Nhiễm bệnh sau khi lăn kim, chuyên gia muốn bạn nhớ rõ điều này khi làm đẹp
- 09:15 09-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo tài liệu y khoa, lăn kim là phương pháp dùng kim lăn trên gương mặt để làm đẹp. Kim lăn có 3 dạng. Thứ nhất là dermarollers có hình dạng như chiếc lăn sơn nhỏ với hàng trăm chiếc kim tí hon dùng để lăn đều lên mặt.
Thứ hai là dermapens có hình dạng như cây bút với một đầu tròn có gắn kim và đầu kia nối với điện lăn theo hướng lên và xuống.Và dermastamps trông giống như loại thứ hai nhưng một đầu to hơn với nhiều kim hơn và hoạt động theo kiểu đóng dấu trên gương mặt.
Nguyên tắc hoạt động là giúp tái tạo làn da, trẻ hóa da bằng cách giúp các mỹ phẩm dưỡng da thẩm thấu sâu hơn vào bên trong, làm mỏng và mờ sẹo, làm đều màu da, trị mụn…
Tuy nhiên, nếu đến những cơ sở không uy tín bạn rất dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trường hợp chị Tr. (Ba Đình, Hà Nội) sau khi trị sẹo rỗ bằng phương pháp lăn kim tế bào gốc đã chia sẻ hình ảnh mặt sưng phù nề và những tâm sự phải chịu đau đớn khủng khiếp của mình.
Nguy cơ nhiễm trùng khi sử dụng dịch vụ lăn kim |
Chị Tr. cho biết, sau khi lăn kim trị sẹo rỗ tại một cơ sở uy tín, da chị bị sưng và rướm máu, trên mặt có những lỗ li ti, đỏ ửng.
“Đau thì khỏi bàn cứ như lấy dao lam rạch lên da vậy mình đau quá khóc giãy giụa gồng đủ cả muốn vùng dậy đi về luôn cho rồi. Mình đã ủ tê tận 45 phút nhưng vẫn không ăn thua, đau như xé thịt”, chị Tr. chia sẻ.
Sau khi đăng tải, chia sẻ của chị Tr. đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Người từng áp dụng cách làm đẹp này đã đưa ra nhận định, những triệu chứng của chị Tr. là điều hiển nhiên khi lăn kim tế bào gốc và nó thật sự không đau đớn tới mức như chị Tr. nói.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người cảm thấy sợ hãi với nỗi đau xé da cắt thịt khi dùng kim lăn trên mặt.
Khuyến cáo từ các chuyên gia
Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, đây là liệu pháp dùng huyết tương giàu tiểu cầu của một người để điều trị một số tình trạng của chính người đó như: trẻ hóa da, rụng tóc hói...
PRP được xem là xu hướng thẩm mỹ da khá thịnh hành và phát triển nhanh chóng với cái tên "trẻ hóa bằng máu", "trẻ hóa bằng huyết tương".
Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu khi được đưa vào da sẽ kích thích tăng sinh collagen và hình thành các mạch máu mới giúp trẻ hóa da, giảm hình thành nếp nhăn, trị sẹo rỗ, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây oxy hóa,...
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, do công nghệ PRP dùng máu tự thân của khách nên nếu quy trình an toàn và đúng chuẩn, khách hàng sẽ không có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây lan qua đường máu.
Ngược lại, nếu những vi kim nhỏ xíu hay các thiết bị khác không được xử lý hoặc khử trùng đúng cách giữa các lần điều trị, việc này có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm các bệnh lây qua đường máu, trong đó có HIV và viêm gan b
Theo ThS.BS Lã Thanh Hà, Trưởng khoa Da liễu, BV Tuệ Tĩnh các bác sĩ từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng sau làm đẹp tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài.
Đặc biệt trong đó có không ít bệnh nhân đến “cầu cứu” bác sĩ vì biến chứng sau lăn kim, có bệnh nhân bị "cày nát" mặt, bùng phát trứng cá, viêm da bội nhiễm, viêm da mủ...
Lăn kim có tác dụng tốt cho làn da. Thế nhưng, phương pháp này sẽ mang đến những biến chứng khôn lường nếu người dân không lựa chọn cơ sở uy tín, tiến hành theo quy trình trước, trong và chăm sóc đúng cách sau lăn kim.
Cũng theo chuyên gia da liễu này, việc lăn kim không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, mà cần phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật lăn kim, người thực hiện thủ thuật này phải đánh giá, loại trừ các bệnh lý của da, mức độ thương tổn da, điều kiện thực hiện kỹ thuật đối với từng bệnh nhân cụ thể lựa chọn kim lăn phù hợp, không phải trường hợp nào cũng lăn kim giống nhau.
Chính vì vậy, ThS.BS Lã Thanh Hà khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm đẹp bằng bất kỳ phương pháp nào, trong đó có lăn kim. Người dân nên đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa da liễu để thực hiện tránh tai biến đáng tiếc xảy ra khiến “tiền mất tật mang”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng (Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ Đại học Y dược TPHCM) nhận định, lăn kim hiện tại được sử dụng rất phổ biến và đôi lúc trở nên quá lạm dụng.
Đây cũng là một kỹ thuật can thiệp trên cơ thể (cụ thể là da) vì vậy để quá trình điều trị được an toàn cần được chỉ định bởi bác sĩ và thực hiện bởi nhân viên y tế.
Khi sử dụng không đúng cách có thể gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng, gây sẹo, giảm sắc tố da, nguy cơ lây bệnh, dị ứng với các sản phẩm dùng kèm.
Theo PGS.TS Đỗ Quang Hùng, Ban pháp chế Hội tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, lăn kim là một kỹ thuật xâm lấn cơ thể gây chảy máu. Các cơ sở không được cấp phép, không đảm bảo điều kiện vô trùng. Nguy cơ về nhiễm viêm gan siêu vi B và C, thậm chí HIV là rất cao.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng nói: "Chúng ta lăn kim như vậy, chúng ta đã tác động đến vùng thượng bì, nó rỉ máu ở bề mặt da. Do đó, nếu dụng cụ đó không được vô trùng dùng một lần mà bị dùng đi dùng lại, nguy cơ viêm nhiễm bệnh rất cao".