Ly kỳ tranh chấp 23 sổ đỏ tại Bình Chánh của 'siêu lừa'
- 15:14 03-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 3-5, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm xem xét 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh mà ‘siêu lừa” Dương Thanh Cường đem đi lừa đảo.
“Siêu lừa” Dương Thanh Cường (SN 1966) nay đã là bị án đang thi hành án tù chung thân tại trại giam nhưng “số phận” 23 GCNQSDĐ qua nhiều phiên xử vẫn chưa thể dứt điểm.
Trong phiên xử này, tòa đã triệu tập nguyên đơn dân sự là Agribank. Ngoài ra, tòa cũng xác định ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) và 11 người khác là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết.
Bị án Dương Thanh Cường |
Theo hồ sơ, Cường là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát. Trong quá trình làm ăn, Cường lập rất nhiều công ty trong đó Công ty TNHH SX-XD-TM Thanh Phát. Cuối năm 2007, Cường có ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Lấy danh nghĩa công ty Thanh Phát, Cường làm hồ sơ vay 700 tỉ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để thực hiện dự án. Tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay 23 GCNQSDĐ. Ngày 4-12-2007, Agribank Chi nhánh 6 đã giải ngân cho công ty Thanh Phát 628 tỉ đồng.
Cường biết dự án không được cơ quan chức năng phê duyệt, biết rõ tài sản bảo đảm là dự án sẽ không hình thành nên đầu tháng 4-2008 Cường ký văn bản gửi Agribank Chi nhánh 6 xin mượn 23 GCNQSDĐ. Theo đó, lý do Cường đưa ra là để làm thủ tục trình UBND TP.HCM phê duyệt dự án.
Thực chất, Cường đem toàn bộ số giấy tờ này sang Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục vay tiền dưới hợp đồng tín dụng mang tên một công ty khác, cũng do Cường lập ra. Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường 79,8 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng. Khi vụ án bị phát hiện, CQĐT đã kê biên đối với 23 GCNQSDĐ.
Xử sơ thẩm và phúc thẩm, hai cấp toà đã tuyên phạt Cường tù chung thân về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về phần dân sự, TAND TPHCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM đều tuyên huỷ bỏ các quyết định kê biên và trả lại cho cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) bản chính 23 GCNQSDĐ.
Tuy nhiên, phần dân sự này bị Chánh án TAND Tối cao kháng nghị và sau đó có quyết định giám đốc thẩm. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm huỷ phần dân sự vì cho rằng việc hai cấp toà tuyên như trên là sai lầm nghiêm trọng, không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank Chi nhánh 6.
Trong quyết định giám đốc thẩm cũng nhận định 23 GCNQSDĐ là vật chứng của vụ án, cần phải được kê biên để đảm bảo thi hành án. Do đó, CQĐT ra quyết định kê biện đối với 23 GCNQSDĐ là rất cần thiết. Từ đó, quyết định giám đốc đã huỷ án phần dân sự liên quan đến 23 GCNQSDĐ để xử lại.
Theo Kết luận điều tra mới của CQĐT, quyết định huỷ phần dân sự là có căn cứ. Cụ thể, về nguồn gốc hình thành 23 GCNQSDĐ, Cường thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 vay 628 tỉ đồng. Cường đã sử dụng 171,2 tỉ đồng để mua 10,5 ha đất tại huyện Bình Chánh. Khu đất này thuộc quy hoạch của UBND TP.HCM đã giao cho công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng để thực hiện dự án xây dựng khu trung tâm kỹ thuật cao, công ty Thanh Phát là tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của 23 GCNQSDĐ là trái quy định pháp luật về đất đai. Hành vi vi phạm quy định cho vay của cán bộ ngân hàng Agribank chi nhánh 6 và hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 628 tỉ đồng của Dương Thanh Cường đã bị xét xử xong, hiện đang chấp hành hình phạt tù
Với động cơ chiếm đoạt tiền của Agribank Chi nhánh 6, Cường đã mượn lại 23 GCNQSDĐ đem thế chấp vay tại Ngân hàng Phương Nam. Việc cho vay của Ngân hàng Phương Nam với tài sản thế chấp, bảo lãnh này là trái pháp luật, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tố chức tín dụng, thẩm định cho vay chưa chặt chẽ… Hiện số tiền cho vay không thu hồi được, gây thiệt hại nghiêm trọng. Hành vi của cán bộ Ngân hàng Phương Nam có dấu hiệu tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tố chức tín dụng hiện đang được xác minh điều tra...
Tại phiên xử sáng nay, 3-5, Agribank và ngân hàng Phương Nam được hỏi về pháp lý 23 sổ đỏ. Nhưng đôi bên đều cho rằng sẽ trả lời trong phần tranh luận tiếp theo. PLO sẽ cập nhật khi có kết quả...
"Thành tích" của siêu lừa Dương Thanh Cường Ngày 27-6-1996, Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 18 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, 10 năm tù về tội chiếm đoạt tài sản công dân, 3 năm về tội trốn thuế. Tổng hợp hình phạt chung mà Cường phải chấp hành là 20 năm tù. Ngày 11-8-1996, Cường bị TAND tỉnh Tiền Giang xử phạt 10 năm tù về tội đưa hối lộ. Ngày 15-12-2015, Cường bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 13 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Ngày 17-6-2015, Cường TAND TP.HCM xử phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 10-7-2018, Cường TAND TP.HCM xử phạt 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là lần thứ 10 "siêu lừa" Thanh Cường hầu tòa. |