Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những cái bẫy tử thần từ doanh nghiệp khai khoáng

Sau khi khai thác no nê tài nguyên, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An "quên mất" nghĩa vụ hoàn thổ, tạo thành những cái bẫy lấy đi không ít tính mạng của người dân mỗi năm.

 Núi Lan Toong thuộc địa phận 2 xã Châu Hồng và Châu Thành (huyện Quỳ Hợp), thời gian gần đây liên tục xảy ra tai nạn chết người. Nạn nhân là những người dân địa phương đi mót quặng trong các đường hầm, bãi thải do doanh nghiệp bỏ lại. Sau hàng chục năm khai thác, ngọn núi này bây giờ như một tổ ong, với hệ thống đường hầm chằng chịt bên trong kéo dài hàng chục mét.

 Đứng từ xa quan sát có thể dễ dàng nhìn chi chít các miệng hầm do doanh nghiệp bỏ lại sau khi đã hết thời gian khai thác hoặc bị đình chỉ. Để mót số quặng ít ỏi còn sót lại, người dân thường đi theo những miệng hầm này vào sâu bên trong. Việc hoàn thổ chưa được tuân thủ nghiêm khiến cho các điểm mỏ khai thác khoáng sản đang trở thành những cái bẫy chết người với người dân.

 Theo quy định, hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường cũng đã quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ nhằm giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác....

 Quỹ phục hồi môi trường sẽ tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Nhà nước sẽ giữ số tiền các doanh nghiệp khai thác ký quỹ. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp hoàn thổ hiện trạng đúng như cam kết thì được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để trả chi phí thuê thực hiện. Sau khi hoàn thổ, cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm nghiệm thu.

 Tuy nhiên, trên thực tế lại là một chuyện khác. “Nhiều đường hầm họ không đánh sập. Còn chỗ chúng tôi làm thì họ chỉ lấy mấy bao tải đất bịt lối vào, phía trong vẫn y nguyên. Chúng tôi muốn đi vào mót quặng chỉ việc nhẹ nhàng nhấc bao tải này ra”, anh Trương Văn Hiển (30 tuổi) ở xã Châu Hồng nói. Anh Hiển là chồng của 1 trong 3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập hầm vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Có mặt ở núi Lan Toong, phóng viên không khó để phát hiện hàng loạt miệng hầm do doanh nghiệp để lại sau khi đã ngừng hoạt động. Dưới những đường hầm đó, mỗi ngày, hàng trăm người dân địa phương vẫn bất chấp nguy hiểm để mót quặng, kiếm sống qua ngày. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, những đường hầm khai thác quặng ở núi này đã được hoàn thổ bằng cách lấp miệng.

 Không chỉ ở Quỳ Hợp, nơi được xem như thủ phủ của khoáng sản ở Nghệ An, những cái bẫy tử thần như thế này còn có ở hầu hết khắp địa phương. Trong ảnh là một đường hầm khai thác vàng bị bỏ lại ở huyện Tương Dương.

 Những đường hầm, miệng hố ở các bãi vàng tạo thành những cái bẫy đối với không chỉ người dân địa phương mà còn gia súc khi đi vào khu vực này. Với những bẫy tử thần từ những doanh nghiệp khai thác trái phép như các bãi vàng ở huyện Tương Dương thì việc hoàn thổ đương nhiên là công việc sẽ không được tiến hành.

 Khu vực mỏ đá Lèn Chùa, nơi các doanh nghiệp khai khác bị đình chỉ vì khai thác quá giới hạn cho phép. Khu vực này bây giờ thành một cái hồ rộng lớn, lòng hồ sâu hoắm, thường xuyên sạt lở gây nguy hiểm cho người dân địa phương.

 Một nguồn tin cho hay, tại huyện Quỳ Hợp có 20 mỏ đã hết phép khai thác thì chỉ có 2 mỏ đã hoàn thổ mặt bằng. Qua các đợt kiểm tra, địa phương này đã nhiều lần có ý kiến đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường, cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp phớt lờ hoặc cũng chỉ làm đối phó. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.