưa ra bàn luận trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng, doanh nghiệp âm quỹ nặng. Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị bỏ Quỹ BOG.

Người tiêu dùng thiệt

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. "Việc sử dụng Quỹ BOG mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu" - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu.

Hiệp hội này kiến nghị bỏ Quỹ BOG để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng Quỹ BOG có điểm bất hợp lý lớn nhất là lấy chính tiền của người tiêu dùng là 300 đồng/lít xăng, dầu để bảo vệ lợi ích cho chính họ. Theo ông Phong, để thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì phải dùng nguồn khác để lập quỹ như lợi nhuận chẳng hạn. Các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu lượng Quỹ BOG khác nhau, nghịch lý là có khi trích quỹ cả năm nhưng chỉ xả một vài kỳ điều hành đã âm quỹ, điều đó cho thấy cơ quan điều hành giá đang lạm dụng Quỹ BOG, làm nhiễu loạn thị trường, chỉ có thiệt cho người tiêu dùng.

 Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong 4 kỳ điều hành giá gần đây, Quỹ BOG liên tục được chi đậm. Cụ thể, ngày 18-3, quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95. Ngày 2-4, xăng E5RON92 chi quỹ 2.042 đồng/lít, xăng RON95 là 1.304 đồng/lít. Kỳ điều hành ngày 17-4 tiếp tục xả quỹ 1.456 đồng/lít với xăng E5RON92 và 743 đồng/lít với xăng RON95. Và kỳ điều hành mới đây vào ngày 2-5, Quỹ BOG lại tiếp tục chi cho xăng E5RON92 925 đồng/lít và 283 đồng/lít với xăng RON95.

Việc phải xả liên tục khiến Quỹ BOG của các doanh nghiệp đầu mối đang bị âm nặng. Theo báo cáo mới nhất của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), sau khi điều chỉnh giá ngày 2-5, quỹ của doanh nghiệp này âm hơn 668 tỉ đồng. Còn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Quỹ BOG cũng đang âm 355 tỉ đồng tính đến ngày 2-5.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro, trong khi thực tế người mua đang ứng trước tiền cho quỹ này. Ngoài ra, khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn quỹ bình ổn thì nên trích lập quỹ. Tuy nhiên hiện nay việc trích quỹ đang được thực hiện để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Thậm chí việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là điều không thể chấp nhận được.

Méo mó thị trường

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong điều hành giá xăng dầu, hiện ngân sách không bỏ ra đồng nào để can thiệp. Ông cũng nhấn mạnh đây không phải là can thiệp hành chính mà là biện pháp kinh tế, tức là mình "lấy nó nuôi nó" và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Quỹ BOG phải bỏ từ lâu mới đúng bởi nó đang làm méo mó, nhiễu loạn thị trường xăng dầu. Được thành lập với kỳ vọng bảo đảm tính thị trường, bảo vệ người tiêu dùng nhưng theo ông Phong, Quỹ BOG đang "phá hoại" thị trường, khi giá xăng dầu thế giới xuống thì trong nước lại tăng để trích quỹ, còn khi giá trên thế giới tăng thì lại xả quỹ để giá trong nước xuống, làm mất đi tính thị trường. "Mục tiêu về bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm tính thị trường đều không có thì tại sao phải để quỹ này tồn tại?" - ông Phong đặt vấn đề.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phân tích bản chất của quỹ chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một thời gian nhất định, sau đó giá cũng sẽ được điều chỉnh, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng tiền trước cho quỹ. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thì cần phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường, giá cả mặt hàng xăng dầu cũng theo đó để điều chỉnh.

Từ góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát, cho rằng về lý thuyết thì được hưởng lợi từ Quỹ BOG, tuy nhiên xét cho cùng thì không phải như vậy khi số tiền của mình phải gửi cho một bên thứ 3. "Bản chất đều là tiền túi của người tiêu dùng, doanh nghiệp xăng dầu không trích lợi nhuận cho quỹ. Trong khi quản lý, sử dụng quỹ không công khai minh bạch, việc trích lập, xả chỉ có thông tin chung chung, người dân không nắm được" - ông Bằng nói.

Rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo... liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay. Do vậy, hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.