'Tôi bắt học sinh quỳ trước lớp là theo yêu cầu của phụ huynh'
- 08:21 11-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu chuyện cô giáo phạt quỳ, học sinh phản đối và không thực hiện vì cho rằng bị làm nhục, đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Sau khi hình ảnh một học sinh phải quỳ trước lớp được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến khác nhau tranh luận về hình phạt này.
Phụ huynh tố một đằng, giáo viên nói một nẻo
“Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh.
Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại. Bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến”, cô Quy nói.
Theo nữ giáo viên, khi ông của học sinh đến họp, cô đã trao đổi là con rất hư, nghỉ nhiều buổi học.
Cô Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trước lớp. |
Trước đó, chị N.T.L., phụ huynh có con bị cô giáo bắt quỳ, cho biết: "Hôm đó, con trai tôi nói chuyện trong giờ nên bị cô bắt quỳ nhưng cháu không chấp nhận hình phạt, vì cho rằng đó là sỉ nhục. Một học sinh khác vẫn quỳ. Sau đó, cứ đến tiết Toán của cô chủ nhiệm, con tôi bị đuổi ra khỏi lớp".
Nữ phụ huynh này cho rằng các cháu còn nhỏ tuổi chưa hiểu biết, nếu có điều gì chưa đúng, thầy cô phải giảng giải, chứ bắt quỳ gối trước mặt cả lớp và đuổi học, là phản giáo dục. Cô giáo cũng không thông báo cho gia đình về vụ việc. Một phụ huynh khác nói, chị mới được biết.
"Tôi lên tận nhà giáo viên chủ nhiệm xin cho cháu học môn Toán, cô mới đồng ý. Cứ đến giờ Toán, cô yêu cầu cháu lên ngồi bàn giáo viên để học, vô tình tạo cho cháu áp lực không nhỏ”, chị N.T.L. nói.
Tối kỵ xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh
Về hình phạt bắt học sinh quỳ trước lớp, bà Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng có nhiều cách trách phạt nhưng không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò. Đó là điều tối kỵ.
Hình phạt là phương pháp giáo dục hướng đến mục đích giúp các em nhìn ra lỗi sai của mình và sửa chữa. Ở đây, cô giáo yêu cầu học sinh quỳ có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó. Đây được coi là hình phạt nặng và phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.
Bà Loan cho rằng kể cả làm theo yêu cầu của phụ huynh, và đã được ghi rõ trong biên bản, giáo viên vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Có thể phụ huynh chưa thực sự hiểu hết nhạy cảm đằng sau việc bắt con quỳ trước lớp, và nghĩ “yêu cho roi vọt” nên yêu cầu giáo viên kỷ luật bằng cách bắt quỳ. Thầy cô là những người hiểu biết, có phương pháp sư phạm, cần giải thích cho cha mẹ hiểu người lớn không được quyền làm vậy với các con.
Đó là chưa kể hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo, bà Loan nêu quan điểm.
Nguyên cán bộ của Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng nếu đúng như phụ huynh phản ánh cô giáo không cho học sinh vào lớp, là đang làm mất quyền học tập của các em, cũng như không quản lý được học sinh.
Nếu em đó vi phạm đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường đình chỉ môn học trong thời gian nhất định. Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.
"Cô giáo đuổi học sinh khỏi giờ dạy của mình và không quản lý thì đang mắc lỗi sai nghiêm trọng. Giả sử khi bị đuổi khỏi lớp, học sinh ra đường và xảy ra việc đáng tiếc thì sao. Với tư cách là nhà giáo, tôi phản đối cách giáo dục này”, bà Loan nói.