Khó trong xây dựng mô hình điểm trạm y tế ở Nghệ An
- 14:09 11-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chậm thiết lập hồ sơ sức khỏe...
Đề án “Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 trạm y tế xã huyện Nam Đàn, giai đoạn 2018 - 2020” đặt ra mục tiêu đến năm 2018, cán bộ làm việc tại 6 trạm y tế xã được đào tạo, tập huấn chuyên môn theo nguyên lý y học gia đình; 100% trạm y tế trong phạm vi đề án triển khai phần mềm quản lý sức khỏe, trong đó 90% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe. Đồng thời, đến hết năm 2019, 6 trạm y tế được tập huấn nâng cao năng lực y tế dự phòng, dân số và ATTP, thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; Đến năm 2020, trên 90% người dân tại 6 xã trên được quản lý sức khỏe và cả 6 xã được duy trì chuẩn quốc gia về y tế. |
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra tiến độ xây dựng mô hình điểm tại Trạm Y tế xã Khánh Sơn. Ảnh: Thành Chung |
Khánh Sơn là 1 trong 6 xã của huyện Nam Đàn (cùng với các xã Kim Liên, Nam Lộc, Nam Thái, Vân Diên và Nam Cát) được lựa chọn triển khai đề án theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 12/6/2018 của UBND tỉnh Nghệ An.
Sau gần 1 năm triển khai, xã đã làm được một số phần việc như: Tuyên truyền cho người dân về nguyên lý bác sĩ gia đình và các lợi ích thực hiện nguyên lý; cử cán bộ trạm y tế tham gia lớp đào tạo bác sĩ gia đình, nhân viên y tế xóm tham gia tập huấn về y học gia đình; thực hiện điều tra để tiến tới lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; khảo sát các bệnh không lây nhiễm trong toàn dân; nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục công trình ở trạm y tế, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp... Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Sơn |
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Thảo, đến nay, cũng như các xã khác thuộc đề án, Khánh Sơn đang bị “ách” ở nội dung “tạo lập hồ sơ sức khỏe cá nhân”. Bác sĩ Thảo cho hay: “Bộ Y tế chưa cung cấp, tập huấn phần mềm quản lý sức khỏe người dân; huyện và xã chưa có kinh phí để thực hiện khám sức khỏe tổng quát cho 12.560 người dân ở Khánh Sơn nói riêng và hơn 53.000 dân ở 6 xã nên việc tạo lập hồ sơ sức khỏe cá nhân hiện vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.
Với 53.000 người dân, ước tính kinh phí xét nghiệm và chụp chiếu cần khoảng 200.000 đồng/người, trong khi tổng kinh phí thực hiện đề án ở Nam Đàn là 4,2 tỷ đồng thì rõ ràng việc tạo lập hồ sơ ở 6 xã không thể thực hiện như ở xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Bác sĩ Nguyễn Thành Lân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn |
Nhập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Ảnh: Thành Chung. |
Trước thời điểm triển khai đề án ở Nam Đàn, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện thí điểm lập hồ sơ sức khỏe cá nhân ở xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Tuy nhiên, phần mềm mà xã này nhập vào chưa phải là phần mềm “chuẩn” toàn quốc và chưa được nối vào hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành phần mềm “chuẩn” và chưa xây dựng hệ thống quản lý quốc gia. Điều này đồng nghĩa khi có phần mềm chuẩn, tất cả thông số của người dân Diễn Vạn sẽ phải nhập lại để đồng bộ. |
Ngành Y tế Nghệ An đã chỉ đạo việc tạo lập hồ sơ ở xã sẽ được thực hiện theo phương thức cập nhật dần trên cơ sở kết quả điều tra, khai báo của người dân và kết quả khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc tạo lập hồ sơ theo phương thức này cũng đang đình trệ khi hiện nay Bộ Y tế mới triển khai phần mềm và Sở Y tế Nghệ An vừa mới triển khai hướng dẫn; ngoài ra huyện chưa có kinh phí (theo đề án là gần 1,98 tỷ đồng). Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chắc chắn đề án sẽ chậm tiến độ.
Tính đến nay, Nghệ An đã thực hiện được 2/16 lớp phổ biến Hồ sơ sức khỏe điện tử ngành Y tế Nghệ An. Ảnh: Thành Chung |
...và vấn đề kinh phí, nhân lực
Bà Phạm Thị Hải - Trưởng phòng Y tế huyện Nam Đàn cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và ngành Y tế, thời gian qua Nam Đàn đã có rất nhiều cố gắng để thực hiện đề án. Trong bối cảnh chưa có kinh phí thực hiện, huyện đã cố gắng tạm ứng các nguồn để thực hiện sửa chữa trang thiết bị, thực hiện truyền thông; kết nối với các đơn vị tài trợ để nhận chuyển giao công nghệ... Tuy vậy, nếu chiếu theo các mục tiêu đề án thì huyện có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu kinh phí triển khai.
Trạm Y tế xã Nam Thái, huyện Nam Đàn nhận công nghệ được chuyển giao từ Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế. Ảnh: Thành Chung |
Theo bà Hải, bên cạnh vấn đề kinh phí, hiện tại những khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai đề án ở Nam Đàn còn là vấn đề nhân lực. Cụ thể, ở 3 trạm y tế Kim Liên, Nam Thái và Nam Lộc, 3 bác sĩ ở đây dẫu đã được đào tạo, nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (do trước đây ở đơn vị đào tạo chưa có mã ngành); 8 bác sĩ vừa được đào tạo lớp bác sĩ gia đình đang chờ cấp chứng chỉ và cũng chưa rõ có cơ chế ưu tiên nào không để được cấp chứng chỉ hành nghề sớm (theo quy định phải đảm bảo 18 tháng thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh). Nếu không có chứng chỉ sẽ không triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở trạm y tế.
Khó khăn nhân lực còn là từ năm 2016 đến nay, đội ngũ y tế tuyến xã ở Nam Đàn đã có 15 người nghỉ hưu nhưng chưa được phép tuyển dụng bổ sung. Trong báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn gửi Sở Y tế Nghệ An ngày 26/4/2019 có đề nghị Sở Y tế bổ sung nhân lực cho trạm y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động chuyên môn như đề án đã phê duyệt (6 cán bộ/trạm y tế xã); kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí theo lộ trình thực hiện của đề án...
Đối với vấn đề nhân lực, mới đây, Ban Giám đốc Sở Y tế vừa có cuộc họp thống nhất đồng ý chủ trương tuyển dụng đối với huyện Nam Đàn, trong đó tập trung tuyển dụng các bác sĩ. PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An |
Khám, chữa bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Kim Liên. Ảnh: Thành Chung |
Bác sĩ Chỉnh cũng khẳng định: “Đề án “Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 trạm y tế xã huyện Nam Đàn, giai đoạn 2018-2020” có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ, chăm sức khỏe người dân.
Về phía huyện Nam Đàn cũng cần mở rộng đề án này cho toàn huyện trên cơ sở vận dụng lồng ghép nguồn lực theo Quyết định số 17/QĐ -TTg ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025”.