Thêm một thông tư của Bộ GD-ĐT mơ hồ, gây tranh cãi
- 14:16 06-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù đến ngày 28-5 mới có hiệu lực, tuy nhiên Thông tư 06 "Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" của Bộ GD-ĐT đang gây nhiều tranh cãi, nhất là ở mục 7, điều 4.
Theo quy định tại mục này, Bộ GD-ĐT yêu cầu cả giáo viên và học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Thông tư gây nhiều tranh cãi với cả học sinh và giáo viên |
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thật ra nhiều nội dung quy định trong thông tư không có gì mới. Tuy nhiên, tranh cãi nhất là ở cụm từ "ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục". Nhiều nhà giáo và ý kiến của học sinh cũng phản ứng, thế nào là "ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục"?. Bộ đã không giải thích rõ, quy định rõ ràng từng hành vi mà nói chung chung. Cũng không đưa ra chế tài cụ thể đối với quy định này. Phải chăng bộ lại rơi vào tình trạng "không quản được thì cấm". Nếu thế khi áp dụng, các cơ sở giáo dục cũng không cách nào xử lý được.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, Thông tư 06 sẽ có tác dụng như một bộ quy tắc ứng xử tốt hơn cho nhà trường. Thế nhưng bộ đưa ra quy tắc ứng xử nhưng chưa đề cập đến việc xử lý những vi phạm. Nhất là ở mục 7 điều 4. Nếu đưa những thông tin sai sự thật, mang tính chống phá thì đã có luật an ninh mạng. Liệu có chồng chéo khi bộ cũng quy định như vậy không. Ông Phú cũng cho rằng, thay vì nghiêm cấm như vậy, bộ cũng nên ra thông tư khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên đưa những thông tin về thành tích học tập, những tấm gương vượt khó, kết quả các kỳ thi, tình thầy trò, những hình ảnh đẹp về môi trường…để lan tỏa trong cộng đồng mạng, để chúng ta cảm nhận được cái hay, cái đẹp từ học đường và làm tăng niềm tin đối với môi trường giáo dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ đang không quản được thì cấm |
Nhiều ý kiến của các nhà giáo cũng cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều những tiêu cực được phát hiện nhờ mạng xã hội. Chẳng hạn như gian lận thi cử 2018 cũng bắt nguồn từ thông tin trên mạng xã hộ hay những clip phản ánh bạo lực học đường…Không những thế, môi trường học đường ngày nay càng phức tạp, trong trường hợp giáo viên, học sinh cần hỗ trợ từ cộng đồng mà không được chia sẻ lên mạng thì làm sao? Hoặc những hành vi, những cá nhân gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục mà không được thông tin, được phản ánh để cảnh báo cho những người khác thì phải thế nào?
Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đưa ra những quy định "trên trời" với câu chữ mơ hồ, thiếu thực tế. Trước đó, bộ cũng từng gây phản ứng gay gắt khi quy định "Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học" hay quy định "Giáo viên không được dạy nội dung ngoài sách giáo khoa"…