Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khách Tây khó chịu với văn hóa húp mì sùm sụp của người Nhật

Thực khách Pháp không hài lòng khi ngồi cạnh ai đó húp mì sùm sụp, nhưng không phải tất cả người ngoại quốc đều phản đối văn hóa này ở Nhật.

Brian Ashcraft, đến từ Mỹ, sống tại Osaka (Nhật Bản) từ năm 2001. Khi mới chuyển đến xứ sở hoa anh đào, Brian nghe người dân nói rằng anh không cần lo lắng nếu tạo ra tiếng động khi ăn mì.

Tuy nhiên, thái độ trước văn hóa ăn uống này của người dân dần thay đổi. Người Nhật còn coi húp mì xì xụp là hành vi "quấy rầy khi ăn mì" này, gọi tắt là "nuuhara". Cụm từ này phổ biến tại xứ sở mặt trời mọc vào năm 2016, khi chương trình truyền hình Tokudane! thực hiện một phóng sự về việc "quấy rầy" khi ăn mì.

 Hình ảnh những thực khách Nhật Bản húp mì lên sóng truyền hình. Ảnh: Tokudane.

MC Rei Kikukawa phải giải thích khái niệm nuuhara và phỏng vấn khách nước ngoài về văn hóa này. Những du khách Thụy Điển tới Nhật Bản lần đầu tiên đánh giá tiếng húp mì nghe như "heo đang ăn". Trong khi một số người khác thậm chí còn ví âm thanh này như tiếng xả nước bồn cầu.

Một nữ du khách New Zealand bày tỏ bà không muốn ngồi cạnh một người ăn uống ồn ào. Còn chàng trai Anh thẳng thắn rằng, nếu bạn bè húp mì sùm sụp, anh sẽ yêu cầu họ yên lặng ngay lập tức.

Phản ứng của đa số người Nhật là họ nên ăn mì theo cách bản thân muốn tại chính đất nước của mình. Brian đồng ý với quan điểm này song tỏ ra lo lắng liệu văn hóa ăn uống này có ảnh hưởng đến thái độ của khách nước ngoài khi ghé thăm các nhà hàng khắp Tokyo vào dịp Olympic sắp tới.

Gần đây, mạng xã hội Nhật Bản lần nữa lại dậy sóng khi tài khoản Haruka đăng tải một bài phỏng vấn thực khách Pháp vào ngày 4/5. Người này cho biết khách Pháp cảm thấy chán nản và khó chịu trong lúc ngồi cạnh ai đó húp mì xì xụp.

 Thực khách Pháp trả lời phỏng vấn về văn hóa ăn mì của người Nhật. Ảnh: Haruka/Twitter.

Brian chỉ ra rằng húp mì hay bún không phải nét văn hóa của riêng người Nhật, thậm chí không phải ai tại xứ sở hoa anh đào cũng làm vậy. Không phải tất cả người ngoại quốc đều phản đối văn hóa này, ví dụ như siêu sao bóng chày Brad Eldred của đội Hiroshima Toyo Carp từng cố ý húp mì sùm sụp để khiêu khích những cầu thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết người thích ăn mì Nhật Bản đều xì xụp ở những mức độ khác nhau. Một số lý do cho "phản ứng" này là mì nóng, thực khách phải húp thật nhanh để sợi mì nguội bớt; hoặc họ phải tạo ra âm thanh ồn ào khi ăn như thể hiện với đầu bếp rằng mì rất tuyệt.

Lời giải thích hay nhất Brian từng nghe chính là: "Khi ăn mì cùng nước dùng, thực khách sẽ thấy ngon hơn nếu húp xì xụp, bởi họ có thể cảm nhận hết hương vị của bát mì nhờ mở miệng hết cỡ. Nếu chỉ chúm miệng và cắn sợi mì, họ sẽ không thể thấy hết mùi vị của món ăn".

Vì vậy, chàng trai Mỹ cho rằng dù ăn mì ramen, udon hay soba, thực khách vẫn nên mạnh dạn húp sùm sụp như người dân xứ sở mặt trời mọc vẫn làm. Brian quan niệm: "Nếu có ai thấy phiền phức với 'nét đẹp' ăn uống này, bạn không cần bận tâm và hãy tận hưởng bát mì đúng kiểu Nhật".