Bức thư tay gửi mẹ của Công Phượng lấy hàng triệu nước mắt
- 13:09 13-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, cộng đồng mạng bất ngờ lục lại bức thư do chính Công Phượng tự tay viết tặng đấng sinh thành trong Ngày của Mẹ cách đây hai năm trước
Mở đầu, Công Phượng thốt lên tiếng “Mẹ” thiêng liêng cùng vài dòng thơ “Đi xa thì thấy nhớ. Về gần lại thấy thương!”.
“…Thoảng trong đầu hình ảnh mẹ lầm lũi tất bất , sáng sáng dắt trâu ra đồng , thăm mấy mảnh lúa vừa mới gieo hạt, cái lưng lom khom nhổ từng cọng cỏ. Bất giác muốn chạy thật nhanh về nhà để được vùi đầu vào lòng mẹ như thưở còn thơ”.
Dạo gần đây con về mẹ toàn trách: “Mi giừ lớn rồi nỏ biết có quên cha quên mẹ , quên xóm làng không nựa?”. Mẹ ơi, đời cầu thủ nay đây mai đó, mỗi tuần di chuyển một lần, có khi được đá trên sân cách nhà có 40km mà con cũng có được về mô. Đôi khi lên máy bay di chuyển còn tranh thủ ngủ thiếp đi. Mỗi năm tranh thủ về thăm nhà đôi lần, con cũng chỉ kịp thăm mấy nhà hàng xóm, hàn huyên với mấy thằng bạn, tranh thủ ra đồng bẻ mấy luống ngô với mẹ.
Có lần về còn tranh cãi để mẹ buồn đến lúc đi cũng chưa kịp làm lành. Nhưng dù đi đâu làm gì ” Mẹ ” vẫn là người con thương và nhớ nhất. Mỗi kì có lương con gửi về cho cha mẹ một phần để chăm lo sức khoẻ, mẹ lại nói ” choa không dùng đến tiền mi gửi để cất đó sau mi còn có vốn mà cưới vợ”. Mẹ hay mắng con chuyện này chuyện nọ nhưng trong sâu thẳm mẹ luôn lo lắng cho con. Mẹ lo con đau khi gặp chấn thương,lo con thi đấu xa nhà có ăn uống đủ đầy không, lại lo con có vượt qua được búa rìu dư luận,…
Nhưng thôi , với con chỉ cần mẹ khoẻ để nơi xa con yên tâm với trái bóng. Thằng Phượng của mẹ bây giờ đã trưởng thành không còn đầu bù tóc rối, không gầy gò ốm yếu mỗi khi cười chỉ thấy toàn răng. Và tự biết suy nghĩ cần làm gì tốt cho tương lai sự nghiệp , để cha mẹ không cần phải bận tâm.
Tự dưng thấy nhớ nồi canh cua rau tạp tàng mẹ nấu với mấy quả cà pháo muối mặn. Món ăn gắn liền với tuổi thơ không chỉ con mà nhiều đứa bạn trong cái xóm nghèo ngày ấy!”.
Mặc dù bức thư ấy có nguệch ngoặc với vài ba từ viết sai chính tả, những dấu chấm dấu phẩy đặt lung tung,.. thế nhưng chàng trai chỉ “nhớ nồi canh cua rau mẹ nấu” vẫn khiến ai nấy đều ngấn lệ, bồi hồi xúc động sau khi đọc bức thư tự chính tay mình viết. |
Nhắc về Công Phượng, nhiều người nói rằng tiền đạo 24 này đã quá may mắn khi có một người mẹ tuyệt vời luôn cố gắng chắp cánh giúp con trai vươn tới ước mơ.
Ở vùng đất cày lên sỏi đá, làm kinh tế rất khó khăn nên người dân làng Đô Lương, Nghê An chủ yếu ly hương để tránh cái đói, cái nghèo. Bố mẹ của Phượng là ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa vì nhiều lý do nên phải ở lại bám trụ với mảnh đất quê hương.
Nhà thuộc diện hộ nghèo lại phải nuôi tới 6 miệng ăn nên dù đến những năm sau 2000, nhiều bữa cơm của gia đình vẫn còn phải độn ngô, khoai, sắn…
Thương con, bà Hoa phải bán cả tạ lúa mới đủ lên thị trấn mua một quả bóng da về cho Phượng, khơi lại niềm đam mê cho cậu con trai út. |
Bà Hoa tiếp tục động viên con và đạp xe 20km đưa Phượng lên thị trấn Đô Lương mỗi ngày để theo học lớp năng khiếu bóng đá của huyện. Quãng đường xa, nắng nóng, nhưng gần như đều đặn bà Hoa không bỏ sót buổi tập nào của con trai. Mỗi sáng, bà đèo con lên chỗ tập gửi cho thầy, rồi lại đạp xe về đi làm đồng, trưa lại quay lại để đón Công Phượng về nhà.
Đến buổi chiều 2 mẹ con lại có hành trình tương tự. Tính ra mỗi ngày tập của Phượng là bà Hoa đạp xe khoảng 80km. Có năng khiếu, được đánh giá cao nhưng thử việc ở lò Sông Lam, Phượng lại bị loại vì… thiếu cân.
Công Phượng và bà Hoa. Ảnh của Vietnamnet. |
Dẫu vậy, bà Hoa vẫn tiếp tục động viên con đi dự thi khi lò đào tạo HAGL - JMG đang tuyển quân. Do nhà nghèo, bà Hoa phải bán gần 4 tạ thóc và con lợn 25kg đưa con xuống Vinh đi xe đò vào Pleiku. Chỉ 15 ngày sau, gia đình nhận giấy báo Phượng đã trúng tuyển. Đây cũng là bước ngoặt của Phượng, để biến một cậu nhóc thiếu cân ngày nào thành một trong những cầu thủ được yêu thích nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.
Bây giờ, Công Phượng đang là niềm từ hào của cả bóng đá Việt Nam khi đang thi đấu ở nước ngoài.. Và phía sau thành công của người con xứ Nghệ ấy, mẹ Hoa vẫn hằng ngày dõi bước theo cậu con trai.