Phạt học sinh quỳ trong lớp có phạm tội làm nhục người khác?
- 09:11 13-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sự việc cô Lê Thị Quy, giáo chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), bị đình chỉ công tác một tuần để làm rõ việc phạt học sinh quỳ trước lớp, nhận được nhiều ý kiến bình luận trên mạng.
Trong khi nhiều người cho rằng bắt học sinh quỳ trong lớp là hình phạt không phù hợp, ảnh hưởng tâm lý học sinh, thì cũng có những ý kiến "ngày xưa bị thầy cô đánh, phạt mới nên người". Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là phạt học sinh quỳ có trong quy định của ngành giáo dục và hành động của cô giáo có bị xem là làm nhục người khác?
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội - cho hay hiện nay, việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng quyết định.
Cô Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trước lớp. |
Trong các hình thức kỷ luật đó, không có hình thức nào là bắt học sinh phải quỳ gối trước bục giảng, có những lời lẽ, hành vi mạt sát, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh.
Giáo viên cũng không được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp học. Việc thực hiện hình thức kỷ luật phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của thông tư trên.
Cụ thể, mục III, của thông tư số 08/TT quy định các hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.
Như vậy, luật sư Cường cho rằng theo quy định của pháp luật, ngoài 5 hình thức kỷ luật học sinh nêu trên, giáo viên, hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường không được phép áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật nào khác. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh phải thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định.
“Cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng và tự ý đuổi học sinh ra khỏi lớp là việc làm sai trái, không đúng với thẩm quyền, không đúng với hình thức kỷ luật, cũng như không tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Phòng giáo dục và hiệu trưởng của trường này cần có trách nhiệm xem xét, làm rõ hành vi của cô giáo để có những hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của luật viên chức”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Theo luật sư, thông qua vụ việc này cần tuyên truyền, phổ biến và thống nhất áp dụng hình thức kỷ luật học sinh theo đúng quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng các hình thức kỷ luật để xâm hại quyền được học tập của học sinh, cũng như xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của học sinh. Việc giáo dục, đào tạo đòi hỏi phải nhẫn lại, công phu và có trình độ nghiệp vụ, đạo đức phù hợp.
Những giáo viên không đủ kỹ năng, nghiệp vụ, không đủ kiên nhẫn thì cần phải được nhắc nhở, quán triệt, bồi dưỡng kịp thời. Trong trường hợp không phù hợp nghề giáo hoặc cố tình không thực hiện quy định của Luật Giáo dục, gây ảnh hưởng uy tín, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, phụ huynh và nhà trường, thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật ở mức độ cao nhất là buộc thôi việc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích sự việc cần dựa vào tính chất, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về tâm lý của hành vi ép học sinh quỳ gối để có cơ sở quy kết. Hành vi này có thể xử lý kỷ luật hoặc có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định khó xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác", vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, giáo viên này phải chịu các hình thức kỷ luật khác, bởi không thể chấp nhận được việc làm của cô giáo khi xử phạt học sinh bằng cách quỳ trước lớp. Đây là phương pháp giáo dục trái quy tắc, đạo đức nhà giáo.
Ngày 10/5, hình ảnh học sinh ở Thường Tín, Hà Nội, quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh đang được lan truyền trên mạng xã hội. Theo nội dung đơn, học sinh vi phạm quy định của lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu, yêu cầu 2 em quỳ ngay trước bục giảng. Một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên bị giáo viên đuổi ra khỏi lớp. Trao đổi với Zing.vn, cô Lê Thị Quy cho biết cô bắt học sinh quỳ theo yêu cầu của phụ huynh học sinh, "con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh". Chiều 11/5, ông Phạm Như Ý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín - thông tin đã đình chỉ công tác cô Lê Thị Quy một tuần. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo làm rõ vụ việc này. |